Điểm đáng chú ý trong báo cáo tháng 8: CPI lương thực vọt lên gần 7%, cao nhất trong 30 tháng
Lạm phát cơ bản vẫn trên mức 4%
Từ cuối năm ngoái đến nay, lạm phát toàn phần có xu hướng giảm nhanh do giá nhiên liệu giảm trên thị trường toàn cầu và trong nước, đồng thời tiêu dùng trong nước cũng chững lại, trong khi lạm phát cơ bản hạ nhiệt nhưng với tốc độ chậm hơn.
Từ mức đỉnh 4,9% (so với cùng kỳ) vào tháng 1 đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm xuống còn 2,96% (so với cùng kỳ) trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% cho cả năm. Trong đó, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất 7,14% so với cùng kỳ, tiếp đến là giá hàng hóa khác tăng 5,89%, giáo dục tăng 5,05%.
Lạm phát cơ bản (không tính giá lương thực thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng và dịch vụ được Nhà nước quản lý giá) giảm từ 5,2% (so cùng kỳ) trong tháng 1 xuống còn 4,02% (so cùng kỳ) trong tháng 8.
Bình quân 8 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,1%). Tổng cục Thống kê cho biết nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng, dầu trong nước 8 tháng năm 2023 giảm 17,56% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,3% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Nhìn từ số liệu thống kê theo tháng từ năm 2019 đến nay, lạm phát cơ bản thường quanh vùng 2%, ít khi vọt lên mức 3% (so với cùng kỳ), tuy nhiên từ tháng 10 năm ngoái đến nay, lạm phát cơ bản vẫn trên mức 4%. Xu hướng này từng được các chuyên gia cảnh báo có thể là yếu tố khiến Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc khi muốn tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
CPI lương thực vọt lên mức gần 7% - cao nhất trong 30 tháng
Ngoài lạm phát cơ bản vẫn trên mức 4%, một điểm đáng chú ý khác là CPI lương thực trong nhóm "hàng ăn và dịch vụ ăn uống" trong tháng 8 tăng 6,99% so với cùng kỳ - cao nhất kể từ tháng 3/2021.
So với tháng 7, CPI lương thực tăng 3,28% - cao nhất xét từ tháng 1/2020 đến nay.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) cảnh báo theo dõi chặt giá gạo bởi đây là một trong những yếu tố chính gây lạm phát trong ngắn hạn.
Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đã lập kỷ lục mới về khối lượng nhờ giá xuất khẩu thuận lợi. MBKE cho rằng điều này làm tăng giá gạo bán lẻ trong nước và kịch bản này có thể sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn, từ đó làm tăng lạm phát lương thực cũng như lạm phát toàn phần vì lương thực, thực phẩm là nhóm đóng góp lớn nhất trong rổ tính CPI với tỷ trọng 33,56%.
"Trên thực tế, lạm phát lương thực (trong đó 70% là gạo) vẫn ở mức rất cao trong khi các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác đã mất đỉnh vào cuối năm ngoái", các chuyên gia tại đây cho hay.
Dù rủi ro là hiện hữu, tuy nhiên, theo MBKE, vẫn có một số yếu tố hỗ trợ. Thứ nhất, Chính phủ có thể thực hiện các biện pháp hành chính và tài chính để ổn định giá bán lẻ trong nước do gạo là một trong 9 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá.
Về lo ngại nắng nóng, hạn hán sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối năm 2023 và kéo dài sang năm 2024, ảnh hưởng đến vụ lúa của các địa phương, MBKE cho rằng Việt Nam thực tế đã trải qua El-Nino trong các vụ 2015-2016 và 2019-2020 nhưng chỉ tác động nhẹ đến sản xuất lúa gạo.
Hơn nữa, có mối tương quan thấp giữa lạm phát lương thực địa phương và lạm phát lương thực toàn cầu trong 10 năm qua. Giá trong nước có xu hướng ổn định hơn so với giá toàn cầu. Ngoài ra, tác động trực tiếp của việc tăng giá gạo cũng có thể kiểm soát được do lương thực chỉ đóng góp 3,67% trong rổ tính CPI, trong đó gạo chiếm 2,55%.
Nhận định chung thời gian tới, MBKE cho rằng lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản vẫn có thể chịu áp lực tăng trong ngắn hạn do căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, chủ trương bảo hộ lương thực và hiện tượng El Nino sẽ làm giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng lên. Ngoài ra, giá dầu thô toàn cầu đang ở mức cao nhất trong 3 tháng, được hỗ trợ bởi việc cắt giảm sản lượng của OPEC và cam kết thúc đẩy tăng trưởng của chính quyền Trung Quốc.
Về tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, nhóm phân tích bảo lưu quan điểm NHNN vẫn theo xu hướng nới lỏng tiền tệ từ nay đến hết năm nhằm hỗ trợ nền kinh tế do lạm phát vẫn đang ở mức thấp và thị trường ngoại hối ổn định
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng đưa ra nhận định lạm phát dự kiến tăng nhẹ từ mức bình quân 3,1% trong năm 2022 lên 3,5% trong năm 2023. Tác động giảm phát do tăng trưởng chững lại và do giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) được triển khai trong nửa cuối năm 2023 được đánh giá là có thể bù đắp cho tác động của tăng lương công chức (20,8%) lên chỉ số giá.
Theo WB, chính sách giảm 2% thuế GTGT từ tháng 7/2023 dự kiến chỉ có tác động tạm thời và không đáng kể trong năm nay. Trong thời gian tới, với dự báo giá cả thương phẩm sẽ giảm trong năm 2023, giá cả năng lượng và thương phẩm57 cơ bản ổn định trong năm 2024, phạm phát CPI được kỳ vọng giảm còn 3% trong năm 2024 và 2025, bằng mức trước đại dịch.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/