Kinh tế 8 tháng đầu năm 2023: Nhập khẩu tiếp tục thu hẹp đà giảm
Lạm phát cơ bản tháng 8 tăng 4,02% so với cùng kỳ
Sáng 29/8, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,88% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 8 tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.
Về sản xuất công nghiệp, Tổng cục Thống kê đánh giá sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 10,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8%; ngành khai khoáng giảm 2,5%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm.
124.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 8 tháng đầu năm
Trong tháng 8, cả nước có hơn 14.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 6.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10,9% so với tháng trước và giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.178 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 24,8% và tăng 37,9%; có 5.216 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 0,8% và tăng 17,1%; có 1.375 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 13% và giảm 29,6%.
Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có 149.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 124.700 doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 15.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 ước đạt 61.300 tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 352.100 tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 47,6% và tăng 17,1%).
Ngân sách bội chi 43.600 tỷ đồng
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 8 ước đạt 88.100 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.124,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán năm và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 8 ước đạt 139.000 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.081,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán năm và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Đà giảm nhập khẩu tiếp tục xu hướng thu hẹp
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 năm 2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu đã ghi nhận 3 tháng tăng trưởng liên tiếp, giúp thu hẹp đà giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng đầu năm nay ước tính xuất siêu 20,2 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,2 tỷ USD.
Báo cáo cũng cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515.400 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4,03 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).
FDI 8 tháng đầu năm đạt hơn 18 tỷ USD, vốn giải ngân tăng cao nhất trong nhiều năm
8 tháng đầu năm, cả nước có 1.924 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỷ USD, tăng 69,5% về số dự án và tăng 39,7% về số vốn so với cùng kỳ.
830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,53 tỷ USD, tăng 22,8% về số lượt dự án điều chỉnh và giảm 39,7% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, có 2.268 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 4,47 tỷ USD, giảm 6,5% về số lượt giao dịch và tăng 62,8% về số vốn so với cùng kỳ.