|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điểm chung của các nước lên kế hoạch sống chung với COVID-19, Việt Nam liệu có thể đi theo con đường này?

07:54 | 06/09/2021
Chia sẻ
Nhiều quốc gia trên thế giới đang dần cho phép người dân quay lại nhịp sống hàng ngày, hoạt động kinh doanh cũng dần được mở lại và vắc xin chính là chìa khóa để những quốc gia này tiến tới "bình thường mới" sau đại dịch.

Chứng nhận tiêm chủng, khỏi bệnh và kết quả âm tính

Cuộc chiến với COVID-19 ở các quốc gia châu Âu đã thay đổi. Từ Anh, Pháp, Đức cho đến Italy, các nhà lãnh đạo cũng dường như bỏ mục tiêu '"xóa sổ" virus SAR-CoV-2. Thay vào đó, những quốc gia này đang lên kế hoạch cho việc sống chung với nó.

Biện pháp chính của các quốc gia này là chiến dịch tiêm vắc xin mũi nhắc lại, đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên và tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội để dịch bệnh không vượt ngoài rầm kiểm soát trước khi mùa đông đến, theo Wall Street Journal.

Điểm chung của các nước chấp nhận sống chung với dịch COVID-19, Việt Nam liệu có thể đi theo con đường này? - Ảnh 1.

Nhân viên kiểm tra giấy thông hành y tế bằng mã QR ở một nhà hàng tại Pháp. (Ảnh: AFP).

Đức là quốc gia chưa từng dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. Song, lúc này Berlin lại đang lên kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường, bất kể số ca mắc COVID-19 mỗi ngày vẫn ở mức hàng nghìn.

Trong tuần qua, Đức đã cho phép những người đã tiêm phòng vắc xin, người đã khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính được đến nhà hàng, bệnh viện và các địa điểm trong nhà khác. Nước này cũng bắt buộc quy định đeo khẩu trang, kể cả đối với người đã được chủng ngừa, khi hoạt động trong không gian kín và trên phương tiện công cộng.

Hay tại Pháp và Italy, giấy chứng nhận tiêm chủng, khỏi bệnh sau khi mắc virus hay xét nghiệm âm tính cũng là điều kiện tiên quyết để người dân có thể tham gia các hoạt động thường nhật. Thậm chí, những nhà hàng Pháp nếu không thực hiện kiểm tra thông tin trên của khách hàng có nguy cơ phạt tới 10.600 USD và một năm tù.

Anh cũng đang lên kế hoạch dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế. Quốc gia này đặt niềm tin vào hiệu quả của vắc xin, cũng như ý thức của cộng đồng để cùng vượt qua dịch bệnh.

Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi nước Anh học cách chung sống với virus, như cách người dân xứ sở sương mù chung sống với các căn bệnh đường hô hấp khác.

Nới lỏng nhưng không gây áp lực lên hệ thống y tế

Trái ngược với chiến lược "mở toang" như Anh, kế hoạch sống chung với COVID-19 của một số nước Đông Nam Á như Singapore hay Thái Lan lại có phần thận trọng hơn. Bắt đầu từ ngày 1/9, Thái Lan sẽ nới lỏng các quy định giãn cách sau khi dịch COVID-19 tại nước này có dấu hiệu suy giảm.

Theo đó, nước này cho phép tụ tập lên đến 25 người (trước đó chỉ cho phép 5 người), nối lại các chuyến bay nội địa, mở cửa trở lại công viên công cộng và tiệm làm đầu ở 29 tỉnh.

Thay vì cố gắng đưa số ca nhiễm về 0, mục tiêu chuyển sang kiểm soát các đợt bùng phát ở mức không gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời duy trì nhiều hoạt động thương mại ở những trung tâm chính, bao gồm thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận.

Điểm chung của các nước chấp nhận sống chung với dịch COVID-19, Việt Nam liệu có thể đi theo con đường này? - Ảnh 2.

Điều quan trọng của giai đoạn "sống chung với COVID-19" chính là hệ thống y tế không bị quá tải vì những ca bệnh nặng. (Ảnh minh họa: Reuters).

Theo Nikkei Asia, việc kiểm tra giấy xác nhận tiêm vắc xin COVID-19, xác nhận âm tính,... cũng đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại các nhà hàng ở Singapore. Bất cứ thành viên nào trong nhóm chưa được tiêm chủng đều không thể dùng bữa tại nhà hàng, ngoại trừ trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện tiêm phòng.

Quy định về số người được phép tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng nâng từ 2 lên 5 người. Mỗi hộ gia đình có thể tiếp đón tối đa 5 khách/ngày. Công dân Singapore đã tiêm chủng đủ hai liều vắc xin có thể tham gia các hoạt động không cần đeo khẩu trang, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn hoặc những sự kiện quy mô lớn.

Song, những cư dân chưa được tiêm chủng sẽ tiếp tục đối mặt với các hạn chế nghiêm ngặt. Họ chỉ được ăn uống tại quầy hàng ngoài trời.

Vắc xin chính là chìa khóa

Dễ dàng nhận thấy rằng, tiêm chủng vắc xin chính là chìa khóa quyết định việc mở cửa đất nước, phục hồi kinh tế. Cũng chính bởi vậy, tiêm chủng đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới nuôi tham vọng chung sống với đại dịch.

Theo cựu quan chức Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), ông Scott Gottlieb, qua thời gian, đại dịch thường trở thành bệnh đặc hữu (endemic), như cúm. Các virus gây bệnh đặc hữu lây lan liên tục và vẫn gây tử vong nhưng không làm gián đoạn hoạt động xã hội. Đây cũng chính là tương lai của đại dịch COVID-19.

Theo đó, COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu khi số người có miễn dịch (qua chủng ngừa hoặc nhiễm bệnh) đạt đến mức độ nhất định và tiêm vắc xin là con đường an toàn nhất để tiến tới mục tiêu này. Các nước đang chọn sống chung với COVID-19 nêu trên đều có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Điểm chung của các nước chấp nhận sống chung với dịch COVID-19, Việt Nam liệu có thể đi theo con đường này? - Ảnh 3.

Vắc xin chính là chìa khóa để những quốc gia này tiến tới nới lỏng, phục hồi kinh tế. (Ảnh minh họa: Reuters).

Theo Reuters, đã có 80% dân số Singapore đã tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19. Dữ liệu từ Our World in Data cho thấy con số này ở Anh là 63%, ở Đức và Italy là hơn 60% và Pháp là 59%.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), chỉ 0,01% người tiêm đủ hai liều ở nước này phải nhập viện do COVID-19. Tại Pháp, chỉ 65 trên 1 triệu người phải nhập viện vào tuần đầu tiên của tháng 8, thấp hơn 2/3 so với lúc con số này đạt đỉnh trong tháng 3. Trong cùng tuần lễ trên ở Đức và Italy, tỷ lệ nhập viện trên 1 triệu người đã giảm 90% so với mức cao nhất gần đây.

Các nước sống chung với dịch đã tiêm vắc xin ít nhất cho 60% dân số

Từ kinh nghiệm của các quốc gia đang chấp nhận việc "sống chung với COVID-19" như Anh, Italy, Đức hay Singapore,... có thể thấy rằng, điểm chung của các quốc gia này là tỷ lệ tiêm chủng vắc xin đủ hai liều cho toàn bộ người dân ở mức 60% trở lên.

Bên cạnh đó, điều quan trọng của giai đoạn "sống chung với COVID-19" chính là hệ thống y tế không bị quá tải vì những ca bệnh nặng.

Tờ Straits Times dẫn lời Phó giáo sư David Lye, người đứng đầu nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore: "Một yếu tố quan trọng khác đó là không được có quá nhiều các ca nhiễm nặng khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải."

Ngoài ra, một yếu tố cần phải quan tâm khác chính là độ phủ vắc xin đến các đối tượng dễ tổn thương như trẻ em. Bởi trên thực tế, các nước Anh, Đức hay Italy hiện cũng đang gặp thách thức trong việc mở rộng độ phủ của vắc xin sang đối tượng trẻ em, khi mùa tựu trường sắp đến. New York Times nhận định, việc chưa tiêm phòng cho trẻ em và thanh thiếu niên nhỏ tuổi sẽ khiến tỷ lệ lây nhiễm có thể tăng cao hơn nữa.

Về phương hướng phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại cuộc họp ngày 29/8: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên".

Kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc chiều 5/9 về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu cần chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vắc xin hơn trong 1-2 tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vắc xin.

Thủ tướng nhấn mạnh khi đã thực hiện được mục tiêu về tiêm vắc xin thì có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn: Giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn,...Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch kịch bản khôi phục kinh tế xã hội thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Tính tới ngày 4/9, Việt Nam đã nhận 33 triệu liều vắc xin, tăng gấp 2 lần so với đầu tháng 8. Dự kiến tới cuối tháng 9, tổng cộng sẽ có khoảng 50 triệu liều vắc xin về Việt Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu tiêm 150 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 70% dân số, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022. Tính đến sáng 6/9, Việt Nam đã tiêm được hơn 21,4 triệu liều vắc xin COVID-19, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 18,2 triệu liều, tiêm 2 mũi là hơn 3,1 triệu liều.

Phương Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.