|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm, chủ nợ còn những cách nào để đòi nợ?

15:36 | 24/06/2020
Chia sẻ
Theo một số luật sư, sau khi dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm, bên cạnh việc thỏa thuận đòi nợ, chủ nợ là cá nhân hoặc tổ chức có thể sử dụng biện pháp khởi kiện ra tòa án hoặc ủy quyền đòi nợ.

Khởi kiện ra tòa án

Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, trong đó, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã chính thức bị cấm.

Dịch vụ đòi nợ thuê bị 'cấm', người dân còn những cách đòi nợ nào? - Ảnh 1.

LS Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc (Hà Nội). (Ảnh: Báo CAND).

Trao đổi với chúng tôi về những biện pháp mà người dân và tổ chức có thể sử dụng để đòi nợ sau ngày luật có hiệu lực (1/1/2021), LS Phạm Thanh Bình, GĐ Công ty Luật Bảo Ngọc chia sẻ:

"Nếu không thỏa thuận được với nhau thì sẽ giải quyết qua con đường tòa án. Từ thời điểm Quốc hội thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) cho đến khi Luật có hiệu lực thi hành thì có thể sẽ có qui định hình thức chuyển đổi và các công ty phải bỏ ngành nghề đăng kí kinh doanh này.

Trước đây khi chưa có qui định cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thì mọi người vẫn thông qua con đường tòa án. Tuy nhiên, sau khi có dịch vụ đòi nợ thuê thì vô hình chung tạo ra một dạng đòi nợ bằng vũ lực. Hình thức dùng vũ lực đe dọa gây mất trật tự không được xã hội thừa nhận".

Ông Bình chia sẻ: "Khi khởi kiện ra tòa án thì đó là việc của các công ty luật và chúng tôi vẫn đi đòi nợ thuê.

Khi được đương sự ủy quyền, chúng tôi sẽ thẩm định hồ sơ và tiến hành theo con đường khởi kiện. Trong thực tế chúng tôi vẫn đi đòi nợ cho nhiều ngân hàng bằng hình thức đó".

Nói về lí do khiến việc đòi nợ qua việc khởi kiện không thật hấp dẫn với những chủ nợ, ông Bình cho hay sau khi phiên tòa diễn ra, tòa án có bản án rồi thì thi hành án sẽ làm công việc của mình trong đó có thể có việc phát mại tài sản (nếu có tài sản thế chấp)... 

Và nếu thực hiện theo trình tự tố tụng như vậy thì thời gian đòi nợ sẽ bị kéo dài. "Theo chu trình đòi nợ thông qua tòa án, có những vụ kéo dài phải xử vài lần, thời gian đến vài năm. 

Sau khi án có hiệu thực thì chuyển sang khâu thi hành án, tài sản lúc đó đã có thể đã bị tẩu tán khiến chủ nợ khó có thể nhận lại tiền của mình. Chính điều này khiến nhiều người bỏ qua quá trình tố tụng mà tìm đến các công ty đòi nợ để thực hiện việc đòi nợ", ông Bình chia sẻ.

"Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà các biện pháp làm "tắt" như dùng vũ lực đe dạo con nợ được phép sử dụng, đó là hành vi trái pháp luật", ông Bình nói.

Chủ nợ có thể ủy quyền đòi nợ

Trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi, theo LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên BASICO, ngoài việc tự đòi hoặc thông qua tòa án, chủ nợ còn có thể thông qua hoạt động ủy quyền, mua bán nợ.

Theo ông Đức, Luật Đầu tư (sửa đổi) chỉ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê còn những vấn đề khác liên quan đến đòi nợ hầu như không có ranh giới để phân biệt, các cá nhân (tổ chức) vẫn có thể ủy quyền để đòi nợ. Ủy quyền có thể có thù lao hoặc không có thù lao, có công chứng hoặc không có công chứng. 

Trước đây đòi nợ là một hoạt động kinh doanh thì nay nó trở thành một hoạt động bình thường. Và có thể chính cá nhân của các công ty đang kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sau này sẽ nhận ủy quyền.

Vị luật sư này cho biết khi dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm thì hoạt động đòi nợ có thể sẽ khó quản lí hơn. 

"Khi dịch vụ đòi nợ thuê chưa bị cấm thì dễ quản lí, dễ kiểm soát bởi cơ quan chức năng chỉ cần quản lí căn cứ trên các đầu mối các doanh nghiệp chuyên đòi nợ thuê. 

Những người hành nghề phải làm thế nào đó để giữ giấy phép, giữ nghề của họ. Còn những người đòi nợ xăm trổ, đe dọa con nợ, tôi cho rằng đó là những người đòi nợ bất hợp pháp.

Dịch vụ đòi nợ thuê bị 'cấm', người dân còn những cách đòi nợ nào? - Ảnh 2.

LS Đức cho rằng những người đòi nợ xăm trổ, đe dọa con nợ là những người đòi nợ bất hợp pháp. (Ảnh minh họa: kiemsat.vn).

Người đòi nợ có nghiệp vụ, kĩ năng, có sự chuyên môn hóa rất cao. Đến các ngân hàng với bộ máy hàng nghìn nhân viên cho vay và đòi nợ mà vẫn phải thuê các công ty đòi nợ thì nói gì đến người dân", ông Đức nói.

Ông Đức cũng chia sẻ về một số trường hợp người đòi nợ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà vô tình vướng vào vòng lao lí: "Tôi từng chứng kiến nhiều vụ việc và cũng đã được đăng tải trên báo. Đó là một số người dân sau khi bị nợ, không đòi được thì tức tối quá, đi bắt nợ bằng cách tạm giữ người và lấy tài sản của con nợ để trừ nợ.

Thế là chủ nợ vi phạm luật hình sự với hai tội danh: Giam giữ người trái phép và Cưỡng đoạt tài sản. Nếu trong những trường hợp đó mà thuê các công ty đòi nợ thuê làm chuyên nghiệp thì có lẽ sự việc đã khác". 

Minh Anh