Dịch COVID-19 'vẽ nên' bức tranh ảm đạm trong hoạt động chế tạo toàn cầu
Kết quả các cuộc khảo sát về chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) được IHS Markit công bố ngày 1/4 cho thấy hoạt động chế tạo đang suy yếu, trong đó sự sụt giảm mạnh ở các cường quốc xuất khẩu như Đức và Nhật Bản đã lấn át sự cải thiện khiêm tốn ở Trung Quốc.
Chỉ số PMI của IHS Markit về hoạt động chế tạo ở Mỹ cho thấy sản lượng chế tạo của nước này đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2009 trong tháng Ba, trong đó sự thiếu hụt nguồn cung do dịch COVID-19 là yếu tố chính gây ra sự sụt giảm này.
Một khảo sát khác của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho thấy hoạt động chế tạo đã suy giảm ít hơn dự đoán trong tháng Ba, nhưng tình trạng gián đoạn do dịch COVID-19 đã đẩy số đơn hàng mới của các nhà máy xuống mức thấp nhất trong 11 năm, qua đó củng cố nhận định của giới chuyên gia rằng kinh tế Mỹ đang trong tình trạng suy thoái.
Tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), chỉ số PMI tháng Ba của IHS Markit trong lĩnh vực chế tạo đã giảm sâu xuống dưới 50 điểm, mốc ngăn cách giữa tăng trưởng và suy thoái, và chạm mức thấp nhất kể từ giữa năm 2012, khi khu vực này đang hứng chịu cuộc khủng hoảng hoảng nợ.
Sản lượng từ các nhà máy của Anh cũng ghi nhận mức giảm nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ, do dịch COVID-19 làm trì hoãn hoạt động sản xuất và ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh. Tại Canada, hoạt động sản xuất cũng diễn ra ở mức chậm nhất kể từ tháng 10/2010.
Trung Quốc dường như là điểm sáng duy nhất trong bức tranh của lĩnh vực chế tạo toàn cầu, với chỉ số PMI tăng từ mức thấp kỷ lục 40,3 điểm trong tháng Hai lên 50,1 điểm trong tháng Ba. Tuy nhiên, chỉ số PMI của Trung Quốc chỉ nhỉnh hơn một chút so với mốc 50 điểm, cho thấy đà tăng trưởng mong manh và các doanh nghiệp nước này vẫn đang đối mặt với nhiều áp lực do nhu cầu trong và ngoài nước đều sụt giảm.
Trong khi đó, ở phần còn lại của châu Á, hoạt động chế tạo của Hàn Quốc ghi nhận mức giảm nhanh nhất trong 11 năm qua, khi nhiều đối tác thương mại của nước này đang thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Hoạt động chế tạo của Nhật Bản cũng không tích cực hơn, với đà giảm mạnh nhất trong khoảng 10 năm qua trong tháng Ba, củng cố các quan điểm cho rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này có thể đang ở trong tình trạng suy thoái. Khảo sát "Tankan" của Ngân hàng trung ương Nhật Bản còn cho thấy tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy năm trong quý I/2020.
Alex Holmes, chuyên gia của Capital Economics, nhận định tình hình có thể sẽ còn diễn biến xấu hơn nhiều trong những tháng tới, khi giai đoạn thực hiện khảo sát PMI nói trên không bao gồm khoảng thời gian khi các nước như Malaysia và Thái Lan bắt đầu thực hiện các lệnh cách ly xã hội.
Capital Economics dự đoán GDP toàn cầu sẽ giảm hơn 3% trong năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng dịch COVID-19 đang đẩy kinh tế toàn cầu vào một đợt suy thoái, đồng thời kêu gọi các nước hành động với các kế hoạch chi tiêu “khổng lồ” để tránh tình trạng phá sản và vỡ nợ.