|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Mỹ bộc lộ dấu hiệu suy thoái

15:10 | 02/04/2020
Chia sẻ
Hoạt động chế tạo của Mỹ trong tháng Ba vừa qua sụt giảm ít hơn dự đoán, nhưng tình trạng gián đoạn do dịch COVID-19 đã đẩy số đơn hàng mới của các nhà máy xuống mức thấp nhất trong 11 năm
Kinh tế Mỹ bộc lộ dấu hiệu suy thoái - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng mua đồ tại siêu thị ở Los Angeles, Mỹ ngày 14/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Qua đó, nhận định của giới chuyên gia rằng kinh tế Mỹ đang trong tình trạng suy thoái. Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số biểu thị hoạt động chế tạo quốc gia đã giảm từ 50,1 điểm trong tháng Hai xuống 49,1 điểm trong tháng Ba.

Chỉ số này dưới 50 điểm cho thấy lĩnh vực chế tạo, vốn chiếm 11% nền kinh tế Mỹ, đang suy giảm. Trước đó, giới chuyên gia dự đoán chỉ số này sẽ giảm xuống 45 điểm trong tháng trước.

Sự suy giảm ít hơn dự đoán trong chỉ số nói trên phản ánh sự gia tăng của chỉ số phụ về thời gian giao hàng của các nhà cung cấp lên 65 điểm, từ mức 57,3 điểm trong tháng Hai.

Sự kéo dài thời gian giao hàng thường được liên hệ với sự gia tăng trong hoạt động chế tạo, và đây là một yếu tố cấu thành tích cực cho chỉ số chung. Nhưng trong trường hợp này, thời gian giao hàng chậm hơn lại cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung liên quan đến dịch COVID-19, chứ không phải là nhu cầu mạnh mẽ hơn.

Ngược lại, chỉ số phụ biểu thị số lượng đơn hàng mới lại giảm từ 49,8 điểm trong tháng Hai xuống 42,2 điểm trong tháng Ba, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Các nhà sản xuất cũng cho biết đã chi ít hơn cho nguyên liệu thô và các đầu vào khác. Chỉ số biểu thị tình hình việc làm trong lĩnh vực chế tạo cũng giảm từ 46,9 điểm trong tháng Hai xuống 43,8 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009.

Hơn 80% người dân Mỹ đang thực hiện các hình thức cách li xã hội, trong bối cảnh các bang và chính quyền địa phương đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Không chỉ gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng, dịch COVID-19 còn ảnh hưởng đến nhu cầu. Ngành giao thông gần như đã chững lại, còn các nhà hàng, quán bar và các tụ điểm xã hội khác cũng đều bị đóng cửa.

Tình trạng đóng cửa kinh doanh này đã khiến số việc làm trong khu vực tư nhân giảm 27.000 việc làm trong tháng Ba, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 9/2017, theo Báo cáo việc làm quốc gia được công bố ngày 1/4 của ADP. Sự sụt giảm này tập trung ở các doanh nghiệp nhỏ, trong khi các công ty lớn hơn lại thuê thêm nhân viên.

Giới chuyên gia tin rằng chuỗi thời gian bùng nổ việc làm dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, bắt đầu vào tháng 10/2010, đã chấm dứt trong tháng trước. Tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán tăng 0,3 điểm phần trăm lên 3,8% trong tháng Ba.

Bức tranh suy yếu của thị trường lao động có thể sẽ lại được thể hiện trong báo cáo về số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ dự kiến được công bố trong ngày 2/4. Trong đó, số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp được dự đoán sẽ chạm mức cao chưa từng có trong tuần trước, sau khi đã xác lập con số kỷ lục 3,28 triệu đơn trong tuần kết thúc vào ngày 21/3.

Khánh Ly

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.