|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch Covid-19: Hà Nội sẵn sàng dừng sự kiện giải đua F1 nếu dịch bệnh phức tạp

20:24 | 26/02/2020
Chia sẻ
Việc tổ chức các sự kiện được Thành phố chuẩn bị sẵn sàng như sự kiện giải đua F1 nhưng sẵn sàng dừng lại khi dịch bệnh vẫn phức tạp

Chiều 26/2, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (Sars-CoV-2).

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 15h ngày 26/2, Hà Nội chưa ghi nhận ca dương tính với Covid-19, số trường hợp giám sát tại bệnh viện và cộng đồng: Giám sát tại bệnh viện 84 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Covid-19. Đã có 81 trường hợp xét nghiệm âm tính, chỉ còn 3 trường hợp cách ly theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện.

Dịch Covid-19: Hà Nội sẵn sàng dừng sự kiện giải đua F1 nếu dịch bệnh phức tạp - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung kết luận chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 26/2.

Giám sát theo dõi sức khoẻ người đi về từ vùng dịch tại khu vực cách ly tập trung và tại cộng đồng: Cách ly tập trung tại trường quân sự- Bộ Tư lệnh Thủ đô 144 trường hợp đi về từ vùng có dịch Hàn Quốc (trong đó có 7 người Hàn Quốc, 137 người Việt Nam); Số người cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an: Luỹ tích 116 trường hợp (32 trường hợp là người của Hà Nội). 

Đã có 24 trường hợp hết thời gian cách ly, hiện còn 92 trường hợp đang tiếp tục được cách ly theo dõi sức khoẻ; Số người cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú: Luỹ tích 2.151 trường hợp, Đã có 1.38 trường hợp hết thời gian cách ly. Hiện còn 315 trường hợp còn phải cách ly theo dõi sức khoẻ.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, những ngày qua Thành phố đã thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch. Công an đã rà soát, nắm tình hình, chủ động phát hiện những người đi về từ vùng có dịch. 

Tính đến hết ngày 25/2, Thành phố có 2.871 người Trung Quốc, 20.678 người Hàn Quốc, 8.515 người Nhật Bản, 402 người Italia, 275 người Singapore, 70 người Hồng Kông (Trung Quốc), 24 người Iran, từ khu vực Daegu là 23 người (22 Việt Nam, 1 Hàn Quốc) từ khu vực Bắc Gyeongsang là 15 người (13 Việt Nam, 2 Hàn Quốc).

Theo ông Hạnh hiện có 200 người từ Hàn Quốc đang ở sân bay và từ đến tối nay có thêm 5 chuyến bay nữa. Vì thế cần chuẩn bị nơi tiếp nhận theo dõi sức khoẻ số người này.

Đại diện Công an Thành phố đề xuất do bệnh viện công an quá tải, lượng người đến nên phù hợp với lượng người ra.

Đại diện Trung tâm phòng chống kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu xét nghiệm, đầy đủ trang thiết bị chống dịch ở quận huyện. Tuy nhiên, cần cung cấp bổ sung số lượng tiếp để bảo đảm các tình huống tiếp theo. 

Tình hình dịch bệnh ngoài Trung Quốc phức tạp việc giám sát, cách ly vẫn thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Địa phương thiếu nhiệt kế trang bị cho lớp học

Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Chử Xuân Dũng cho biết, chỉ đạo các trường học làm tốt công tác vệ sinh khử khuẩn, công tác tư tưởng để cha mẹ học sinh yên tâm cho con đến trường. Trong tuần này tập huấn giáo viên đo thân nhiệt phòng chống dịch. Hướng dẫn học sinh tiếp cận các giải pháp tiếp cận kiến thức chuẩn bị vào học từ ngày 2/3.

Đại diện UBND huyện Thanh Trì, Sóc Sơn,  tiếp tục giám sát chặt chẽ người nước ngoài sinh sống trên địa bàn... đảm bảo khẩu trang, nhiệt kế điện tử, nước rửa tay tại mỗi lớp học, tiếp tục phun phòng dịch trường học.

Huyện Sóc Sơn đề nghị 2 trường hợp từ vùng dịch Hàn Quốc đang ở tại nhà được đưa về khu vực cách ly của thành phố.

Đại diện Thị xã Sơn Tây cho biết, đang gặp khó khăn về nhiệt kế điện tử trên thị trường bị đẩy giá cao, động viên cha mẹ học sinh hỗ trợ tham gia xã hội hoá để kịp có đủ nhiệt kế cho các lớp học khi học sinh bắt đầu đi học. Đề nghị Thành phố chỉ đạo hướng dẫn thông tin tuyên truyền hài hoà tránh gây hoang mang trong nhân dân.

Huyện Mỹ Đức có 94 trường hợp cách ly đã hết thời gian. Tuy nhiên vẫn tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình sức khoẻ. Mỹ Đức cho biết, cần 1.320 chiếc nhiệt kế, gọi điện cho cơ sở chỉ có vài chiếc giá 1,8 triệu/chiếc và không xuất hoá đơn.

Huyện Đan Phượng, tập trung công tác tiêu trừ khử độc, kiểm tra hàng tuần. Nắm chắc danh sách người nước ngoài trên địa bàn và người Đan Phượng ở nước ngoài để cách ly khi cần thiết. Đã đáp ứng 70% nhiệt kế cần thiết, phấn đấu đến cuối tuần đủ số lượng nhiệt kế trang bị cho lớp học.

Quận Nam Từ Liêm kiến nghị cung cấp cho địa phương danh sách người nhập cảnh mới, 4 cơ sở tôn giáo cần sự quan tâm giúp đỡ phòng dịch đề nghị Thành phố cho hướng chỉ đạo. Tương tự trên địa bàn có cơ sở tin lành có 400 người Hàn Quốc tham gia sinh hoạt. Quận đã vận động để tạm dừng sinh hoạt vào thứ 7.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý, các địa phương, đặc biệt Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã vào cuộc tích cực, kích hoạt bệnh viện dã chiến đón nhận người từ vùng dịch. Lưu ý các công dân nước ngoài nhập cảnh đi qua Hàn Quốc từ vùng dịch về khu vực cách ly tập trung.

Đối với người đang cách ly tại nhà trên địa bàn, đề nghị cách ly tại nhà nghiêm ngặt nhất. Rà soát không bỏ sót các đối tượng lưu trú tại khách sạn.

Đối với người không qua vùng dịch chủ động khai báo, tự theo dõi khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì đến cơ quan y tế, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo ông Quý, số lượng người Hàn Quốc dự kiến tăng có khả năng quá tải. Đề nghị chuẩn bị cơ sở mới để tiếp nhận số trường hợp này.

Có thể hoãn giải đua F1

Kết luận Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung nêu phần lớn dịch bệnh lây lan trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp.

Thời gian qua, thành phố chủ động kịp thời phát hiện, cách ly, áp dụng các phác đồ điều trị đã thành công. Nếu bỏ qua thời gian vàng sẽ lây lan dịch bênh rất nhanh. Vì thế trách nhiệm của Thành phố cùng các sở ban ngành, quận, huyện.., tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền kịp thời phát hiện cách ly người nghi nhiễm. 

Tổ chức khoanh vùng theo kịch bản từng khu phố, toà nhà khi kịch bản xảy ra một cách cụ thể.

Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, đối với các đối tượng đi từ trung tâm vùng dịch phải tổ chức tuyên truyền để mọi người hiểu dấu hiệu của Covid-19.  Các cơ sở y tế túc trực 24/24 để đón nhận người nghi ngờ mắc bệnh.

Lãnh đạo Thành phố yêu cầu, những người đi qua vùng dịch thì cách ly tại nhà đúng quy định, tuyên truyền để người dân vì chính mình, vì gia đình vì cộng đồng, chủ động phòng chống dịch. Đối với những người về nước trước 19/2 cần vận động để họ chủ động đến các trung tâm y tế. Nếu không công khai minh bạch sẽ phải trả giá, hậu quả khôn lường.

Theo Chủ tịch Thành phố, các nước có dịch ngoài Trung Quốc chưa có lây nhiễm từ môi trường trường học. Chỉ Nhật Bản có hai học sinh nhiễm từ môi trường bên ngoài. Hà Nội chưa có lây nhiễm chéo mà đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh. 

Tới đây Chính phủ cho phép đi học ngày 2/3 thì các trường học đã qua 5 lần khử khuẩn, môi trường trường học an toàn sạch sẽ, giám sát chặt chẽ sẽ không nguy hiểm.

"Đi học hay nghỉ học của học sinh, Thành phố sẽ quyết định vào cuối tuần này, trên cơ sở an toàn có đánh giá về tình hình dịch tễ"- Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch Thành phố yêu cầu các đơn vị, tiếp tục chủ trì giám sát hướng dẫn các trường hợp cách ly trở về từ vùng dịch theo đúng quy trình. Nhân viên y tế phải được bảo hộ nghiêm túc.

Tại các khu danh lam thắng cảnh, duy trì nước rửa tay, hàng tuần phu khử khuẩn kể cả ngoài trời.

"Việc tổ chức các sự kiện được Thành phố chuẩn bị sẵn sàng như sự kiện giải đua F1 nhưng sẵn sàng có thể dừng lại khi điều kiện diễn biến dịch bệnh thời điểm đó vẫn phức tạp", ông Chung nêu.

Đối với các cơ sở  tôn giáo có người Hàn Quốc đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, lãnh đạo Thành phố yêu cầu:"Vận động các tổ chức tín ngưỡng người Hàn Quốc trên địa bàn Bắc Từ Liêm không tập trung đông người đến hết tháng 3, nếu cần thiết thì cưỡng chế".

PV

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.