|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch COVID-19: Cam kết thu mua nông sản Tây Nam bộ đến hết vụ

21:55 | 09/08/2021
Chia sẻ
Nhãn, ổi, thanh long là những nông sản của các tỉnh khu vực Tây Nam bộ đang được kênh bán lẻ tiêu thụ thông qua kết nối từ Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương.

Theo Sở Công Thương Long An, thời điểm cuối tháng 7 hàng loạt nông sản của tỉnh Long An; trong đó, thanh long tới vụ thu hoạch nhưng lại tắc đầu ra do toàn miền Nam đang trong thời gian giãn cách xã hội.

Mặc dù đã tìm nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng chỉ tiêu thụ được số lượng hạn chế cho bà con nông dân trong khi sản lượng thanh long đến ngày thu hoạch quá lớn, lên tới 15.000 tấn trong tháng 8/2021.

Chính vì vậy, Sở Công Thương Long An đã lập danh sách cung cấp thông tin đầu mối cung ứng hàng hóa đến Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương để được hỗ trợ kết nối tiêu thụ.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã kết nối cho các nhà cung ứng với những kênh phân phối lớn như Aeon Việt Nam, Bách hóa Xanh, Big C, Co.opmart…

Vì thế, sản phẩm thanh long đến nay đã cơ bản được các kênh bán lẻ cam kết tiêu thụ hết. Chẳng hạn Bách hóa Xanh đã cam kết tăng lượng tiêu thụ từ 4-5 tấn/tuần sang 15 tấn/ngày.

Cùng chung cảnh ngộ này, để hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết đã phối hợp cùng Tổ công tác đặc biệt kết nối với hệ thống siêu thị Big C và hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh. Các đơn vị này cam kết thu mua cho nông dân với giá cố định và bán không lợi nhuận nhằm hỗ trợ nông dân đầu ra đến khi thu hoạch dứt điểm vụ nhãn.

Đại diện hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh cho hay, qua kết nối của Tổ công tác đặc biệt, các nhóm thu mua của Bách hóa Xanh đã đến tận vùng trồng thanh long, ngô, nhãn, ổi của Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng để thu mua cho người dân.

Điều này vừa góp phần giải tỏa ùn ứ cho nông sản lại vừa cung ứng kịp thời cho những khu vực thiếu hụt, nhu cầu cao như TP HCM. Ước tính, tổng sản lượng trái cây mà Bách hóa Xanh thu mua và bán trên toàn hệ thống phân phối của mình đạt khoảng 200 tấn/ngày; trong đó riêng thị trường TP HCM chiếm khoảng 70%.

Dù vậy, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc lưu thông hàng hóa qua các địa phương còn khó khăn, trong khi đó nông sản các địa phương khu vực Tây Nam bộ cần thu hoạch vẫn còn nhiều.

Theo thống kê từ Sở Công Thương Sóc Trăng, tỉnh hiện có 24.443 tấn nhãn, thời điểm thu hoạch kéo dài từ tháng 7 - 12, với sản lượng trung bình hơn 4.000 tấn/tháng; hơn 15.370 tấn bưởi, sản lượng thu hoạch trung bình khoảng 1.500 tấn/tháng.

Cùng với đó là 4.600 tấn vú sữa dự kiến sẽ tập trung thu hoạch vào 2 tháng cuối năm; 15.800 tấn cam sành được thu hoạch từ nay đến cuối năm; 15.535 tấn xoài sẽ được thu hoạch vào tháng 11 và 12; gần 20.500 tấn chanh cũng được thu hoạch từ nay đến cuối năm.

Để tìm đầu ra cho các nông sản này, Sở Công Thương Sóc Trăng đã có công văn tới Tổ công tác đặc biệt và Sở Công Thương các tỉnh, thành trên cả nước với mong muốn được hỗ trợ.

Tương tự, tại Hậu Giang từ nay đến cuối năm toàn tỉnh có 466.100 tấn trái cây các loại; 309.400 tấn rau màu các loại; 80.000 tấn thủy hải sản các loại sẽ thu hoạch. Riêng trong tháng 8/2021 có 102.000 tấn trái cây các loại; 35.000 tấn rau màu các loại; 20,668 tấn thủy hải sản.

Nhận định về vấn đề này, Tổ công tác đặc biệt cho biết, nắm bắt những khó khăn của các địa phương Tây Nam bộ, trong thời gian tới Tổ sẽ tiếp tục kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân với các hệ thống bán lẻ lớn như Bách hóa Xanh, Aeon Việt Nam.

Ngoài kết nối tiêu thụ trực tiếp, Tổ công tác đặc biệt còn phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông để kết nối doanh nghiệp bưu chính như Viettel Post, VN Post tiêu thụ nông sản cho các địa phương trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.

Tới nay, hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh khẳng định đã lên kế hoạch tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản Tây Nam bộ, nhất là các loại trái cây đang vào vụ thu hoạch rộ nếu các tỉnh thành có nhu cầu. Còn 2 sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart cũng tiếp tục lấy một số nông sản cho nông dân xuyên suốt đến hết vụ thu hoạch.

Uyên Hương