|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo tắc đường, Bộ NN&PTNT vào cuộc

20:13 | 09/08/2021
Chia sẻ
Khách quốc tế có nhu cầu nhập gạo nhưng doanh nghiệp Việt lại không thể giao hàng, khiến gạo khó tiêu thụ, giá giảm. Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng trong chuỗi cung ứng, đảm bảo xuất khẩu gạo thuận lợi.

Theo báo cáo của tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) vụ lúa Hè Thu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống hơn 1,5 triệu ha trong đó đã thu hoạch được 702 nghìn ha với sản lượng hơn 4 triệu tấn. Năng suất đạt gần 58 tạ/ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 1 tạ/ha. Diện tích lúa Hè Thu còn lại sẽ được thu hoạch vào tháng 8, 9.

Trong khi nguồn cung dồi dào, nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến giảm mạnh.

Do tâm lý lo sợ dịch bệnh, chính quyền cơ sở nhiều nơi còn cứng nhắc trong khâu tổ chức sản xuất, thu hoạch, thu mua, lưu thông vận chuyển hàng hóa.

Điều này khiến sản lượng thu mua gạo sụt giảm 20 - 30%. Giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu không phải do cung cầu mà là đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng.  

Các khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được. Tân Cảng là cảng container chính ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 07 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục, lượng container ứ đọng tại cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc.

Trước tình hình lúa Hè thu thu hoạch chậm, khó khăn trong thu mua, vận chuyển, tiến độ gieo sạ lúa Thu đông nguy cơ bị chậm thời vụ do dịch bệnh COVID-19 vẫn căng thẳng.

Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long thành lập các tổ, đội bốc xếp, đội ghe, đội xe, đội máy cắt tại địa phương.

Các đội này được ưu tiên tiêm ngừa vắc xin và test COVID-19 định kỳ, trang bị dụng cụ hỗ trợ phòng chống dịch. Đồng thời, cơ quan nhà nước sẽ quản lý nhân sự cấp giấy phép thông hành và công khai giá dịch vụ.

Đối với đội ngũ thu hoạch, thu mua nông sản sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin và cấp phép tạo điều kiện được di chuyển đến những nơi theo lịch trình và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt phòng chống dịch.

Để đảm bảo sản xuất vụ lúa Thu Đông, Bộ khuyến khích các xã thành lập các tổ nông vụ dịch vụ làm đất, sạ lúa, cấy lúa, nhổ cỏ, bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, cho nước vào ruộng…

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng trong chuỗi cung ứng như tài xế, ghe, sà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, giám định hàng hóa, khử trùng, nhân sự giao nhận xuất nhập khẩu của các công ty xuất khẩu phải giao dịch chứng từ ở nhiều nơi là cảng, hải quan, văn phòng cấp C/O, kiểm dịch…

Đồng thời tạo điều kiện đi lại cho các nhân sự trên trong thời gian giãn cách vì lực lượng này đang duy trì xuất khẩu cho cả nước.

Hoàng Anh