ĐHĐCĐ PVTrans: Giá dầu tăng không ảnh hưởng quá trực tiếp đến công ty, muốn thoái vốn tại Gas Shipping và PVTrans Pacific
Sáng 15/6, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến với 28 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 204 triệu cổ phần và tương ứng 63% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
Kế hoạch kinh doanh chưa tới một nửa năm ngoái, tập trung mua tàu vận chuyển hóa chất
PVTrans đã trình cổ đông kế hoạch năm 2021 thận trọng với tổng doanh thu hợp nhất 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 404 tỷ đồng, lần lượt bằng 78% và bằng 48% kết quả năm 2020.
Kế hoạch năm 2021 của PVTrans được đề ra từ đầu năm, dựa trên dự báo của Tổ chức năng lượng quốc tế rằng giá dầu thô trong năm 2021 sẽ vẫn chưa có sự phục hồi mạnh.
Bên cạnh đó kế hoạch đưa ra còn dựa trên tình trạng suy giảm sản lượng khai thác dầu thô ở một số quốc gia trong bối cảnh ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu được dự báo vẫn sẽ tiếp tục suy thoái trong năm 2021.
Tổng Giám đốc PVTrans cho biết, tuy giá dầu hiện đã lên mức 70 USD/thùng, song nhu cầu của toàn thế giới vẫn ở mức thấp, khoảng 96 triệu thùng/ngày, và thấp hơn 10% so với trước đại dịch nên phần nào tác động đến thị trường vận tải của PVTrans.
Về kế hoạch đầu tư, ông Phạm Việt Anh cho biết năm nay PVTrans dự kiến chi 7.621 tỷ đồng (bao gồm công ty mẹ và các công ty con), trong đó 64% sẽ được tài trợ bằng vay nợ. Số tiền này chủ yếu sẽ được dùng để đầu tư các tàu mới vốn đã bị ngưng một phần trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ông Việt Anh nói thêm do giá mua bán tàu đã tăng lên trong những tháng đầu năm 2021 nên việc đầu tư của công ty cũng cần phải cẩn trọng hơn.
Chia sẻ thêm, đại diện PVTrans cho biết "Chúng tôi sẽ triển khai mua thêm tàu hóa chất mới khoảng 20.000 - 30.000 tấn trong 3 - 4 tháng tới". Trong 6 tháng đầu năm, mảng vận chuyện hàng rời tăng trưởng nhưng vận chuyển vận tải dầu thô lại có xu hướng đi xuống, ông Việt Anh nói.
Về kế hoạch cổ tức cho năm 2020, công ty sẽ chi hơn 323 tỷ đồng để trả cổ tức 10% tiền mặt cho cổ đông. Về cổ tức cho năm 2021, PVTrans sẽ trình lên đại hội cổ đông thường niên năm 2022.
Tuy nhiên, đại diện PVTrans cam kết sẽ duy trì mức cổ tức 10% - 15% (tiền mặt hoặc/và cổ phiếu) cho 3- 5 năm tới.
* Thảo luận:
Câu hỏi: Tỷ trọng các mảng kinh doanh chính trong ba năm tới, mảng nào chiếm tỷ trọng lớn nhất? Chia sẻ về kế hoạch bán tàu Athena trong thời gian tới?
Ông Phạm Việt Anh cho biết, thời gian qua công ty tập trung đa dạng hóa nhiều mảng vận tải. Trước đây công ty tập trung vào vận chuyển dầu thô và LNG, vận chuyển xăng dầu có tỷ lệ thấp nhất.
Hiện tại, tỷ trọng đã thay đổi nhiều, mảng dầu thô đang giảm dần, tỷ trọng mảng vận chuyển gas và hóa chất đang tăng lên và sắp tới chiếm tỷ trọng lớn.
Trong đó, mảng hóa chất dự kiến sẽ chiếm phần lớn trong doanh thu và lợi nhuận của công ty, chiếm khoảng 40 - 50% cơ cấu đội tàu, ông Việt Anh nói.
Về kế hoạch bán tàu Athena, ông Việt Anh cho biết hiện đang trong quá trình bán thanh lý đồng thời khẳng định giá bán sẽ cao hơn giá trị sổ sách và giá bán sẽ phụ thuộc vào độ tuổi. Hiện nếu quy ra để bán sắt vụn thì tàu này có thể bán được khoảng 10 triệu USD.
Câu hỏi: Giá dầu tăng ảnh hưởng như thế nào đến PVTrans?
Tổng Giám đốc cho biết, giá dầu tăng thì lĩnh vực FTSO của PVT sẽ được hưởng lợi. Nhưng nhìn chung giá dầu tăng không ảnh hưởng quá trực tiếp đến PVTrans, giá dầu tăng chưa chắc khiến giá cước tăng. Yếu tố tác động đến từ nguồn hàng, kho chứa hay tình hình đầu cơ,... sẽ tác động đến thị trường vận tải.
Ông Việt Anh khẳng định giá dầu chỉ là tham chiếu để công ty dự báo thị trường.
Câu hỏi: Dự báo xu hướng giá cước tàu quốc tế, xu hướng?
Tổng Giám đốc PVTrans cho biết thời gian qua giá cước biến động rất mạnh. Tại thời điểm 2020 khi có dịch, tình hình đầu cơ dầu tăng lên thì giá cước tàu có thể lên 200.000 USD/ngày kéo dài khoảng 2 - 3 tháng. Tuy nhiên cũng có lúc xuống dưới 20.000 USD/ngày.
Câu hỏi: Vì sao PVTrans đầu tư mua nhiều tàu mới trong khi giá mua tàu đang cao?
Ông Việt Anh giải thích, từ trước đến nay công ty đều rất cẩn trọng trong việc đầu tư. Ông khẳng định từ năm 2015 đến nay, ngay năm đầu tư đầu tiên đã có lãi. Tuy giá mua tàu nhìn chung đã nhích lên so với trước đây, nhưng về cơ bản giá đang nằm trong vùng đáy của 10 - 15 năm. Ông khẳng định PVTrans đang mua tàu trong vùng đáy.
Ông Việt Anh chia sẻ thêm, 80% đội tàu của công ty hoạt động tại thị trường quốc tế, chủ yếu là hợp đồng định hạn (chỉ lấy giá cước, tiền dầu khách trả).
Ngược lại, tuy số lượng tàu trong nước chiếm 20% đội tàu nhưng lại đem về lợi nhuận lớn. Hiện doanh thu của đội tàu quốc tế chiếm 60% và chiếm 50% lợi nhuận.
Nói thêm, ông Việt Anh cho biết lượng dầu thô trong nước còn rất ít, trong vài năm tới chỉ còn khoảng 2 triệu tấn và xu hướng Việt Nam sẽ nhập khẩu. Hiện PVTrans đang đứng đầu trong nước về mảng vận tải biển, cộng với nhu cầu tăng nên cơ hội của PVTrans là rất lớn.
Câu hỏi: Kế hoạch thoái vốn nhà nước?
Theo kế hoạch, nhà nước sẽ thoái vốn xuống 36%. Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang trình lại chính phủ và chưa có kết quả. Ông Việt Anh đánh giá kết quả sẽ phụ thuộc vào quan điểm vĩ mô của chính phủ, song PVN cam kết tạo cơ chế thông thoáng để đem lại lợi ích cho cổ đông.
Câu hỏi: Kế hoạch thoái vốn tại các công ty thành viên?
Tổng Giám đốc PVTrans cho biết công ty muốn giảm tỷ lệ nắm giữ tại một số công ty thành viên xuống 51%, cụ thể là tại hai thành viên là CTCP Vận Tải Sản Phẩm Khí Quốc Tế (Gas Shipping - Mã: GSP) và tại CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương - PV Trans (PVTrans Pacific). Hiện PVTrans đang nắm 64% tại Gas Shipping và 68% tại PVTrans Pacific.
Kết thúc đại hội, hai ứng viên trúng cử vào Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Duyên Hiếu và bà Nguyễn Linh Giang, thay thế cho hai thành viên đã xin từ nhiệm trước đó. Ngoài ra, ông Phạm Việt Anh cũng chia sẻ thêm, sắp tới sẽ không đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc nữa mà sẽ là Chủ tịch tại PVTrans.