ĐHĐCĐ Gemadept: Hợp tác với khách hàng đa quốc gia, thoái vốn mảng cao su
Tiếp tục thoái vốn khoản đầu tư cao su ở Campuchia
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của CTCP Gemadept (Mã: GMD) sáng 16/5, cổ đông đã thông qua kế hoạch doanh thu 2.800 tỉ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 695 tỉ đồng, giảm 68% do trong năm 2018 có ghi nhận khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng vốn. Lợi nhuận từ SXKD thông thường 2019 tăng 15% so với 2018.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Gemadept sáng 16/5 (ảnh: MA)
Năm nay, Gemadept tiếp tục tập trung vào hai mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi là khai thác cảng và logistic và xem xét thực hiện thoái vốn cổ phần tại một số lĩnh vực kinh doanh chưa hiệu quả và không thuộc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi như cao su, bất động sản khi có điều kiện thuận lợi.
Ban lãnh đạo cho biết, đối với mảng cao su, công ty sẽ dừng trồng mới, chỉ dừng lại ở khâu chăm sóc diện tích hiện hữu. Trong đó, lô đất trồng đầu tiên dự kiến trong năm nay sẽ khai thác thử, vì hiện giá trên trị trường vẫn chưa cao. Từ năm 2020 có thể khai thác nhiều hơn.
Riêng về bất động sản, dự án Saigon Gem (diện tích 3.640m2) hiện hồ sơ pháp lý đang trong quá trình hoàn tất, theo kế hoạch sẽ triển khai vào năm 2020. Dự án Viêng Chăn – Lào đang xây dựng phần móng, sẽ thoái vốn khi điều kiện thị trường thuận lợi và giá chuyển nhượng hợp lý.
Đồng thời, Gemadept hủy bỏ một số ngành nghề kinh doanh như khai thác gỗ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan.
CJ Logistics đã giới thiệu một số khách hàng đa quốc gia cho Gemadept
Liên quan đến việc hợp tác với CJ Logistics, ban lãnh đạo Gemadept cho biết, thời gian hợp tác đến nay đã hơn 14 tháng. Thời gian đó công ty tập trung tiến hành tổ chức lại bộ máy holdings, thiết lập quy chế vận hành của công ty mẹ cũng như cho các công ty con…. Đây là công việc quan trọng, thông qua đó xác định được các nguyên tắc và phương hướng hợp tác để các công con hoạt động bền vững, lâu dài.
Về phía CJ Gemadept Logistics, đến nay doanh nghiệp đã hỗ trợ Gemadept về công nghệ, hệ thống, phần mềm… đồng thời hỗ trợ kinh nghiệm quản trị khách hàng chuỗi trong quan hệ cung ứng. Đồng thời, CJ Logistics cũng đã giới thiệu một số khách hàng đa quốc gia, đặc biệt đến từ Hàn Quốc cho Gemadept.
Bên cạnh đó, CJ Logistics đã cung cấp được các sản phẩm tư vấn Logistics, hiện ghi nhận đã có 2-3 khách hàng lớn sử dụng sản phẩm này. CJ Logistics cũng đã giới thiệu cho Gemadept cho các đối tác là công ty con trên toàn cầu, bao gồm có một số đối tác chủ chốt như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông…
Theo ban lãnh đạo, lợi ích Gemadept có được là đã có hệ thống liên kết toàn cầu chung với CJ Logistics, phía đối tác cũng sẽ hỗ trợ công ty hợp tác với một số khách hàng lớn mới như Samsung, Orion, PepsiCo…
Cảng nước sâu Gemalink 330 triệu USD sẽ đi vào hoạt động trong quý III/2020
Về tình hình hoạt động các cảng biển, ban lãnh đạo Gemadept cho biết, dự án Cảng nước sâu Gemalink nằm tại cửa sông Cái Mép, cửa ngõ đi vào cụm cảng Cái Mép – Thị Vải – Bà Rịa – Vũng Tàu, có tổng diện tích hơn 72 ha, công suất 2,4 triệu Teu. Đây là cảng duy nhất Việt Nam có khả năng tiếp nhận tàu với tải trọng lên đến 200.000 DWT. Đối tác với Gemadept tại dự án này là CMA CGM – hãng tàu lớn thứ tư thế giới là thành viên của liên minh Ocean Alliance.
Giai đoạn 1 dự án có diện tích 33 ha, tổng vốn đầu tư 330 triệu USD, công suất vào khoảng 1,5 triệu Teu. Hiện, Gemadept đã tái khởi động và dự kiến đưa vào khai thác trong quý III/2020. Với cảng Gemalink dự kiến ngay khi hoàn thành thì sẽ có doanh thu cao do đã được áp dụng mặt bằng giá mới cao hơn và có sẵn lượng hàng của liên minh Ocean Alliance.
Trước thông tin phí cảng dịch vụ tăng, ban lãnh đạo Gemadept cho biết, theo Thông tư mới thì giá bốc xếp hàng xuất nhập khẩu tăng, còn hàng nội địa thì không tăng. Do đó, doanh thu ở các cảng thượng nguồn tại Hải Phòng không tăng. Còn tại các Cảng khu vực Đình Vũ, giá bốc xếp tăng 10% thì doanh thu các cảng của công ty tại khu vực này dự kiến tăng tương ứng 7-8%.
Còn đối với cảng Nam Đình Vũ, đây là một dự án lớn, giai đoạn 1 dự kiến đạt 100% công suất thiết kế sau 3 năm đi vào hoạt động, tức năm 2020 (500.000 Teu/năm). Kế hoạch đến năm 2022, sẽ khai thác 100% công suất thiết kế cả 2 giai đoạn.
Ngoài ra, tại đại hội lần này, cổ đông đã bầu bổ sung ông Tsuyoshi Kato, Giám đốc điều hành phòng Kế hoạch Sumisho Global Logistics Co.,Ltd. làm thành viên HĐQT.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/