ĐHĐCĐ DPM: Kế hoạch lãi 991 tỷ đồng, kỳ vọng từ nhiều dự án
Quý 1/2017 đạt doanh thu trên 2.000 tỷ, lãi trước thuế 275 tỷ
Theo nhận định của ban lãnh đạo DPM, trong năm nay những vấn đề kinh tế, chính trị thực tế tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động đến giá dầu mỏ, khí đốt, tỷ giá và ảnh hưởng đến giá mặt hàng nguyên liệu khác, từ đó tác động đến giá hàng hóa trong nước qua kênh nhập khẩu. Đồng thời, điều kiện thời tiết, môi trường phức tạp ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp trong nước.
Tổng công ty cũng dự kiến giá dầu trong năm 2017 sẽ duy trì ở mức 50 USD/thùng để làm cơ sở xây dựng kế hoạch. Với mức giá dầu như vậy, giá khí trung bình dự kiến sẽ là 4,47 USD/MMBTU, tăng 16% so với trung bình năm 2016.
Theo đó, DPM đặt kế hoạch năm 2017 sản xuất 770.000 tấn ure Phú Mỹ và 13.000 tấn UFC85. Tổng doanh thu 7.743 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 991 tỷ đồng và 823 tỷ đồng. Công ty dự kiến chia cổ tức 20%.
Theo Tổng giám đốc Đoàn Văn Nhuộm, trong quý 1/2017, sản lượng sản xuất của DPM là 226.000 tấn, sản lượng kinh doanh 192.000 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ do thời vụ và thời tiết năm nay tốt hơn nên nhu cầu sử dụng phân đạm giảm, tuy nhiên thị phần quý 1 của DPM không giảm; còn sản phẩm UFC85 đạt mức 2.000 tấn, đều vượt kế hoạch quý. Tổng Công ty cũng ghi nhận hơn 2.000 tỷ đồng tổng doanh thu và 275 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh của DPM năm 2017
Trong năm nay công ty tập trung triển khai hoàn thành dự án trọng điểm NH3-NPK, nghiên cứu triển khai các dự án hóa dầu H2O2, PS, tổ hợp hóa dầu tại các khu vực, nghiên cứu sản phẩm mới, công nghệ cao có lợi cho người tiêu dùng vàmang lại hiệu quả kinh tế.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, DPM chuẩn bị đầu tư thuộc lĩnh vực chế biến như dự án sản xuất oxy già (H2O2) công suất thiết kế 30.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư khoảng 21 triệu USD. Đây là một hóa chất hóa được sử dụng vào nhiều khâu sản xuất công nghiệp nhất là thị trường công nghiệp giấy và nhuộm. Xưởng H2O2 sẽ sử dụng nguyên liệu chính là khí giàu hydro và một số phụ trợ, tiện tích từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ.
Bên cạnh đó là dự án Nhà máy sản xuất Polystyrene (PS) công suất thiết kế 300,000 tấn/năm: Nhựa PS, PP là các sản phẩm hóa dầu, được sử dụng nhiều trong công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ hiện trong nước đang thiếu hụt lượng lớn.
Về việcáp thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu, Ban lãnh đạo cho biết, nếu được áp dụng sẽ có thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, hạn chế được phần nào hàng nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia hoặc Thái Lan.
Chi 1.174 tỷ đồng trả cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2016
Về kết quả kinh doanh năm 2016, sản lượng sản xuất của DPM đạt mức 818 nghìn tấn, vượt nhẹ 2% kế hoạch; sản lượng UFC ở mức 10,4 nghìn tấn. Tổng doanh thu hợp nhất 8.170 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.165 tỷ đồng, đều đạt kế hoạch đặt ra. Cổ tức năm 2016 là 30% bằng tiền mặt, tương ứng mức chi 1.174 tỷ đồng.
DPM có tới hơn 4.000 tỷ đồng tiền mặt vào thời điểm 31/12/2016, Tổng công ty có kế hoạch đầu tư cho các dự án cụ thể, trong đó sẽ giải ngân trên 2.000 tỷ đồng trong năm nay.
Trong năm qua, DPM cũng đã giải ngân được 1.031 tỷ đồng để đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị. Trong đó, đối với dự án tổ hợp NH3-NPK, nâng công suất dự án NH3 thêm 90.000 tấn/năm (tăng khoảng 20% công suất hiện có) và xây dựng nhà máy 250.000 tấn NPK/năm bằng công nghệ hóa học. Tổng mức đầu tư cho tổ hợp này gần 5.000 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo DPM, dự án này mang tính khả thi cao trong điều kiện nhu cầu thị trường NPK trong nước mỗi năm cần khoảng 4 triệu tấn, nhưng sản phẩm chất lượng cao, công nghệ hiện đại mới chỉ đáp ứng khoảng 5-10%. Dự án đang triển khai theo đúng tiến độ, dự kiến hoàn thành trong năm 2017 này. Doanh thu dự kiến từ hai dự án này cho năm 2018 và 2019 lần lượt là 2.800 và 3.000 tỷ đồng.
Đối với dự án xưởng sản xuất hóa chất UFC85/Formaldehyde công suất thiết kế 15.000 tấn/năm, đã được nghiệm thu, bàn giao vào đi vào vận hành thương mại từ tháng 5/2016.
Ngoài ra, nhà máy sản xuất CO2 thương phẩm do DPM góp vốn cũng đã đưa vào vận hành thương mại từ tháng 11/2016. Dự án này do DPM, Công ty Phát triển Nhà Dầu khí miền Nam và CTCP F.A làm chủ đầu tư với tổng mức khoảng 8 triệu USD. Nhà máy có công suất thiết kế 47.500 tấn/năm.
Về kế hoạch thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), theo lộ trình sẽ giảm xuống dưới 51% từ sau năm 2017. Được biết hiện PVN đang nắm 59,58% vốn DPM.
Về dự án PVTex, đại diện PVN cho biết, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án quan trọng trong toàn quốc trong đó có PVTex. Theo đó, Ban chỉ đạo đã đưa ra các phương án trình Chính phủ xem xét như M&A, tiếp tục chạy thử hay thuê vận hành…