ĐHĐCĐ Đèo Cả: Mục tiêu lãi kỷ lục, sẽ phân bổ 4.000 tỷ cho các dự án cao tốc
Sáng ngày 24/4, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Theo báo cáo của HĐQT tại đại hội, năm 2021 vừa qua, tình hình dịch bệnh đã khiến một số hoạt động của HHV và các doanh nghiệp dự án bị ảnh hưởng, hoạt động thu phí một số trạm tạm ngưng, hoạt động cung cấp dịch vụ trung chuyển tạm dừng triển khai, một số gói thầu thi công xây lắp bị gián đoạn tạm thời.
Song, HHV vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng với doanh thu thuần 1.861 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 291 tỷ đồng, lần lượt tăng 55% và 66% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu này cũng tương ứng 93% kế hoạch doanh thu và gần 103,7% mục tiêu lợi nhuận năm 2021.
Mục tiêu lãi kỷ lục
Bước sang năm 2022, HHV dự kiến doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.515 tỷ đồng và lãi sau thuế 396 tỷ đồng, lần lượt tăng 35% và 36% so với kết quả thực hiện năm 2021. Đây sẽ là mức lãi cao kỷ lục nếu doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu này.
Tính đến hết quý I, doanh thu hợp nhất HHV đạt 430 tỷ đồng, tăng hơn 20% và lãi sau thuế 76 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.
Cũng trong năm nay, HHV sẽ tiếp tục triển khai và duy trì hoạt động quản lý vận hành, bảo dưỡng hầm, đường bộ và các trạm thu phí tại các dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Quốc lộ 1 đoạn qua Khánh Hòa.
Doanh nghiệp dự kiến tiếp nhận thêm công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng đường và trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đồng thời đấu thầu quản lý vận hành một số dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn đưa vào khai thác.
Đối với hoạt động xây lắp, HHV sẽ tiếp tục thi công hợp đồng đã ký chuyển tiếp từ năm 2021 sang 2022, tập trung vào các gói thầu hoàn thiện của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo... sản lượng còn lại gần 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty dự kiến thực hiện thêm các gói thầu cho dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đườnng ven biển tại Bình Định và cao tốc Bắc - Nam phía Đông...
Trong hoạt động đầu tư, HHV sẽ chi 4.000 tỷ đồng để phát triển dự án. Trong đó, 2.000 tỷ đồng cho dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo; 450 tỷ đồng cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1; 100 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Tập đoàn Đèo Cả; 100 tỷ đồng cho cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; 370 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 3 tòa nhà văn phòng ở Lạng Sơn, Hà Nội và Phú Yên; 100 tỷ đồng đầu tư máy móc thiết bị; cuối cùng 880 tỷ đồng còn lại là dự phòng cho các dự án cao tốc.
Tại đại hội, HHV đã trình phương án phát hành hơn 26,7 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 267 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 5%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của HHV dự kiến tăng lên 5.615 tỷ đồng.
Đã có phương án giải quyết bài toán nguồn vốn
Trong thời gian qua, các kênh huy động vốn phổ biến như chứng khoán, trái phiếu, tín dụng đang dần được siết chặt. Trước tình hình đó, HHV cho biết đã chuẩn bị phương án để giải quyết vấn đề này.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT HHV, doanh nghiệp đã kết nối và ký kết hợp tác chiến lược với các đối tác như Thành Thành Công, Tasco, Phú Mỹ, Văn Phú... để đa dạng hóa về nguồn vốn và chia sẻ những khó khăn trong ngắn hạn, dài hạn.
"Với bối cảnh hiện nay, nếu chọn các đối tác quá lớn thì chúng tôi sẽ bị lấn lướt và không tạo ra được sự khác biệt, không tạo ra được giá trị thặng dư. Nhưng chọn đối tác nhỏ thì năng lực cũng không đảm bảo.
Các đối tác của Đèo Cả hiện nay có những thế mạnh khác nhau. Thành Thành Công có thế mạnh làm bất động sản nghỉ dưỡng, còn Tasco có kinh nghiệm về thu phí không dừng ETC, Phú Mỹ chuyên về khu công nghiệp... Việc hợp tác với các đối tác này sẽ đa dạng hóa tiềm lực cho Đèo Cả", ông Hoàng cho biết.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng điều chỉnh cấu trúc tài chính nhóm tín dụng BOT sẽ được cho vay nhỏ hơn 15 năm, làm rõ mục sử dụng vốn của trái phiếu để trái chủ yên tâm, chọn lọc các cổ đông chiến lược để đồng hành dài hạn trên 5 năm. Ưu tiên cho hình thức hợp đồng hợp tác BCC.
Hướng đến tự chủ nguyên vật liệu, tránh biến động giá
Bên cạnh nguồn vốn, biến động giá vật liệu cũng là một khó khăn mà HHV phải đối mặt. Hiện tình trạng thiếu đất, cát ở dự án cao tốc bắc nam do các nhà cung cấp đưa ra giá cao hơn nhiều so với giá ký với chủ đầu tư.
Chủ tịch Hồ Minh Hoàng chia sẻ, vật liệu xây dựng thường chiếm tỷ trọng lớn, đối với cao tốc chiếm trên 55% vốn. Khi có sự biến động về giá cả vật liệu, doanh nghiệp đã kết nối, liên kết với các nhà cung cấp, đảm bảo bình ổn nguồn cung và giá ngay từ đầu, tạm ứng ngay từ đầu để không biến động trong quá trình triển khai dự án.
Cụ thể, khi ký kết hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu, HHV đều thỏa thuận bình ổn giá trong suốt thời gian thực thi hợp đồng. Bên cạnh đó, HHV ưu tiên sử dụng những vật liệu mà giá cả không bị tác động nhiều bởi thị trường.
HHV cũng đã ký với các địa phương để được cấp quyền khai thác các mỏ vật liệu để đảm bảo trữ lượng khai thác mà không phụ thuộc vào bất kỳ một nhà cung cấp nào.
Cổ phiếu HHV không dành cho nhà đầu tư ngắn hạn
Chia sẻ về thị trường chứng khoán, Chủ tịch HHV cho biết, đây là kênh huy động vốn tiềm năng, nơi nhà đầu tư chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư ít tìm hiểu về sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp, thay vào đó khi gặp tin tức tiêu cực thì bán tháo. Đây là lý do khiến thị trường chứng khoán biến động trong thời gian qua.
Về cổ phiếu HHV, theo ông Hoàng: "Đèo Cả không có những lợi ích, lợi nhuận đột phá như nhiều doanh nghiệp khác, thay vào đó chúng tôi tập trung tích lũy sản lượng và chất lượng.
Tôi cam kết việc trả cổ tức cho các cổ đông sẽ nghiêm túc, sòng phẳng, nhưng để có sự thăng hoa đột biến như các cổ phiếu khác thì chúng tôi không làm được.
Đèo Cả chỉ kỳ vọng gia tăng giá trị thật chứ không kỳ vọng gia tăng giá trị đột biết. Tôi khuyên các cổ đông có ý định đầu cơ, đầu tư ngắn hạn nên tìm cách thoái vốn, nhường chỗ cho các nhà đầu tư trung và dài hạn tìm đến HHV. Nhà đầu tư mua cổ phiếu HHV nên nhìn vào những sản phẩm cụ thể phục vụ người dân".