ĐHĐCĐ Nam Kim: Doanh thu quý II ước tính đạt 8.100 tỷ, đã chuẩn bị đủ hàng tồn kho cho một quý hoạt động
Sáng 22/4, CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với 219 cổ đông, đại diện cho 112,8 triệu cổ phần, tương ứng với 51,43% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Kế hoạch lợi nhuận giảm so với mức đỉnh 2021, chuẩn bị tung sản phẩm mới hướng tới phân khúc cao cấp
Năm nay, NKG lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 28.000 tỷ đồng, tương đương năm ngoái và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.600 tỷ đồng, giảm 28% so với năm kỷ lục 2021, nhưng vẫn cao hơn so với kết quả năm 2020 trở về trước. Mức sản lượng thép dự kiến năm nay đạt 1,12 triệu tấn, tăng 3,7% so với năm 2021.
Về cổ tức, NKG đặt mục tiêu mức cổ tức tối ta 10% bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu cho năm nay.
Doanh nghiệp cũng đã được ĐHĐCĐ thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2021 với tổng 30% (10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu).
Sau khi hoàn tất đợt phát hành để trả cổ tức, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên 2.632 tỷ đồng.
Năm nay, NKG sẽ đưa vào vận hành kho hàng tập trung cho thị trường nội địa và nhà máy ống thép hàn trên diện tích 5 ha tại Bình Dương.
Việc đầu tư này giúp cho một số hoạt động phụ trợ, logistics, sản xuất ống thép được di dời ra khỏi nhà máy tôn mạ, tăng không gian cho hoạt động sản xuất, luân chuyển bán thành phẩm và thành phẩm trong nhà máy. Tổng Giám đốc Võ Hoàng Vũ cho biết trong quý II này, công ty sẽ xong kho hàng và nâng được công suất mạ nguyên liệu, từ đó tăng được sản lượng ống thép.
Song song đó, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm mới hướng đến phân khúc chất lượng cao. Ngoài ra là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Australia.
Cũng trong năm nay, NKG sẽ sáp nhập Công ty TNHH Dae Myung Paper Việt Nam do NKG đang sở hữu 100% vốn điều lệ. Chia sẻ thêm, ông Võ Hoàng Vũ nói công ty này chỉ là điểm sản xuất và kho hàng của công ty thôi. Việc sáp nhập chỉ là thủ tục hành chính, và muốn đơn giản hóa hoạt động quản lý, chuyển nó thành phân xưởng sản xuất.
Về nhân sự, cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) với ông Nguyễn Hữu Kinh Luân.
Thảo luận:
Câu hỏi: Kế hoạch, tiến độ triển khai dự án Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng tại Bà Rịa - Vũng Tàu?
NKG đang có kế hoạch đầu tư dự án trên diện tích 33 ha với tổng công suất 1,2 triệu tấn. Trong đó chia thành 3 giai đoạn, giai đoạn 1 (từ đây đến năm 2024) sẽ hoàn thành 400.000 tấn. Một năm tiếp theo sẽ đưa vào sản xuất 400.000 tấn, khoảng 1-1,5 năm tiếp đó, tức năm 2027 thì sẽ hoàn thành tổng công suất 1,2 triệu tấn.
Dự án này với mục tiêu nghiên cứu sản phẩm mới về hợp kim chất lượng cao.
Ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT bổ sung thêm NKG sẽ tập trung vào sản xuất và khi mở rộng ra thì nhấn vào phân khúc cao cấp hơn. Ông cho rằng khi đất nước phát triển thì người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng cao hơn.
Nhìn chung, khi đầu tư chúng tôi cũng thận trọng, giá đất để đầu tư hiện nay đã tăng rất cao nhưng NKG đã mua từ trước với giá tốt.
Tổng mức đầu tư dự án 4.500 tỷ đồng sẽ lấy từ nguồn nào?
Năm 2022 - 2023, công ty trích từ nguồn khấu hao và nguồn lợi nhuận giữ lại. Nếu không đủ thì sẽ liên hệ các tổ chức tín dụng như BIDV, Vietcombank, Vietinbank,… Hiện chúng tôi thấy chưa cần thiết để vay sớm.
Cơ cấu xuất khẩu sang Mỹ, EU, ASEAN?
Mỗi thị trường có biến chuyển khác nhau với từng giai đoạn. Trong quý II, III năm ngoái, các thị trường này xuất khẩu chiếm đến 70 – 80%. Hiện thị trường châu Âu vẫn tốt, chiếm 50% sản lượng chốt hàng. Còn thị trường Mỹ đang chững lại.
Nguồn nguyên liệu HRC có bị ảnh hưởng vì chính sách Zero COVID của Trung Quốc?
Từ 2021 đến nay, cơ cấu nguyên liệu NKG nhập từ Trung Quốc giảm rất nhiều và tỷ lệ này hiện không lớn. Đến hiện tại, NKG nhận thấy chính sách này của Trung Quốc không có ảnh hưởng gì lớn đến công ty.
Vì sao tháng 2, sản lượng xuất khẩu của NKG lại thấp?
Ông Võ Hoàng Vũ giải thích do liên quan đến hoạt động logistics khiến tàu bị thiếu cộng với Tết Nguyên đán nên sản lượng giảm. Nhìn chung các doanh nghiệp trong ngành đều giảm.
Đến tháng 3, sản lượng xuất khẩu 62.000 tấn, đã trở lại mức bình thường. Tổng 3 tháng đầu năm, sản lượng của NKG đạt 245.000 tấn.
Ông Vũ cũng cho biết quý I, doanh thu đạt 7.100 tỷ đồng, sang quý II, hoạt động sẽ trở lại bình thường nên dự kiến doanh thu trên 8.000 tỷ đồng.
Năm ngoái, NKG ghi nhận 4.860 tỷ đồng doanh thu trong quý I và 7.016 tỷ đồng trong quý II.
Nga dự kiến xuất khẩu thép sang châu Á, NKG có ý định mua từ Nga không?
Chúng tôi chưa xác định mua thép từ Nga hay không. Khi nhập khẩu, chúng tôi quan tâm đến tính hợp pháp, hợp lệ.
Công ty đã chuẩn bị nguyên liệu cho những tháng sắp tới ra sao?
Tại 31/3, lượng tồn kho về nguyên liệu, thành phẩm khoảng 8.500 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với ngày 31/12 năm ngoái. Số lượng này đáp ứng đủ cho một quý hoạt động bán hàng của công ty.
Hiện lượng chốt hàng của NKG đã chốt đến giữa tháng 7.
Định hướng đầu tư của NKG hướng tới thị trường nào?
Hiện công suất của NKG đã khai thác tối đa. Công ty sẽ mở rộng và hướng tới cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Song ông Vũ định hướng xuất khẩu sẽ tăng trưởng.
Dựa trên nhiều yếu tố, với sản phẩm cao cấp hợp kim mới, NKG trước mắt chưa tham gia vào phân khúc cung cấp sản phẩm ứng dụng cho xe hơi nhưng có định hướng ứng dụng cho hàng gia dụng,
Công ty cũng sẽ nghĩ đến mảng rộng hơn trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
"Dĩ nhiên chúng tôi có thể cung cấp sản phẩm cho xe hơi, nhưng với loại xe dễ tính hơn. Khi đủ lực đủ lớn rồi thì chúng tôi sẽ mạnh dạn hơn và sẽ đáp ứng được với thị trường yêu cầu", Chủ tịch NKG nói.
Chu kỳ ngành thép có quay lại?
Thị trường quốc tế vẫn là thị trường lớn, công ty có tính tới kịch bản giá thép tăng/giảm.
Dự án Chu Lai khi nào tiếp tục?
Tại Chu Lai, NKG đã mua đất với diện tích 4 ha, khoảng 1 triệu USD. Trong 2- 3 năm trước khi có quyết định đầu tư, công ty muốn mở kho hàng ống thép ở miền Trung. Nhưng tại thị trường miền Nam còn dư địa và xuất khẩu cũng tốt nên Nam Kim ưu tiên, đến lúc nào đó sẽ nghĩ đến đầu tư kho tại Chu Lai. Hiện dự án đang tạm ngưng.