|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chiến lược kinh doanh trái ngược của các đại gia thép Hoa Sen, Hòa Phát, Nam Kim

12:37 | 13/04/2022
Chia sẻ
Trong khi Hoa Sen muốn chuyển mình thành doanh nghiệp phân phối thì Nam Kim lại đang mở rộng năng lực sản xuất, Hòa Phát tham vọng nối dài chuỗi giá trị từ gốc tới ngọn.

Cảng nước sâu tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh: Đức Quyền).

Nam Kim đầu tư tăng công suất

Ngày 7/4 vừa qua, Hội đồng quản trị của CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây mới nhà máy tôn công suất 1,2 triệu tấn mỗi năm tại khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.500 tỷ đồng.

Trước đó, Nam Kim đã lên kế hoạch di dời nhà kho và dây chuyền sản xuất ống thép sang nhà máy mới, xây dựng trên khu đất 5 ha mua từ công ty Dea Myung Paper. Năng lực sản xuất ống thép dự kiến được mở rộng từ 180.000 tấn lên 300.000 tấn/năm.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, sau khi sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, Nam Kim kỳ vọng công suất tôn mạ có thể tăng 30% lên 1,3 triệu tấn trong quý II/2022. Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 150 tỷ đồng. VDSC đánh giá việc mở rộng công suất để nắm bắt cơ hội từ thị trường nước ngoài là hợp lý vì khoản đầu tư tương đối nhỏ so với mức lợi nhuận tiềm năng. 

Trong hai tháng đầu năm 2022, Nam Kim đã tiêu thụ 128.700 tấn tôn mạ, chiếm 15,9% thị phần. Hai doanh nghiệp đứng trên Nam Kim là Tập đoàn Hoa Sen và Tôn Đông Á.

Ở mảng ống thép, Nam Kim bán ra gần 27.000 tấn, chiếm 5,8% thị phần và xếp thứ 4 toàn thị trường. Các doanh nghiệp đứng trên là Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen và Thép Minh Ngọc.

 Tập đoàn Hòa Phát đang dẫn đầu thị trường ống thép.

Hoa Sen muốn bỏ hẳn sản xuất, chuyển sang phân phối

Trong khi Nam Kim lên kế hoạch đầu tư nâng sản lượng thì doanh nghiệp đầu ngành tôn mạ là Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) lại đang lập chiến lược chuyển từ sản xuất sang phân phối nội thất và vật liệu xây dựng nói chung.

Tôn mạ đã “hết đất diễn” cho Hoa Sen

Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 21/3 năm nay, Chủ tịch Lê Phước Vũ tuyên bố rằng Hoa Sen hiện đã quá lớn trong ngành tôn mạ nên dư địa tăng trưởng không còn nhiều.

“Năm ngoái, Hoa Sen đứng đầu Đông Nam Á về tôn mạ, dẫn đầu Việt Nam là đương nhiên rồi, đứng top 2 châu Á, kể cả Trung Quốc và Ấn Độ”, ông Vũ nói. “Năm 2021 Hoa Sen xuất khẩu đi toàn thế giới, bao gồm Mỹ và châu Âu, giá trị trên 1 tỷ USD. Đây là con số rất lớn”.

Chủ tịch Lê Phước Vũ nhận định Hoa Sen đã “hết đất” để phát triển trong ngành tôn, muốn phát triển hơn nữa thì phải làm tổ hợp thép, đầu tư từ khâu thượng nguồn là dùng quặng sắt để luyện ra phôi thép.

Hoa Sen từng tham vọng làm dự án thép Cà Ná ở tỉnh Ninh Thuận với vốn đầu tư dự kiến 10 tỷ USD nhưng sau đó đã từ bỏ vì gặp nhiều trở ngại. Hiện nay tập đoàn không còn tham vọng đầu tư vào thượng nguồn thép.

Trong hai tháng đầu năm nay, Hoa Sen tiêu thụ 233.300 tấn tôn mạ, trong đó thị trường xuất khẩu chiếm 56%. Biểu đồ dưới đây cho thấy Hoa Sen đang bỏ xa các doanh nghiệp đứng sau về thị phần.

 

“Chọn miếng ngon mà ăn”

Ngoài tôn mạ, Hoa Sen còn hai sản phẩm chủ lực khác là ống thép và ống nhựa. Về thị phần, Hoa Sen đang đứng thứ 2 trong thị trường ống thép (chỉ sau Tập đoàn Hòa Phát) và thứ 3 trong mảng ống nhựa (sau Nhựa Bình Minh và Nhựa Thiếu niên Tiền phong).

Chủ tịch Lê Phước Vũ tin tưởng rằng ba mặt hàng thế mạnh nói trên sẽ giúp Hoa Sen tạo dựng thương hiệu trong mảng phân phối nội thất và vật liệu xây dựng.

“Việt Nam chưa có hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng, nhiều doanh nghiệp thử nhưng không làm được. Hoa Sen sẽ làm được vì đã có ba mặt hàng truyền thống gồm tôn mạ, ống thép và ống nhựa. Giờ chỉ cần nâng cấp quy mô lên, nâng cấp nhận diện thương hiệu lên, đưa công nghệ vào để quản trị”, ông Vũ tin tưởng.

Chủ tịch Hoa Sen cho rằng hoạt động phân phối sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất. “Tại sao Hoa Sen không sản xuất nữa? Vì chúng ta thấy cái khác có lợi thế tốt hơn, giống như khi đi ăn buffet thì gắp cái ngon trước, cái nào dở thì không gắp hoặc gắp sau”, ông Vũ ví von.

Hoa Sen muốn bán tất cả những sản phẩm cần thiết để xây một căn nhà, từ làm móng tới hoàn thiện. (Ảnh: HSG).

Tiềm năng của mảng phân phối vật liệu xây dựng

Ông Lê Phước Vũ cho rằng mảng vật liệu xây dựng nói chung có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn nhiều so với chỉ một vài mặt hàng riêng lẻ mà Hoa Sen đang sản xuất. “Trong đầu tư của xã hội, nhà ở là khoản đầu tư rất lớn. Một căn nhà cấp 4 cũng tốn đến trên dưới 1 tỷ đồng. Nếu không có thể lên tới vài tỷ, thậm chí vài chục tỷ”.

“Hệ thống của chúng ta bảo đảm cung cấp toàn bộ vật liệu xây dựng và nội thất, vậy nên việc doanh số đạt vài chục nghìn tỷ đồng, tức vài tỷ đô, thậm chí lên 5-10 tỷ đô, tôi nghĩ không phải chuyện viển vông, nó khả thi. Cái chính là chúng ta phải triển khai được hệ thống Hoa Sen Home thành công”, ông Lê Phước Vũ nói.

“Bây giờ khi nói đến Hoa Sen, người ta nghĩ đến tôn, ống thép, ống nhựa. Tôi nghĩ từ 5 đến 10 năm nữa, người ta sẽ nói về hệ thống vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home”. Ông Vũ cũng cho rằng nếu Hoa Sen làm tốt thì quy mô mảng phân phối có thể gấp nhiều lần hiện nay. “Nếu Hoa Sen là công ty phân phối thì giá cổ phiếu HSG phải trên 100.000 đồng chứ không thể chỉ 30.000 – 40.000 đồng”.

Vị chủ tịch cũng tuyên bố sẽ bán hết những tài sản trong lĩnh vực sản xuất cũng như bất động sản để tập trung cho mảng phân phối.

“Những tài sản không phải liên quan tới hệ thống phân phối, chúng ta sẽ bán hết, kể cả dự án khách sạn và bất động sản ở Yên Bái và khu công nghiệp ở Phan Thiết, để chúng ta tập trung nguồn lực vào cái nào lớn nhất, cái nào tối ưu nhất, và cái nào tạo ra giá trị nhiều nhất. Chúng ta không đi lung tung, không đi lan man nữa”.

Trong niên độ tài chính 2020 – 2021 (từ 1/10/2020 đến 30/9/2021), Hoa Sen đã đẩy mạnh mở rộng hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng & nội thất Hoa Sen Home, nâng quy mô lên trên 80 siêu thị.

Hoa Sen hiện nay không chỉ bán các mặt hàng truyền thống tự sản xuất như tôn mạ, ống thép, ống nhựa, mà còn kinh doanh rất nhiều sản phẩm của các nhà cung cấp khác, bao gồm: sơn bả, thiết bị điện, máy móc cầm tay, thiết bị vệ sinh, ngói, gạch ốp lát, lưới thép, đá mài, …

Vì vậy, nguồn thu của tập đoàn không bị bó buộc bởi năng lực sản xuất mà có thể tăng lên theo nhu cầu của thị trường, quy mô dòng tiền cũng lớn hơn trước.

Kể từ khi đầu tư vào Hoa Sen Home, doanh thu của Hoa Sen đã tăng đáng kể so với trước. Biểu đồ bên dưới cho thấy doanh thu niên độ 2020 – 2021 đạt kỷ lục hơn 48.700 tỷ đồng, tăng trưởng 77% so với năm trước đó nhờ có Hoa Sen Home cũng như nhờ giá tôn lên cao. 

Niên độ 2021 - 2022, tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ dự kiến doanh thu sẽ giảm nhẹ còn khoảng 46.400 tỷ đồng.

 

Hòa Phát nối dài chuỗi giá trị, mạnh tay đầu tư nâng công suất

Trong khi Hoa Sen dự định rời khỏi lĩnh vực sản xuất để chuyên tâm làm phân phối thì Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) lại quyết tâm đầu tư lớn vào nhà máy mới.

Giai đoạn 1 của Khu Liên hợp Gang thép Dung Quất mới hoàn thành và hoạt động ổn định trong năm 2021, Hòa Phát đã tính chuyện đầu tư 85.000 tỷ đồng vào giai đoạn 2. Các bước chuẩn bị cho dự án đã gần hoàn tất, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long dự kiến sẽ khởi công vào quý II này và hoàn thành trong vòng ba năm.

Dự án giai đoạn 2 có diện tích trên 280 ha, nằm kề bên dự án Dung Quất 1 đang hoạt động. Công suất thiết kế bao gồm 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) mỗi năm.

Theo Hòa Phát, nhu cầu HRC của Việt Nam mỗi năm khoảng 12 triệu tấn, trong đó nước ta phải nhập khẩu khoảng 60%. Hòa Phát cho biết hiện nay tập đoàn này không sản xuất đủ HRC cho thị trường, phải từ chối khách hàng. Vì vậy, đầu ra của tổ hợp Dung Quất giai đoạn 2 sẽ được đảm bảo.

 Dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) của Hòa Phát. (Ảnh: Đức Quyền).

Hòa Phát tiến lên thượng nguồn

Hòa Phát hiện nay là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với công suất khoảng 8 triệu tấn thép mỗi năm. Để cho ra lò một tấn thép cần dùng khoảng 1,6 tấn quặng sắt.

Nhằm tăng cường tính tự chủ đối với loại nguyên liệu thiết yếu này, Hòa Phát đã mua dự án quặng sắt Roper Valley (Australia) với trữ lượng dự đoán 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, Hòa Phát còn nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ quặng sắt mới tại Australia. Mục tiêu về lâu dài là đảm bảo đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của tập đoàn (tương đương 10 triệu tấn/năm).

Than luyện cốc chiếm khoảng 30% giá thành sản xuất thép và Hòa Phát cũng đang tính đến việc mua một vài mỏ than ở nước ngoài.

Kéo xuống hạ nguồn

Nếu như Hoa Sen buông bỏ các dự án bất động sản dang dở ở Yên Bái thì Hòa Phát lại đang tích cực tìm kiếm dự án đầu tư mới tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước.

Tại Đắk Nông mới đây, Chủ tịch Trần Đình Long đề xuất đầu tư dự án nhà máy sản xuất nhôm với công suất 2 triệu tấn mỗi năm; nhà máy tuyển quặng 5 triệu tấn/năm, dự án điện phân nhôm 0,5 triệu tấn/năm và dự án nhà máy điện gió Hòa Phát công suất 1.500 MW.

Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án trên là khoảng 4,3 tỷ USD, tức là còn lớn hơn một giai đoạn của Khu liên hợp Dung Quất.

Ngày 25/3, đại diện Hòa Phát bày tỏ mong muốn đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, cảng nước sâu, xây dựng nhà máy thép, sản phẩm sau thép và một số sản phẩm thế mạnh của Hòa Phát tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Tại Thừa Thiên Huế, Hòa Phát muốn được tỉnh này hỗ trợ tìm kiếm một vị trí phù hợp để đầu tư khu đô thị hiện đại, có quy mô, trở thành một khu đô thị đáng sống.

Tại Quảng Ngãi, Hòa Phát đề nghị tài trợ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị - dịch vụ Nam Châu Ổ - Bình Long, huyện Bình Sơn.

Hòa Phát đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà máy thép và cảng nước sâu (tại Khu Liên hợp Dung Quất, Quảng Ngãi) cũng như các khu đô thị (dự án Mandarin ở Hà Nội). Nhìn chung, mọi dự án xây dựng quy mô lớn đều sử dụng nhiều thép – sản phẩm mà Hòa Phát tự làm ra.

 

Hiện nay, Hòa Phát đang dẫn đầu cả nước về thị phần thép xây dựng và ống thép, đồng thời xếp thứ 4 về tôn mạ. Vì vậy, Hòa Phát có thể tự đáp ứng phần lớn nhu cầu về thép của các dự án do mình làm làm chủ đầu tư.

Để gia tăng giá trị cho thép cuộn cán nóng (HRC), Hòa Phát đang xây dựng nhà máy sản xuất container tại Bà Rịa – Vũng Tàu, dự kiến cho ra sản phẩm từ quý IV năm nay. Nhà máy này sẽ sử dụng loại HRC đặc biệt với tính năng chống ăn mòn, kháng thời tiết mà Khu Liên hợp Dung Quất sản xuất ra.

Hòa Phát ngày nay không chỉ là nhà sản xuất thép mà đang dần trở thành người tiêu thụ thép, kéo dài chuỗi giá trị từ những nguyên liệu đầu tiên cho tới những sản phẩm cuối cùng.

Đức Quyền - Song Ngọc