Trước khi vay 35.000 tỷ để làm Dung Quất 2, sức khỏe tài chính của Hòa Phát ra sao?
Ngày 17/3 vừa qua, Hòa Phát đã ký hợp đồng tín dụng với 8 ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, MB, TPBank, VPBank và MSB.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) sẽ là đầu mối thu xếp khoản hợp vốn trị giá 35.000 tỷ đồng cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Dung Quất 2) tại tỉnh Quảng Ngãi.
Đây là khoản vay lớn nhất từ trước tới nay của Hòa Phát với các ngân hàng, có thời hạn 7 năm, ân hạn 2 năm. Thời gian rút vốn là 24 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Khối nợ gần 4 tỷ USD của Hòa Phát
Tính đến ngày 31/12/2021, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long có tổng tài sản khoảng 178.000 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả là hơn 87.400 tỷ, tương ứng gần 4 tỷ USD.
So với cuối quý liền trước, nợ phải trả của Hòa Phát giảm gần 2.900 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên kể từ quý I/2018, tổng nợ của Hòa Phát đi xuống so với quý liền trước. Tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn là 49%, thấp nhất kể từ quý I/2019 như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.
Vốn chủ sở hữu của Hòa Phát tại ngày cuối năm ngoái là 90.780 tỷ đồng, cao chưa từng thấy từ trước đến nay và chiếm 51% tổng nguồn vốn. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2018, vốn chủ của Hòa Phát vượt lên trên nợ phải trả.
Vốn chủ của Hòa Phát tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh năm 2021 khả quan khi cả giá thép lẫn sản lượng tiêu thụ đều đi lên. Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần 149.680 tỷ đồng và lãi sau thuế 34.521 tỷ trong năm vừa qua, tăng lần lượt 66% và 156% so với năm trước, đồng thời vượt xa mục tiêu mà đại hội cổ đông đặt ra.
Nợ phải trả giảm xuống do Hòa Phát đã hoàn thành đầu tư xây dựng cơ bản vào dự án Dung Quất 1. Cả 4 lò cao của nhà máy đã đi vào hoạt động hết công suất trong năm 2021, đóng góp quan trọng vào kết quả sản xuất hợp nhất 8,2 triệu tấn thép của Hòa Phát. Tổng tiêu thụ đạt xấp xỉ 8,3 triệu tấn, tăng 41% so với năm trước.
Trong hơn 87.000 tỷ đồng nợ phải trả tại ngày 31/12 năm ngoái, Hòa Phát có khoảng 57.200 tỷ đồng nợ vay, giảm gần 4.000 tỷ so với ba tháng trước đó. Thống kê dưới đây cho thấy cơ cấu kỳ hạn của các khoản vay cũng có thay đổi đáng kể khi tỷ trọng vay dài hạn giảm còn 24%.
Tiền mặt lên đỉnh lịch sử
Việc tăng cường vay ngắn hạn thay cho vay dài hạn sẽ giúp bớt đi gánh nặng lãi vay của Hòa Phát. Trong quý IV, tập đoàn trả 630 tỷ đồng tiền lãi cho các chủ nợ, giảm 45 tỷ so với quý trước đó.
Ở chiều ngược lại, áp lực thanh toán nợ gốc khi vay ngắn hạn sẽ lớn hơn, nhưng Hòa Phát có lợi thế khi sở hữu khối tiền mặt và tiền gửi lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Vào ngày cuối năm ngoái, Hòa Phát đang nắm giữ khoảng 22.500 tỷ đồng tiền mặt và hơn 18.200 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới một năm.
Tổng cộng, Hòa Phát có gần 41.000 tỷ đồng tài sản thanh khoản cao sẵn sàng để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Đây cũng là con số cao nhất trong lịch sử tập đoàn.
Trong năm vừa qua, Hòa Phát trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% (tức 500 đồng/cp) làm cho tiền mặt và vốn chủ sở hữu cùng hụt đi khoảng 1.660 tỷ đồng. Con số này là tương đối nhỏ, chỉ chiếm chưa đầy 5% số lãi ròng năm 2021.
Hoạt động kinh doanh khởi sắc và việc đầu tư dự án Dung Quất 1 đã hoàn thành là những nhân tố chính giúp khối tiền mặt của Hòa Phát lên cao. Trong thời gian tới, khoản tiền mặt nói trên sẽ đóng vai trò vốn đối ứng quan trọng của Hòa Phát khi thực hiện dự án Dung Quất 2.
Dự án Dung Quất 2 có diện tích trên 280 ha, nằm kề bên dự án Dung Quất 1 đang hoạt động. Công suất thiết kế bao gồm 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) mỗi năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 85.000 tỷ đồng. Dự kiến, Hòa Phát sẽ khởi công dự án Dung Quất 2 trong quý I/2022 và hoàn thành trong ba năm kể từ ngày khởi công.
Khi dự án hoàn tất, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát có thể đạt 14 triệu tấn/năm.