ĐHĐCĐ Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR): Chốt bỏ dự án nâng cấp mở rộng nhà máy Dung Quất 1,81 tỷ USD, phấn đấu lên HOSE năm tới
Sáng 22/4, CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến.
Tính tới 8h45, đại hội có sự tham gia của 229 cổ đông trực tuyến, 12 cổ đông dự trực tiếp và 2 cổ đông uỷ quyền; đại diện cho hơn 92% cổ phần có quyền biểu quyết và đủ điều kiện tiến hành. Kết thúc buổi họp, toàn bộ tờ trình đều được thông qua.
Muốn chi 930 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền năm 2021
Năm 2022, theo số liệu hợp nhất, BSR đề ra mục tiêu gần 91.678 tổng doanh thu, 1.295 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 9,3% và gần 81% so với năm 2021.
Về chỉ tiêu của công ty mẹ, kế hoạch tổng doanh thu là 91.411,5 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 1.401 tỷ đồng; giảm lần lượt 9,5% và 79% so với thực hiện năm 2021. Doanh nghiệp cho biết kế hoạch tài chính nêu trên được lập theo phương án giá dầu là 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, giá dầu liên tục leo thang đã giúp BSR vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau một quý . Quý I, tổng doanh thu công ty mẹ ước đạt 35.471 tỷ đồng, tăng 68,6% so với cùng kỳ năm ngoái và đã thực hiện được 39% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ước tính 2.029 tỷ đồng, tăng 8,5% so với quý I/2021 và đã vượt 45% mục tiêu năm đề ra.
Đáng chú ý, doanh nghiệp bỏ ngỏ kế hoạch trả cổ tức năm 2022. Về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021, BSR dự kiến trình cổ đông phương án trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 3% (300 đồng/cp), tương ứng với mức dự chi trên 930 tỷ đồng.
Đánh giá về diễn biến giá dầu thế giới, BSR cho rằng giá dầu thô và khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm (crack margin) được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo và không thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh của ngành lọc hoá dầu.
BSR đưa ra loạt yếu tố ảnh hưởng tới giá dầu như: Chính sách năng lượng của Mỹ và nhiều nước trên thế giới có sự thay đổi nhanh theo hướng phát triển năng lượng sạch và tiến tới phát thải CO2 bằng 0%; chính sách trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới chưa có xu hướng hạ nhiệt; cần mất nhiều thời gian để nền kinh tế thế giới có thể phục hồi đà tăng trưởng tại thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
Ngoài ra, quan điểm và mục tiêu của các thành viên OPEC/OPEC+ bắt đầu có sự khác biệt và có thể sẽ khó có sự đồng thuận tuyệt đối để đưa ra các chính sách chung trong tương lai.
Về khó khăn ở trong nước, BSR cho biết doanh nghiệp đang phải chịu sự cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu từ các nước có ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và xăng dầu sản xuất trong nước như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Bên cạnh đó, năm 2022, thuế nhập khẩu xăng là 8% (so với 10% trong năm 2020 và các năm trước đó) làm cho lợi nhuận thu được từ xăng và hiệu quả kinh doanh của BSR giảm.
Hơn nữa, chất lượng sản phẩm của nhà máy tương đương với khoảng giữa Euro II và Euro III, vì vậy việc tiêu thụ sản phẩm của nhà máy Dung Quất có thể gặp khó khăn nếu sản phẩm xăng dầu lưu hành tại Việt Nam buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn Euro IV/V (theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011: Các loại xe ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 từ ngày 1/01/2022).
Doanh nghiệp cũng cho biết thêm nhà máy đã vận hành hơn 10 năm nên độ tin cậy và an toàn của các thiết bị, máy móc có xu hướng giảm, theo đó chi phí bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ có xu hướng gia tăng.
Tại đại hội, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc của BSR cũng chia sẻ công ty đang phấn đưa cổ phiếu BSR lên HOSE trong năm tới. Ông mong muốn khi lên sàn, BSR sẽ chuyển sang một trạng thái mới.
Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất không còn khả thi
Đáng chú ý, tại buổi họp hôm nay, BSR đã trình cổ đông chủ trương lập hồ sơ điều chỉnh đầu tư dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
BSR đánh giá dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất không còn khả thi tại thời điểm hiện nay do giá chào thầu gói thầu EPC giai đoạn 2 vượt giá gói thầu đã được phê duyệt (BSR đã có quyết định hủy thầu); không có khả năng thu xếp đủ vốn theo cơ cấu vốn chủ/vốn vay là 30/70 cho dự án do không còn bảo lãnh Chính phủ; hiệu quả tổng thể của dự án thấp (khi loại bỏ các chính sách hỗ trợ phù hợp của Chính phủ như được tính toán trong DFS trước đây) và không đáp ứng điều kiện đầu tư của PVN.
BSR đang báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn chất lượng mức 5 và tăng cường sản phẩm hóa dầu (dự kiến hoàn thành vào năm 2025) đáp ứng xu thế chuyển dịch năng lượng trong tương lai.
Doanh nghiệp cho biết đang tích cực triển khai công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất để có thể hoàn thành và trình cấp thẩm quyền xem xét trong thời gian sớm nhất.
Tại buổi họp, doanh nghiệp được ĐHĐCĐ chấp thuận việc ủy quyền cho HĐQT thông qua hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; phê duyệt các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ (nếu có) liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư và thông qua các nội dung khác.
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất trao giấy Chứng nhận đầu tư dự án từ năm 2014.
Dự án dự kiến sẽ nâng từ công suất 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, tương đương 192.000 thùng dầu/ngày và có thể lọc được các loại dầu nặng và “chua” (chứa nhiều lưu huỳnh) có giá rẻ hơn rất nhiều so với dầu Bạch Hổ và các loại dầu tương đương mà Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang sử dụng.
Tổng vốn cho dự án là hơn 1,81 tỷ USD với tỷ lệ 70% vốn vay, 30% vốn góp.
BSR cho biết đến nay, dự án đã hoàn thành những hạng mục chính sau: Hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và nhận bàn giao 108,2 ha, hoàn thành công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; hoàn thành lập và phê duyệt thiết kế tổng thể FEED, đã hoàn thành công tác chấm thầu gói thầu EPC với kết quả phải hủy thầu.
Thảo luận:
Vụ kiện của nhóm ngân hàng liên quan tới các khoản vay quá hạn thanh toán, lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng Nhà máy sinh học Dung Quất với tổng giá trị nợ gốc và lãi vay là gần 1.372 tỷ đồng có ảnh hưởng gì lớn tới BSR không?
Tổng Giám đốc: Toàn bộ khoản dầu tư đều đã hoàn tất trích lập dự phòng và đã được kiểm toán Deloitte loại ra khỏi danh mục ngoại trừ. Do đó, vụ kiện không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty.
Kế hoạch lợi nhuận 2022 có quá thận trọng không? Năm ngoái, BSR đặt ra mục tiêu thấp nhưng lại vượt hơn 600%? Công ty có cần điều chỉnh lại kế hoạch năm nay không khi trong quý I đã vượt 45%
Tổng Giám đốc: Kế hoạch 2022 được xây dựng từ tháng 8, 9/2021. Thời điểm các thông tin đầu vào rất khó khăn khi dịch bệnh còn phức tạp, giá dầu còn ở mức thấp, crack margin (khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm chính) được dựa theo dự báo của các tổ chức quốc tế.
Đầu năm 2022, diễn biến phức tạp của địa chính trị khiến giá dầu bật tăng. Hiện BSR đang tập trung vào công tác dự báo, tuy nhiên lãnh đạo BSR đánh giá giá dầu khó dự đoán dưới tác động của chiến tranh Nga - Ukraine.
Kế hoạch kinh doanh có thể được điều chỉnh nếu giá dầu quay về ổn định, cuộc chiến tranh kết thúc.
Lãnh đạo BSR dự báo quý II, III giá dầu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào cuộc chiến, còn neo ở mức cao. Đặc biệt là vấn đề gián đoạn nguồn cung, gia tăng chi phí vận tải cũng ảnh hưởng nhiều tới giá dầu và là rủi ro lớn với các nhà máy lọc dầu.
Tác động của Nghị định 95 thay thế nghị định 85 cũ ảnh hưởng gì tới công ty?
Tổng Giám đốc: BSR cũng đang tập trung kiến nghị Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc của nghị định 95 mới ban hành trong đó liên quan tới việc xác định giá đối với các sản phẩm xăng dầu.
Lãnh đạo BSR chia sẻ chính sách này không chỉ ảnh hưởng tới các nhà sản xuất trong nước mà các nhà phân phối như Petrolimex cũng bị tác động lớn.
Các đơn vị trong nước đang kiến nghị sửa đổi sớm nhất có thể, để tháo gỡ các nút thắt. Lãnh đạo BSR đánh giá chính sách này hiện chưa thực sự phù hợp.
Với số dư tiền gửi gần tỷ USD, BSR có chiến lược đầu tư gì trong tương lai?
Tổng Giám đốc: Sau khi trích các quỹ đầu tư, BSR đang xây dựng chiến lược và dự kiến hết tháng 6 sẽ hoàn thành chiến lược này. Theo đó, loạt dự án nằm trong chiến lược mở rộng sản phẩm hoá dầu và sau hoá dầu sẽ được trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khi đó, BSR sẽ tập trung vào đầu tư dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc đầu đồng thời công ty cũng sẽ đầu tư sản phẩm liên kết, sản phẩm hoá dầu. Đây là các thị trường còn mở khi đem lại lợi nhuận cao.
Chủ tịch HĐQT: Ngành lọc dầu trong dài hạn biên mảng lọc dầu sẽ rất thấp. Thế giới đang có sự chuyển dịch năng lượng, đặc biệt các nước bạn của Việt Nam cũng đang đầu tư rất nhiều nhà máy lọc dầu, có những nhà máy gấp đôi Nghi Sơn và đã đưa vào vận hành. Do đó, biên mảng lọc hoá dầu thấp trong khi cạnh tranh khốc liệt.
Với tình thế địa chính trị lại đang phức tạp từ đầu năm tới giờ, crack margin sẽ giảm dần (2023, 2024 sẽ trở về xu hướng chung). Đứng trước bài toán đó, công ty có nhiều trăn trở. Không riêng gì BSR, các nhà máy lọc dầu nói chung đều đứng trước bối cảnh như vậy.
Hiện nay các nhà máy lọc dầu có 5 xu hướng: Thứ nhất, nhà máy lọc dầu phải liên kết với các nhà sản xuất dầu để tồn tại. Thứ hai, nhà máy lọc dầu liên kết với nhà tiêu thụ sản phẩm. Thứ ba, nhà máy lọc dầu phải chuyển sang hoá dầu. Thứ tư là nhà máy lọc dầu tiếp tục vận hành và dần dần bước chuyển sang hoá dầu. Và nếu không đáp ứng được sẽ phải đóng cửa nhà máy.
Các nhà tư vấn cho rằng với Đông Nam Á, hiện BSR có sự tương đồng với các nhà máy ở Thái Lan và họ chọn hướng thứ tư khi vẫn vận hành nhà máy và trong tương lai sẽ tìm kiếm cơ hội chuyển sang hoá dầu.
Với Việt Nam, thị trường tiêu thụ xăng dầu trong nước vẫn còn rất dài, tầm nhìn tới 2035-2040 thì nước ta sẽ vẫn còn phải tiêu thụ xăng dầu. BSR sẽ lựa chọn từng bước chuyển sang hoá dầu.
Xu hướng của crack margin năm 2022?
Tổng Giám đốc: Crack margin của 2022 tốt hơn 2021 dước tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine. Theo các dự báo, crack margin quý II và III vẫn còn tốt và sẽ suy giảm vào cuối năm.
Cập nhật tiến độ chuyển sàn?
BSR đặt mục tiêu đầu 2023 sẽ chuyển sàn và đang cố gắng hoàn tất các thủ tục.
Sau khi làm việc với các đơn vị tư vấn, chi phí đầu tư nâng cấp mở rộng nhà máy sau phương án điều chỉnh sẽ là bao nhiêu, nhà máy khi nào có thể đi vào hoạt động?
Quy mô đầu tư dự án nâng cấp mở rộng giảm từ 1,8 tỷ xuống còn 1,2 tỷ USD. BSR đang triển khai trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án. Theo kế hoạch, dự án dự kiến sẽ hoàn thành cuối 2025 và đi vào vận hành vào 2026.
Với dự án điều chỉnh, BSR sẽ tăng các sản phẩm có lợi nhuận cao hơn như nhiên liệu bay (sản phẩm chưa thể thay thế như các sản phẩm khác) và dự báo trong tương lai còn nhiều dư địa. Đồng thời, BSR sẽ giảm dần các sản phẩm xăng vì trong tương lai không còn hiệu quả và ưu đãi về thuế. Do đó, BSR sẽ chuyển thẳng sang sản phẩm hoá dầu như nhựa. Các năm vừa qua, BSR đã phát triển được nhiều sản phẩm nhựa mới, phục vụ đời sống.
Nguồn dầu thô đầu vào của BSR được tính toán như thế nào? Kế hoạch nhập dầu của BSR?
Tổng Giám đốc: Thiết kế ban đầu là BSR sẽ nhập 100% từ mỏ Bạch Hổ. Sau 12 năm vận hành, BSR vẫn ưu tiên nguồn dầu trong nước, đem lại hiệu quả chế biến cao.
Tuy nhiên, nguồn dầu trong nước đang suy giảm, BSR đã nghiên cứu thay thế nhiều loại dầu khác nhau, hiện có thể chế biến 16 loại dầu thay thế cả trong nước và nhập khẩu.
Với năm 2022 khi tình hình biến động, để đảm bảo nhà máy hoạt động liên tục, linh hoạt, BSR đã chọn cơ cấu mua dầu hợp đồng dài hạn cho 6 tháng một lần khoảng 80%. 20-25% còn lại tuỳ theo công suất vận hành mà BSR chọn mua spot (theo chuyến) để trong trường hợp muốn tăng công suất có thể mua các nguồn dầu khác nhau với giá rẻ nhất.
Năm 2022, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra gây gián đoạn nguồn cung dầu nhập khẩu đặc biệt khi Nga bị cấm vận. Do đó, chi phí logistics sẽ tăng. Ngoài ra, ở Tây Phi - nơi có thể cung cấp được nguồn dầu cũng gặp bất ổn chính trị.
Do đó, trong năm nay, BSR đang chuyển dịch và xin tối đa xin mua nguồn dầu trong nước, đặc biệt từ mỏ có phần vốn góp chi phối của PVN để giảm thiểu rủi ro địa chính trị. Hết quý 1, BSR vẫn đảm bảo công suất nhà máy trên 103% thậm chí 108%.
Bất ổn địa chính trị có ảnh hưởng gì tới kế hoạch nhập dầu không?
Tổng Giám đốc: Bất ổn địa chính trị ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch nhập dầu. Hàng loạt kế hoạch mua bán dầu thô phải thay đổi khi loạt nước lớn (Mỹ, châu Âu) đang cấm vận dầu của Nga. Các quốc gia có sản xuất dầu cũng hạn chế bán dầu ra bên ngoài.