ĐHCĐ DNP: Tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng
Ống nhựa hạ tầng và nhựa công nghiệp chiếm hơn 60% cơ cấu doanh thu 2017
Trong năm 2017, hai mảng ống nhựa hạ tầng và nhựa công nghiệp tiếp tục là hai nhóm sản phẩm đóng góp chủ đạo vào doanh thu của công ty. Theo đó, công ty đề ra kế hoạch doanh thu đạt 2.050 tỷ đồng, tăng mạnh 41% so với thực hiện năm trước. Cụ thể, doanh thu từ bao bì là 336 tỷ đồng, doanh thu từ ống nhựa hạ tầng là 636 tỷ đồng, doanh thu từ nhựa công nghiệp là 723 tỷ đồng, khoản doanh thu còn lại đến từ ống nhựa dân dụng M&E và nước sạch.
Kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ DNP trong năm nay vào khoảng 121 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2016. Nếu đạt được những chỉ tiêu này, công ty dự kiến sẽ chia cổ tức tỷ lệ 20%.
Công ty cho biết để có thể thực hiện được kế hoạch này, DNP sẽ duy trì sản lượng bao bì ở mức cao vào khoảng 850-900 tấn/tháng, chiếm 90% công suất thiết kế. Trong năm nay, công ty sẽ nghiên cứu sản phẩm mới cho phân khúc thị trường nước ngoài như Nhật, Mỹ, Úc. Ngoài ra, công ty hướng tới trọng tâm là khách hàng công ty cấp thoát nước để khẳng định vị trí dẫn đầu tại thị trường ống hạ tầng. Từ đó, triển khai tiếp thị và mở bán nhóm sản phẩm ống nhựa xây dựng dân dụng, M&E như nhà cao tầng, khu đô thị, dân cư, khu du lịch, dịch vụ.
Lý giải về việc phát triển dòng sản phẩm mới ống nhựa dân dụng, HĐQT công ty cho biết thị trường ống nhựa dân dụng đang được thống trị bởi Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) ở phía Nam và Nhựa Tiền Phong (HNX: NTP) ở phía Bắc. Đây là thị trường quy mô lớn, tỷ suất lợi nhuận cao. Hạ tầng đô thị Việt Nam còn thấp, cần đến 20-30 năm phát triển để tương đương với Singapore, Thượng Hải. Trong tổng thể đó, chu kỳ ngắn của bất động sản Việt Nam tăng nóng 2016, tăng chậm dần 2017-2018 và dự kiến điều chỉnh vào giai đoạn 2019-2020. Chính vì vậy, tham gia thị tường ống xây dựng dân dụng là cơ hội lớn đối với DNP. Công ty đã thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển sản phẩm mới - ống và phụ kiện xây dựng dân dụng (uPVC, PPR) với quy mô giai đoạn 1 là 80 tỷ đồng. Và kết quả là đầu năm nay, ngay trong quý 1, sản phẩm đã chính thức xuất hiện trên thị trường.
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của DNP diễn ra vào sáng ngày 8/4/2017
Đối với các nhà máy nước sạch, công ty sẽ đầu tư khởi công và xây dựng 2 nhà máy nước sạch là DNP Long An và DNP Bắc Giang với công suất mỗi nhà máy là 60.000 m3/ngày đêm, dự kiến các nhà máy này sẽ hoàn thành vào năm 2018. Công ty cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào nhà máy nước.
Nhắc lại kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2016, DNP thu về 1.457 tỷ đồng doanh thu với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 86 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty sẽ chi trả cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu.
Tiếp tục tăng vốn
Trong năm 2016, thị trường chứng khoán đã chứng kiến những lần tăng vốn của DNP từ hơn 135 tỷ đồng lên hơn 300 tỷ đồng thông qua các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư và cán bộ nhân viên. Theo báo cáo của HĐQT, toàn bộ số tiền thu về đã được sử dụng để trả nợ vay ngân hàng Công Thương – KCN Biên Hòa và nợ vay ngân hàng TMCP Việt Á – chi nhánh Đồng Nai.
Thế nhưng, câu chuyện tăng vốn của DNP sẽ chưa dừng lại. Trong năm 2017, công ty dự kiến sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu 19,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Trong đó, hơn 7,5 triệu cp sẽ được phát hành dưới hình thức chi trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 25% và hơn 12 triệu cp sẽ được chào bán cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền tỷ lệ 40% (cổ đông sở hữu 100 cp được mua 40 cp mới) với giá phát hành là 10.000 đồng/cp. Ngoài ra, công ty sẽ phát hành 400.000 cổ phiếu thưởng ESOP và chào bán thêm 100.000 cp với mức giá 10.000 đồng/cp cho người lao động.
Gộp chung lại, DNP dự kiến sẽ phát hành thêm hơn 20 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên hơn 500 tỷ đồng chỉ trong năm nay. Như vậy, chỉ sau 2 năm, vốn điều lệ của công ty đã tăng gấp gần 4 lần.
Nhìn lại năm 2016, có thể thấy đây là một năm DNP có nhiều bước tiến khi tham gia đầu tư vàthâu tóm các doanh nghiệp khác, nhằm đa dạng hóa sản phẩm ngành nhựa và mở rộng sang lĩnh vực cung cấp nước. Được biết vào cuối năm 2016, công ty đã nắm giữ 71,89% vốn CTCP Nhựa Tân Phú, 52,7% vốn CTCP Nhà máy nước Đồng Tâm Tiền Giang. Ngoài ra, công ty đã góp vốn đầu tư mới 70% vốn CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Tiền Giang và 51% vốn CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Bắc Giang.