Dệt may, da giày còn khó trong nửa đầu năm
Nói với VnExpress, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP HCM, cho hay 2 tháng đầu năm nhiều nhóm hàng xuất khẩu có khởi sắc nhưng với dệt may còn ì ạch. Một số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu đầu năm đa phần nhỏ lẻ và chấp nhận hòa vốn để lo cho công nhân có việc làm và duy trì sản xuất.
"Sức mua là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá thị trường. Tới nay, sức mua của các doanh nghiệp trên toàn cầu với hàng dệt may từ Việt Nam yếu do xung đột trên thế giới còn căng thẳng, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng", ông Hồng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Gia Khánh, Hội Da Giày TP HCM, cho biết trong 10 doanh nghiệp, khoảng 3-4 có đơn hàng. Một số doanh nghiệp hết tháng Giêng mới mở cửa sản xuất trở lại. "So với năm ngoái, chúng tôi chưa thấy có chút ánh sáng. Hai thị trường chính của dệt may Việt Nam là Mỹ, EU vẫn chịu tác động của căng thẳng xung đột Nga - Ukraine", ông Khánh cho hay.
Theo sát diễn biến của doanh nghiệp ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng tồn kho dệt may còn cao do nhu cầu sụt giảm sức mua năm ngoái.
Tại họp báo về triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam 2024 (VIATT 2024) tại TP HCM hôm 23/2, ông Tài dẫn số liệu cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2023 giảm hơn 9% so với năm 2022, đạt hơn 40 tỷ USD. Khó khăn tiếp tục lan sang năm nay khi ngành dệt may còn chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ông đánh giá, tháng đầu năm, các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng nhưng tổng giá trị thấp và nhỏ lẻ. Các thị trường chủ lực Mỹ, EU vẫn giảm mua. Ngoài ra, đơn hàng mới cũng đang đối diện với thách thức khi hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như chiến lược "thời trang bền vững", xanh hóa hay chuyển đổi số khiến đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển tăng cao khiến giá sản phẩm bị tác động. Hiện, chi phí vận chuyển đầu năm cho hàng hóa sang Mỹ, Châu Âu tăng lên gấp so với cuối năm ngoái.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển và có thêm các đơn hàng mới, ông Tài cho biết nhà chức trách đang lên nhiều kế hoạch để hỗ trợ. Trong đó, tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm để kết nối người mua và người bán. Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp với Công ty Messe Frankfurt (Hong Kong) tổ chức triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam 2024 (VIATT 2024) từ 28/2-1/3. Đây là triển lãm đầu tiên tại Việt Nam có khoảng trên 400 doanh nghiệp tham gia. Triển lãm kỳ vọng tạo chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và thị trường toàn cầu. Song song đó, thúc đẩy đầu tư từ các nhà dệt may lớn thế giới dịch chuyển sang Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh tìm đơn hàng và thúc đẩy đầu tư, ông Tài cho rằng, doanh nghiệp cũng tập trung chuyển đổi, nghiên cứu sản phẩm, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, phù hợp với xu thế mới.
Với nỗ lực tìm đơn hàng, các doanh nghiệp kỳ vọng dệt may tìm lại "ánh sáng" từ quý III năm nay. Ngành dệt may đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.