Biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp dệt may dự báo tăng nhẹ so với năm 2023
Trong báo cáo mới phát hành, SSI Research cho biết nhu cầu suy yếu đối với hàng may mặc dẫn đến nhu cầu cho nguyên liệu đầu vào giảm, như sợi bông và sợi polyester. Mặc dù vậy, chi phí sợi/vải trung bình giảm sẽ bù đắp một phần cho giá bán trung bình giảm.
Nhóm phân tích lưu ý rằng các doanh nghiệp gia công trong nước có ít khả năng đàm phán với các nhà bán lẻ thời trang (đặc biệt trong thời kỳ nhu cầu yếu). Do đó, biên lợi nhuận gộp của các công ty dệt may đã giảm từ mức 15-18% trong năm 2022 xuống mức 11-14% trong năm 2023. Trong năm 2024, SSI kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ dần cải thiện lên mức 14-15% do nhu cầu phục hồi chậm xuyên suốt cả năm.
Nhóm phân tích cũng đề cập đến sự kiện “Biển Đỏ” có thể gây hiệu ứng gợn sóng đến hoạt động kinh doanh quý I của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ/châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023. Hơn nữa, khi căng thẳng leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm tăng lên.
Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng điều kiện FOB, theo đó, người mua phải chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu thấp và mức tồn kho cao nên người mua có thể đàm phán lại với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng.
Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi tình hình “Biển Đỏ” hạ nhiệt.
Theo quan điểm của SSI, dự báo của VITAS về tăng trưởng xuất khẩu khá lạc quan, với kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD (tăng 9% so với cùng kỳ) cho năm 2024.
"Lưu ý rằng VITAS từng dự báo giá trị xuất khẩu đạt từ 45-47 tỷ USD (tăng 7%-11% so với cùng kỳ) cho năm 2023, so với giá trị xuất khẩu thực tế là 40,3 tỷ USD (giảm 10%)", báo cáo nêu.
Các chuyên gia tại đây cũng nêu vấn đề tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chưa có nhiều khởi sắc trong năm 2024.
Theo SSI, đi cùng với môi trường kinh tế khó khăn, mức chi tiêu không thiết yếu sẽ có phần hạn chế trong năm 2024.