|
 Thuật ngữ VietnamBiz

PV: Theo ông, từ nào sẽ phù hợp để nói về ngành dệt may năm 2023?

Ông Trần Như Tùng: 2023 là năm khó khăn với doanh nghiệp dệt may. Có thể nói, các doanh nghiệp đã trải qua cơn bạo bệnh và chưa từng gặp phải trước đây.

Hầu hết doanh nghiệp đều phải cắt giảm lao động. Lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp mà phải cắt giảm, đó là điều rất đau lòng, không ai mong muốn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không còn sự lựa chọn nào tốt hơn. Họ cần tồn tại trước.

 

PV: Việc cắt giảm lao động có xảy ra ở Dệt may Thành Công?

Ông Trần Như Tùng: Công ty chúng tôi không có chủ trương cắt giảm hàng loạt như các doanh nghiệp khác. Chúng tôi chỉ cắt giảm các lao động gián tiếp, thời vụ và không tuyển mới, nếu có nhân sự chính thức nghỉ.

Đơn hàng của công ty năm 2023 giảm khoảng 20% so với năm 2022, công suất nhà máy cũng vậy.

PV: Và so với giai đoạn hai năm dịch COVID-19, thời điểm nào khó khăn hơn, thưa ông?

Ông Trần Như Tùng: Những năm dịch COVID-19, doanh nghiệp có rất nhiều đơn hàng, làm không xuể. Điều chúng tôi phải quan tâm nhất là làm sao đảm bảo điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, sức khỏe cho công nhân, nhà máy “sáng đèn” và giao hàng đúng hạn cho các đối tác. Nỗi sợ bệnh tật cũng lớn, nhưng chúng tôi đã chống chọi và vượt qua được.

Tuy nhiên, năm 2023 chịu loạt tác động của lạm phát, suy thoái kinh tế và các yếu tố bên ngoài. Doanh nghiệp không có đơn hàng, việc làm cho công nhân. Khó khăn cả hai phía, bên trong và bên ngoài.

PV: Những biến động lãi suất trong năm 2023 ảnh hưởng thế nào đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp?

Ông Trần Như Tùng: Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều đợt giảm lãi suất, điều này rất tốt cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Duy chỉ có một yếu tố cần lưu ý là rủi ro tỷ giá. Trước đây, chúng tôi vay USD nhiều do lãi suất thấp, nhưng năm nay thì ngược lại. Tuy vậy, đó không phải là gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp.

PV: Kết thúc 9 tháng năm 2023, công ty mới đạt 60% kế hoạch doanh thu và 45% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. Đơn hàng đã cải thiện trong quý IV/2023, liệu doanh nghiệp có thể về đích như kỳ vọng hồi đầu năm, thưa ông?

Ông Trần Như Tùng: Tôi cho rằng là khó. Năm 2023, Dệt may Thành Công có thể đạt 80% kế hoạch doanh thu và 60% chỉ tiêu lợi nhuận.

PV: Điểm sáng của ngành dệt may 2023 là đa dạng sản phẩm và thị trường xuất khẩu. Vậy ở Dệt may Thành Công thì sao, thưa ông?

Ông Trần Như Tùng: Các doanh nghiệp ngành dệt may đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ, có những mặt hàng trước đây chúng ta “chê” thì giờ đã phải xắn tay vào làm, hàng nào cũng nhận, miễn có đơn hàng và duy trì việc làm cho công nhân. Đây không phải là lúc “kén cá, chọn canh”.

Ở Dệt may Thành Công, chúng tôi vẫn duy trì các sản phẩm truyền thống, nhưng có mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.

 

Hiện, chúng tôi đang xuất khẩu sang khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường chủ lực và ổn định là Hàn Quốc và Nhật Bản. Còn thị trường Mỹ có giảm sâu hơn.

Doanh nghiệp cũng đã “đánh bắt xa bờ”, phát triển thị trường sang một số nước trong khối CPTPP như Canada, Australia. Chúng tôi đã tiếp cận thành công và có đơn hàng, tuy vậy thị phần còn khiêm tốn. Hy vọng trong thời gian tới, đây sẽ là một ngã rẽ mới mẻ của doanh nghiệp.

PV: Hiện nay, 15 hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết đang có hiệu lực, song có vẻ các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa tận dụng được nhiều?

Ông Trần Như Tùng: Đúng vậy, doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng quy định về nguồn gốc nguyên liệu.

Đơn cử như hiệp định CPTPP đặt ra yêu cầu chủ động nguyên phụ liệu từ sợi trở đi, còn EVFTA yêu cầu từ vải trở đi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang nhập rất nhiều hàng từ Trung Quốc.

Công ty chúng tôi đang làm sợi và xuất khẩu sang Trung Quốc, Trung Quốc sản xuất thành vải và xuất trở lại cho Việt Nam. Nhiều lúc chúng tôi đã đặt ra câu hỏi thay vì phải đi một vòng tròn như vậy, tại sao không để doanh nghiệp Việt làm?

Tất nhiên, điều này có những lý do. Tuy nhiên, tôi cho rằng các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần phải ngồi lại, tìm hiểu và bàn kế hoạch hợp tác, như vậy mới có thể khai thác tốt các hiệp định thương mại, giảm chi phí cho ngành.

PV: Năm biến động 2023 cũng đã khép lại. Xin ông có thể chia sẻ tình hình đơn hàng năm 2024 thế nào?

Ông Trần Như Tùng: Thực tế, những tháng cuối năm 2023, đơn hàng có cải thiện hơn những tháng trước, tuy nhiên đơn hàng nhỏ lẻ và giá thấp.

Khách hàng họ lấy giá ở Bangladesh, áp sang Việt Nam. Nhưng thực tế rằng chi phí nhân công ở Bangladesh rất thấp. Còn tại thị trường trong nước cũng có sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp hai miền Nam – Bắc.

Giá thấp có nghĩa lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm đi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải nhận đơn hàng để duy trì việc làm, sinh kế cho người lao động, chứ không thể tính toán lợi nhuận như trước kia nữa.

 

Đến giữa tháng 12/2023, chúng tôi đã nhận 80-90% đơn hàng cho quý I/2024. Song, số lượng và tốc độ nhận đơn hàng vẫn còn chậm. Cùng thời điểm này những năm trước, chúng tôi đã nhận đủ đơn hàng cho quý I và 50% đơn hàng cho quý II/2023. Đây cũng là điều khiến tôi thực sự lo lắng.

Tuy nhiên, tình hình có thể cải thiện vào quý II/2024, sớm là tháng 4 và muộn là tháng 6, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Nếu mọi thứ xảy ra như dự báo, 2024 vẫn là một năm đáng để hy vọng cho doanh nghiệp dệt may.

PV: Trong năm 2023, chúng ta cũng chứng kiến cuộc biểu tình của công nhân dệt may Bangladesh về phúc lợi cho người lao động. Tại sao Bangladesh không có chính sách đầy đủ cho người lao động nhưng đơn hàng vẫn đổ về?

Ông Trần Như Tùng: Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, suy cho cùng, giá cả vẫn là các yếu tố quyết định để các nhãn hàng quyết định ký với ai.

Khách hàng yêu cầu xanh hóa, phúc lợi cho người lao động nhưng giá sản phẩm phải rẻ. Tôi cho rằng các nhãn hàng cũng cần chia sẻ với những áp lực các doanh nghiệp sản xuất đang chịu.

Theo logic thông thường, ngành dệt may tạo ra chế độ tốt, môi trường thân thiện cho người lao động, đáng ra Việt Nam phải được ưu tiên về đơn hàng.

Tuy nhiên, các nhãn hàng cũng đang chịu áp lực rất lớn về giá khi người tiêu dùng cuối cùng không sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm giá trị cao, nhãn hàng buộc phải tìm nguồn cung giá rẻ.

PV: Như vậy có nghĩa bước qua giai đoạn khó khăn này, mọi thứ có thể lập lại trật tự mới?

Ông Trần Như Tùng: Có thể nói là như vậy. Khi kinh tế tốt dần lên, người tiêu dùng mở hầu bao, các đối tác sẽ chọn những nguồn cung thỏa mãn loạt yêu cầu về xanh hóa, lao động, giá cả cạnh tranh…

Năm 2023 có thể coi là một bước lùi của ngành dệt may. Đi chậm lại để hoàn thiện hơn và bật lên mạnh mẽ hơn. Tôi tin ngành dệt may Việt Nam sẽ sớm hồi phục khi kinh tế thế giới cải thiện.

PV: Như ông đã nói, xanh hóa đang trở thành mệnh lệnh của nền kinh tế, vậy đây có phải động lực lớn nhất cho ngành dệt may?

Ông Trần Như Tùng: Tôi cho rằng xanh hóa thôi là chưa đủ mà phải tiến đến ESG - những tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững, bao gồm Môi trường, Xã hội và Quản trị.

 

Xanh hóa chỉ là chữ E (Môi trường), tức doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về giảm khí thải, nước thải, đồng thời sử dụng năng lượng xanh…

Bangladesh đang làm điều này tốt, doanh nghiệp của họ có nhiều chứng chỉ LEED (một giấy chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Mỹ).

Tuy nhiên, Bangladesh chưa làm tốt chữ S (Xã hội), nhiều cuộc đình công xảy ra trong những năm qua. Khi yếu tố xã hội chưa tốt sẽ kéo theo vấn đề về quản trị.

Đối chiếu với Việt Nam, lịch sử ngành dệt may chưa xảy ra cuộc đình công nào lớn trong thời gian gần đây. Đặc biệt, người Việt có sự nhân văn, đùm bọc với người lao động.

Hiện, toàn ngành dệt may Việt Nam đều định hướng phát triển bền vững và có lộ trình rõ ràng.

PV: Khi doanh nghiệp nắm trong tay chìa khóa phát triển bền vững, vậy cơ hội để Việt Nam giành lại vị trí nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới thế nào, thưa ông?

Ông Trần Như Tùng: Tôi cho rằng trong năm 2024, Việt Nam vẫn sẽ đứng sau Bangladesh. Tuy nhiên, từ 2025 trở đi, chúng ta có khả năng sẽ lấy lại được vị thế. Trong 12 tiêu chí phát triển bền vững, hiện Việt Nam chỉ đứng sau Bangladesh về 2 tiêu chí là chi phí nhân công rẻ và xanh hóa.

Tôi cho rằng tiêu chí xanh hóa, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm được.

Còn tiêu chí nhân công giá rẻ, tôi không ủng hộ. Người lao động xứng đáng được hưởng chế độ phúc lợi đầy đủ và tốt hơn. Hãy nhìn Trung Quốc, nhân công của họ giá cao, nhưng họ vẫn phát triển tốt và đứng đầu thế giới. Mặt khác, chi phí lao động cũng thể hiện trình độ và hiệu suất của công nhân.

Một lần nữa, tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở lại vị trí nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới với một phiên bản tốt hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Phạm Mơ
Alex Chu
Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 1/2024