|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đến lượt xi măng vào guồng bão giá sau khi thép vừa hạ nhiệt?

15:43 | 06/07/2022
Chia sẻ
Sau thời gian tăng nóng, giá thép xây dựng đã có chuỗi giảm liên tiếp. Tuy nhiên, áp lực của ngành xây dựng vẫn chưa dứt khi mặt hàng quan trọng không kém sắt thép là xi măng bắt đầu ghi nhận những đợt tăng giá nối tiếp.

Giá xi măng tăng nóng vì áp lực nguyên liệu đầu vào

Trong nửa đầu năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng đã chứng kiến nhiều mặt hàng tăng giá chóng mặt. Điển hình là xi măng đã có 3 lần tăng giá kể từ đầu năm 2022.  

Số liệu của Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, giữa tháng 6, hàng loạt doanh nghiệp xi măng thông báo tăng giá bán. Cụ thể, tăng cao nhất là Công ty TNHH TM Xi măng Công Thanh khu vực miền Trung điều chỉnh tăng giá bán xi măng 140.000 đồng/tấn từ ngày 15/6; tiếp theo là Công ty TNHH MTV Xi măng Trung Sơn tăng thêm 90.000 đồng/tấn từ ngày 10/6.

Các đơn vị tăng ít nhất như Tân Quang, Vicem Hải Vân, Vicem Hoàng Thạch... với mức tăng thêm 50.000 đồng/tấn. 

Một số doanh nghiệp điều chỉnh giá bán xi măng từ tháng 6  (Nguồn: VNCA. Tổng hợp: Như Huỳnh)

"Giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng như xăng dầu, than đá... tăng mạnh khiến giá thành phẩm sản xuất xi măng liên tục tăng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giá bán xi măng ra thị trường trong tháng 6", VNCA cho hay.

Như vậy đây là lần thứ 3 trong năm nhiều doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán. Trước đó, hồi tháng 3, có khoảng 14 doanh nghiệp xi măng chọn tăng giá ở mức khoảng 100.000 - 150.000 đồng/tấn và vào nửa cuối tháng 5, thị trường ghi nhận khoảng 10 đơn vị tham gia điều chỉnh ở mức tăng thêm 60.000 - 80.000 đồng/tấn.

Theo Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tính chung trong 5 tháng đầu năm nay, giá xi măng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3% so với quý IV năm 2021.   

Công ty chứng khoán Mirae Asset dự báo năm 2022 sẽ là một năm khó khăn khi chi phí nguyên liệu phi mã, giá bán dù đã ba lần tăng trong những tháng gần đây nhưng vẫn chưa theo kịp mức tăng của chi phí đầu vào.

Số liệu của VNCA cho biết chi phí nguyên liệu chiếm 30-35% giá thành sản xuất xi măng. Trong khi đó, có đến gần 2/3 lượng than phải nhập khẩu.

Việc thiếu hụt nguồn cung than và đá vôi khiến các nhà sản xuất phải mua nguyên vật liệu ở mức giá cao từ các nhà nhập khẩu làm giảm biên lợi nhuận. Mirae Asset cho rằng các công ty xi măng năm 2022 có thể giảm 3-4% biên lợi nhuận gộp nhằm duy trì sản lượng.  

Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, tháng 10/2020, loại than mà Vicem vẫn dùng có giá chỉ 50 - 60 USD/tấn, đến tháng 5/2022 có thời điểm lên 490 USD/tấn, tăng gấp 8 lần.

Cùng với than nhập khẩu tăng, than trong nước cũng tăng giá mạnh, riêng tháng 5/2022, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có hai lần tăng giá bán. Ngoài ra, giá than thương mại cao hơn giá than của TKV từ 700.000 - 1.100.000 đồng/tấn.  

Bên cạnh đó, theo tính toán của Vicem, giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng khoảng 45% so với đầu năm 2022 đã kéo theo sự gia tăng của các chi phí cước vận tải và logistics. 

Chia sẻ với báo Đầu tư, ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem, cho hay dù giá bán xi măng đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa bù đắp được so với mức tăng của chi phí đầu vào, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp và thời gian tới, có thể doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại kế hoạch lợi nhuận của năm nay.

Nhiều dự báo cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa trong năm nay sẽ tăng trưởng trở lại do Nhà nước đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.

Tuy nhiên, việc giá xi măng tăng cao sẽ khiến ngành xây dựng tiếp tục gặp khó bởi xi măng là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành xây dựng. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu rằng xi măng có trở thành mặt hàng tiếp theo tạo nên cơn sốt giá khi mà áp lực nguyên liệu đầu vào vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt?  

Giá thép giảm lần thứ 7 liên tiếp

Trái ngược với xi măng, giá thép sau cơn bão giá hồi đầu năm đã nhanh chóng hạ nhiệt. Cụ thể, chỉ trong vòng hai tháng trở lại đây, nhiều doanh nghiệp thép liên tục hạ giá sản phẩm, lần gần nhất ghi nhận vào 27/6 với mức giảm 50.000 - 300.000 đồng/tấn. 

Cụ thể, thép Hòa Phát tại miền Bắc và thép Việt Đức có mức điều chỉnh mạnh nhất lên đến 300.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá loại thép này còn 16,7 - 16,8 triệu đồng/tấn.

Thép cuộn CB240 tại các doanh nghiệp có sự sụt giảm trong khoảng 50.000 - 200.000 đồng/tấn. Riêng tại Hòa Phát miền Trung, giá loại thép này được giữ nguyên trong lần điều chỉnh vừa qua.

Đây là lần giảm thứ 7 của giá thép trong nước kể từ ngày 11/5. Như vậy, trong vòng hơn 6 tuần, giá thép trong nước giảm tới hơn 2,5 triệu đồng/tấn (tùy từng thương hiệu và loại thép) so với mức giá 18,1 - 19,1 triệu đồng/tấn ghi nhận vào ngày 11/5.

  Giá thép tại một số doanh nghiệp ghi nhận vào lần điều chỉnh ngày 27/6. (Nguồn: Steelonline. Tổng hợp: Như Huỳnh) 

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân giá thép giảm là giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ tháng 4 đến nay khiến thị trường chững lại. Nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng cần thiết đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng. 

“Giá xăng dầu tăng kéo theo các chi phí sản xuất tăng trong khi nhu cầu sử dụng thép trong các công trình xây dựng không cao, tiêu thụ thép giảm mạnh. Áp lực nhu cầu yếu ở thị trường Trung Quốc và toàn cầu kéo theo giá giao dịch các sản phẩm thép giảm", VSA cho hay.   

Như Huỳnh