Đề xuất phân cả nước thành 7 vùng mới, gộp Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên làm một
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây có Tờ trình gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phân vùng giai đoạn 2021 – 2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Theo phương án Bộ KH&ĐT đề xuất, giai đoạn 2021 – 2030, cả nước sẽ phân thành 7 vùng mới gồm: vùng Đông Bắc (có 7 tỉnh); vùng Tây Bắc (7 tỉnh); vùng Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố); vùng Bắc Trung Bộ (5 tỉnh); vùng Nam Trung Bộ (gộp Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tổng cộng có 11 tỉnh, thành phố); vùng Đông Nam Bộ (9 tỉnh, thành phố) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).
Bộ KH&ĐT đề xuất, giai đoạn 2021 – 2030, cả nước sẽ phân thành 7 vùng kinh tế xã hội. (Ảnh: VTV4) |
Bộ KH&ĐT giải thích, đây là phương án phân vùng có tính đến các yếu tố thị trường, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư, khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài; hướng tới tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy liên kết nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập. Mặt khác, với cách phân chia này, quy mô vùng vừa phải, khoảng cách giữa các địa phương trong vùng không quá lớn, thuận lợi cho việc hợp tác, quản lý phát triển.
Việc phân vùng mới cũng đưa đến một số tác động tiêu cực như làm xáo trộn về thông tin, phát sinh nhu cầu tập hợp, xử lý lại thông tin theo vùng lãnh thổ. Việc xử lý lại thông tin sẽ phải có những điều chỉnh đối với hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc; hai vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ; vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đánh giá, do thông tin cơ bản hiện đang được thống kê theo đơn vị hành chính cấp tỉnh nên việc thu thập, tổng hợp thông tin theo vùng mới không gặp nhiều khó khăn và chi phí cho việc này không cao.
Bộ KH&ĐT cũng đã tiếp thu, giải trình những ý kiến góp ý của nhiều Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học. Cụ thể, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm kinh nghiệm quốc tế về phân vùng; Bộ KH&ĐT cho biết, trong dự thảo báo cáo đã có riêng phụ lục về một số kinh nghiệm quốc tế về phân vùng, tập hợp kinh nghiệm của các nước phương Tây (Đức, Pháp, Nhật) và các nước đang phát triển, Trung Quốc, Hàn Quốc… Báo cáo cũng nghiên cứu các học thuyết kinh tế về vùng.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị việc phân vùng chi tiết nên tham khảo lịch sử (Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ) để đề xuất phân vùng cụ thể, điều chỉnh lại tên gọi các vùng. Có ý kiến đề nghị bổ sung ưu – nhược của từng phương án phân vùng; cần chú ý đến đặc điểm khí hậu của cùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vì thời tiết hai vùng này trái ngược nhau nên cần phân tích rõ với điều kiện thời tiết như vậy sẽ tác động như thế nào trong việc liên kết vùng.
Cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế về vùng Bắc Trung Bộ bởi vùng Nam Trung Bộ đã có quy mô rất lớn; giữ nguyên tỉnh Lâm Đồng thuộc tiểu vùng Tây Nguyên – phân vùng Nam Trung Bộ, không nhập vào vùng Đông Nam Bộ để đảm bảo các yếu tố về an ninh, quốc phòng; đề nghị chỉ tách thêm vùng Trung du miền núi thành hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc hoặc phương án tách thêm vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vì cho rằng có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, dân tộc…
Để có đủ cơ sở lập Quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Bộ KH&ĐT xin Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về phương án phân vùng đã đề xuất ở trên, đồng thời cho ý kiến chỉ đạo về thẩm quyền quyết định phân vùng triển khai thực hiện Luật Quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030.
Hiện nay, Việt Nam đang phân thành 6 vùng kinh tế - xã hội gồm: (1) Trung du miền núi phía Bắc (gồm 14 tỉnh); (2) Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh); (3) Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh); (4) Tây Nguyên (5 tỉnh); (5) Đông Nam Bộ (6 tỉnh) và (6) Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh). |