|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các vùng kinh tế trọng điểm không đạt hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

20:17 | 24/09/2018
Chia sẻ
Chiều nay 24.9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Cơ chế phối hợp phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam” nhằm giải quyết bài toán nan giải này.
cac vung kinh te trong diem khong dat hau het cac chi tieu kinh te xa hoi
Vùng KTTĐ miền Trung - một trong 2 vùng KTTĐ đóng góp cực thấp vào xuất khẩu của Việt Nam - chỉ đạt 2% so với cả nước.

Chiều nay 24.9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Cơ chế phối hợp phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam” nhằm giải quyết bài toán nan giải này.

Trong bối cảnh các vùng kinh tế trọng điểm của chúng ta đang liên kết rất lỏng lẻo, hoạt động kinh tế manh mún yếu kém nên rất cần một cơ chế mới, tạo cú hích để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Đại diện nhóm nghiên cứu về cơ chế phối hợp phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam, ông Trần Trung Hiếu – Phó Trưởng Ban thể chế kinh tế (CIEM)

cho biết việc chia cắt không gian vùng quá nhỏ với 63 tỉnh thành trên cả nước khiến cơ chế phối hợp giữa các vùng rất khó khăn, manh mún và “không ai bảo được ai”. Điều đó thúc đẩy cần xây dựng một thể chế liên kết vùng trong bối cảnh mới.

Đánh giá hiệu quả của liên kết vùng kinh tế ở Việt Nam còn rất yếu, nhóm nhiên cứu chỉ ra 4 vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) là Vùng KTTĐ Bắc Bộ, KTTĐ miền Trung, KTTĐ phía Nam và KTTĐ Đồng bằng Sông Cửu Long.

Cả 4 vùng KTTĐ này gồm 24 tỉnh thành với diện tích 90 nghìn km2, chiếm 27% dân số cả nước và trên 50% dân số nhưng thành tựu tăng trưởng kinh tế không đồng đều và vô cùng bất tương xứng.

Như số liệu năm 2015 cho thấy, tổng đóng góp vào xuất khẩu của cả 4 vùng chỉ đạt 80,6%, trong đó vùng KTTĐ Bắc Bộ và KTTĐ phía Nam đã chiếm tới 78,1%, 2 vùng còn lại chỉ chiếm 2,5%.

Số liệu của nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra các vùng KTTĐ phát triển kinh tế xã hội vô cùng kém và hầu hết các chỉ tiêu đều chưa đạt. Ví dụ như chỉ tiêu GDP, cơ cấu kinh tế, đô thị hóa, tỉ lệ hộ nghèo thì tất cả gần như đều không đạt chỉ có Vùng KTTĐ Bắc Bộ đạt chỉ tiêu ở 2 lĩnh vực GDP và đô thị hóa.

Nguyên nhân được nhóm chỉ ra do trình độ phát triển kinh tế ở địa phương còn kém, cơ chế chính sách cho vùng KTTĐ chưa hoàn thiện và không thực quyền, nhận thức về lợi ích của các chủ thể liên quan chưa đầy đủ…

Trưởng ban phát triển vùng (Viện Chiến lược phát triển) – ông Cao Ngọc Lân khẳng định, chúng ta vẫn cần phát triển vùng kinh tế nhưng cần thiết phải xây dựng được một cơ chế phối hợp. Nhưng trước khi xây dựng cơ chế đó, cần phải nhìn rõ được những yếu kém của việc liên kết vùng.

Yếu kém đó là gì? Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra đó chính là sự lãng phí trong đầu tư công và việc duy trì sản xuất khép kín ở nhiều địa phương khiến sức cạnh tranh giữa các đơn vị hành chính trong vùng càng mạnh mẽ và hạn chế lẫn nhau dẫn tới việc không liên kết được, càng không xây dựng được chiến lược liên kết vùng.

Ông Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Chúng ta chưa làm rõ được cơ sở lợi ích. Vì không rõ cơ sở lợi ích nên chẳng địa phương nào tích cực tham gia. Trong liên kết vùng hiện nay chưa xây dựng được chuyên môn hóa, dẫn tới sự cạnh tranh lẫn nhau, không xây dựng được xúc tiến thương mại cho vùng mà chỉ manh mún mạnh tỉnh nào tỉnh đấy làm.

Ngoài ra, chúng ta còn thiếu chế tài và không đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động cho Ban chỉ đạo kinh tế vùng, không có thực quyền cả về quyền hành chính và quyền phân bổ nguồn lực”.

Đức Thành