|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia CIEM dự báo tăng trưởng GDP 2024 có thể đạt cao nhất 6,48%

12:24 | 15/01/2024
Chia sẻ
Theo các chuyên gia từ CIEM, năm 2024 tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng từ 6,13 - 6,48%. Trong đó, kịch bản GDP tăng cao đạt được khi cải cách thể chế được thực hiện mạnh mẽ, vốn FDI giải ngân tăng 5%, tín dụng tăng trưởng 16%....

Sáng 15/1 đã diễn ra Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức. Công bố tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế CIEM đã đưa ra hai kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

 

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1, và 6,48% trong kịch bản 2.

Trong kịch bản 1, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải, GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2024...

Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD của các ngân hàng thương mại được CIEM dự báo tăng 1,5%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 9%, tín dụng tăng trưởng 15%, giá nhập khẩu hàng hóa giảm 2%.

Bên cạnh đó các yếu tố khác như: Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết giữ nguyên so với năm 2023. Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 2%, vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 3%. Giải ngân chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN ở mức 677.349 nghìn tỷ đồng.

Với kịch bản 2, các giả thiết được giữ nguyên hầu hết như trong Kịch bản 1, chỉ điều chỉnh: GDP của thế giới tăng 3,2%, tổng phương tiện thanh toán tăng 10%, tín dụng tăng trưởng 16%, giá nhập khẩu hàng hóa giảm 5%, tỷ giá VND/USD của NHTM tăng 2%.

Cải cách môi trường kinh doanh được đẩy mạnh, tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo,...), qua đó cải thiện niềm tin của nhà đầu tư: vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5% và cải cách thể chế mạnh mẽ giúp tăng chất lượng tăng trưởng, trong đó có năng suất lao động. Từ đó GDP sẽ tăng trưởng tốt hơn và đạt khoảng 6,48%.

Vị chuyên gia từ CIEM cũng cho biết, xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong kịch bản 1 và tăng 5,19% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD, lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.

Ông Dương cũng cho biết, Việt Nam bước vào năm 2024 với khá nhiều kỳ vọng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội đã phục hồi khá tích cực trong năm 2023 và yêu cầu phải thúc đẩy tăng trưởng nhanh để tạo nền tảng cho việc thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn bủa vây, kéo dài từ các năm trước như xung đột Nga - Ukraine, hệ lụy kéo dài của dịch bệnh COVID-19, xu hướng thắt chặt tiền tệ,…và những vấn đề mới như: Xung đột ở dải Gaza, biến động của dòng vốn đầu tư nước ngoài trước khi Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu đi vào thực thi từ năm 2024 khiến nền kinh tế đứng trước thách thức lớn.

Toàn cảnhHội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”. (Ảnh: Hạ An).

 

 

Còn theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2024 còn nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Tuy nhiên, nếu duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế, kinh tế Việt Nam có thể tự tin về khả năng có những kết quả tích cực trong thời gian tới. Việt Nam không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế.

Các động lực ấy đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng. Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ; trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn,… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ.

Theo bà, nhiều chuyên gia đã kiến nghị về việc tăng cường mở rộng tài khóa - tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế cũng dựa trên đánh giá về cải thiện nền tảng về chất lượng thể chế và năng lực cải cách - điều hành kinh tế vĩ mô.

"Nếu duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế, kinh tế Việt Nam có thể tự tin về khả năng có những kết quả tích cực trong thời gian tới", bà Minh nói.

 

Hạ An