CIEM dự báo 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024
Tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam (VEP) với chủ đề “Khoa học công nghệ thúc đẩy sự thịnh vượng – Cơ hội cho Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 6/12, ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế (CIEM) nêu 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2024.
Theo đó, ở kịch bản thấp, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 5,5%, kịch bản cơ sở được đánh giá là kịch bản dễ xảy ra nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo đạt 6% và kịch bản cao là 6,5%.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cảnh báo về bẫy thu nhập trung bình. Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) Ramla Khalidi nhấn mạnh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi năng lượng và những thay đổi trong chiến lược địa chính trị đã tạo ra những cơ hội lịch sử, để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế, thâm nhập các thị trường mới, duy trì tăng trưởng năng suất ở mức thu nhập cao hơn, tránh được bẫy thu nhập trung bình.
Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP cũng chỉ rõ, có rất ít quốc gia lọt vào nhóm thu nhập cao kể từ sau Thế chiến II: “Chỉ 10 trong số 151 quốc gia không xuất khẩu dầu mỏ đạt mốc thu nhập 20.000 USD bình quân đầu người/năm. Nhiều quốc gia đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhưng ít quốc gia duy trì đà tăng trưởng đủ lâu để thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ”.
Phân tích nhiều trường hợp điển hình, ông Jonathan Pincus cho biết, Việt Nam đã duy trì tăng trưởng từ năm 1990 và vẫn duy trì tính cạnh tranh, nhưng là ở những lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động.
“Hầu hết các quốc gia đều trải qua tình trạng giảm năng suất khi đối mặt sự cạnh tranh cả trong lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động và thâm dụng tri thức (bị chèn ép bởi các nước nghèo hơn và giàu hơn). Các nước thành công đều đã đầu tư mạnh cho trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước. Mối quan hệ với các công ty sản xuất cuối chuỗi cung ứng rất quan trọng. Trong khi đó, cộng đồng khoa học của Việt Nam cũng là một lợi thế so sánh tiềm tàng”, ông Jonathan Pincus nhấn mạnh.