|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ bất thường Eximbank: Thông qua chuyển trụ sở, miễn nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Ngô Tony

13:00 | 28/11/2024
Chia sẻ
Tại đại hội lần này, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ đã không thể thông qua việc sửa đổi điều lệ và chấm dứt đầu tư trụ sở chính ở TP HCM.

Sáng nay (28/11), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 tại Hà Nội, với nhiều nội dung quan trọng như chuyển trụ sở, miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT. 

Tính đến 8h45, tổng số 209 cổ đông tham dự với hơn 985 triệu cp có quyền biểu quyết, tương đương tỷ lệ 52,9%. Đại hội đã đủ điều kiện tiến hành. Đến 9h22, số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham gia đại hội đã lên đến gần 1,7 tỷ cổ phiếu. 

Mở đầu phiên họp, Eximbank đã giới thiệu Ban Chủ tọa ĐHĐCĐ bất thường bao gồm: ông Nguyễn Cảnh Anh, Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng Giám đốc và ông Trần Tấn Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT. Trong đó, ông Nguyễn Cảnh Anh giữ vai trò Chủ tọa phiên họp.  

Toàn cảnh ĐHĐCĐ bất thường Eximbank. (Ảnh: H.T).

Lúc 9h40, Eximbank đã trình ĐHĐCĐ tờ trình bầu thành viên Ban Kiểm phiếu ĐHĐCĐ bất thường gồm 4 thành viên. Ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT độc lập được đề nghị giữ vị trí Trưởng ban Kiểm phiếu. Kết quả biểu quyết tại đại hội có 59,21% cổ đông tham dự đồng ý, 40,75% không đồng ý. Danh sách ban kiểm phiếu đã được thông qua. 

Lúc 10h00, Ban Chủ tọa đã trình chương trình ĐHĐCĐ bất thường. Kết quả biểu quyết cho thấy 1.024 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 59,21% đồng ý với chương trình; 705 triệu cp, tương đương 40,75% phản đối. Chương trình đại hội được thông qua.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, quyền Tổng Giám đốc Eximbank, tại đại hội thường niên năm 2024. (Ảnh: Eximbank).

Tại Đại hội, ông Nguyễn Hoàng Hải đã trình bày 4 nội dung: Báo cáo của HĐQT về kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2024; Tờ trình của HĐQT về thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank, Tờ trình của HĐQT về sửa đổi điều lệ phù hợp với nội dung thay đổi trụ sở chính và Tờ trình của HĐQT về chấm dứt đầu tư Trụ sở chính tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM. 

Sau đó, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc, đã trình bày Tờ trình của HĐQT về xử lý kiến nghị nhóm cổ đông và Báo cáo của HĐQT về xử lý kiến nghị nhóm cổ đông. 

Thông qua chuyển trụ sở, miễn nhiệm Trưởng Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT

Đến 13h cùng ngày, sau khi tổng hợp kết quả biểu quyết, ĐHĐCĐ Eximbank đã thông qua tờ trình về việc thay đổi địa điểm Trụ sở chính với 1.016 triệu cp, tương ứng 58,73% cổ đông tán thành; 713 triệu cp phiếu hay 41,23% phản đối. 

Tuy nhiên, hai tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ phù hợp với nội dung thay đổi địa điểm đặt Trụ sở chính và chấm dứt chủ trương đầu tư Trụ sở chính Eximbank tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm đã không được thông qua. Tỷ lệ tán thành của cả hai tờ trình đều là 58,73% và phản đối là 41,23%.

Do là vấn đề quan trọng, hai nội dung này cần được số cổ đông đại diện trên 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết chấp thuận để được thông qua. Những tờ trình còn lại chỉ cần trên 51% tổng số tổng số cổ phần có quyền biểu quyết chấp thuận để được thông qua

Với tờ trình miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của ông Ngo Tony, tỷ lệ đồng ý là 53,85% (tương ứng 932 triệu cổ phiếu); phản đối là 40,74% (tương ứng 705 triệu cp). Ngoài ra, có 5,36% cổ đông (tương ứng 93 triệu cổ phiếu) không đưa ra ý kiến. 

Với tờ trình miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú, tỷ lệ đồng ý là 53,85% (tương ứng 932 triệu cổ phiếu); phản đối là 41,23% (tương ứng 713 triệu cp). Ngoài ra, có 4,87% cổ đông (tương ứng 84 triệu cổ phiếu) không đưa ra ý kiến.  

Do chỉ cần trên 51% cổ đông chấp thuận, tờ trình về việc miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát của ông Ngo Tony và thành viên HĐQT của ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú đã được thông qua. 

Lý do chuyển trụ sở: Khách hàng không tăng trong 10 năm

Một cổ đông đặt câu hỏi cho ban Chủ tọa về  lý do của việc chuyển trụ sở chính hiện nay? Có ảnh hưởng đến quyền lợi nhân viên ngân hàng phía Nam không?.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng Giám đốc Eximbank cho biết: "Eximbank hoạt động tại TPHCM năm thứ 35, và không tăng lượng khách hàng trong 10 năm. Trong khi ngân hàng khác đã tăng trưởng và đi khắp mọi miền tổ quốc.

Chúng tôi mong muốn đưa thương hiệu Eximbank phủ kín toàn quốc. Tăng độ nhận diện thương hiệu miền Bắc, phát triển các mảng kinh doanh, logistics, hạ tầng, không riêng tài chính".

Theo ông các công tác đã phát triển tại miền Nam đã đến đoạn bão hòa, cần cố gắng duy trì và mở rộng ra miền Bắc. Eximbank mong muốn ngành nghề mới để theo kịp ngân hàng bạn trong ít nhất ba năm nữa, không chỉ dừng lại ở 2,4 triệu khách hàng.

"Dời trụ sở chính ra Hà Nội là nhân đôi nhân sự, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Còn ai có tâm địa xấu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi Eximbank sẽ tự động loại bỏ", ông Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, thị trường có nhiều thông tin lan truyền vô cớ, gây tâm lý không tốt cho cán bộ Eximbank, tạo ra thiệt hại có thật đã được ghi nhận. Eximbank đang nhờ cơ quan có thẩm quyền xác định thiệt hại và ai gây ra. Mong cổ đông tin tưởng cơ quan pháp luật, Quyền Tổng Giám đốc cho biết thêm .

"Đối với dự án tại Số 7 Lê Thị Hồng Gấm với tổng mức đầu tư 3 - 4.000 tỷ đồng, chúng tôi chọn phương án tốt hơn là kinh doanh trước khi nghĩ đến thương hiệu. Do đó tạm dừng xây trụ sở chính tại đây", ông thông tin.

Về chi phí đã đầu tư vào Lê Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch Trần Tấn Lộc cho biết, chi phí liên quan xây dựng số 7 Lê Thị Hồng Gấm trước đây thuộc các nhiệm kỳ HĐQT trước.

Nếu dời trụ sở và không tiếp tục xây dựng thì HĐQT sẽ rà soát hồ sơ với đối tác thời gian qua, nếu phát sinh chi phí sẽ thương lượng mức chi phí hợp lý nhất, tránh tổn thất cho Ngân hàng. Trường hợp có gây ra tổn thất sẽ tính toán và xử lý theo quy định pháp luật dù chủ quan hay khách quan.

Ba nhân sự bị miễn nhiệm phát biểu ý kiến

Đến phần thảo luận, Thành viên HĐQT Nguyễn Hồ Nam ý kiến Eximbank là ngân hàng hoạt động đặc thù, chỉ ghi ý kiến của cổ đông bằng giấy và Ban Chủ tọa trả lời thì sẽ khiến đại hội trở nên “khiên cưỡng”.

“Có ba nhân sự bị đề nghị miễn nhiệm, ảnh hưởng đến uy tín, quyền cổ đông, nên phải để cho ba nhân sự đó được quyền phát biểu. Trên thông tin đó, ĐHĐCĐ bỏ phiếu, tránh thông tin một chiều. Nhóm cổ đông 5% đưa ra đề xuất đó, nhưng bản thân tôi đại diện hơn 10% vốn và đây là quyền bất khả xâm phạm”, ông Nam nói. 

Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh cho biết cần tuân thủ chương trình Đại hội, theo đó dành 10 phút ghi phiếu ý kiến, sau đó mới tổng hợp và sau đó có trao đổi. 

“Ở đây đều là cổ đông, đại diện cho những cổ đông khác nhau. Chúng ta sẽ thể hiện quyền cho cổ đông thông qua lá phiếu, tuân thủ chương trình Đại hội”, ông Anh.

Đáp lại, ông Nam cho biết nhóm cổ đông 5% đưa ra đề xuất miễn nhiệm ba thành viên rất quan trọng trong ngân hàng. Cho nên, 95% cổ đông còn lại có quyền lắng nghe chia sẻ của các cổ đông này, thay vì tờ trình hời hợt. Ông Nguyễn Cảnh Anh cho biết cần chờ 15 phút cho đến khi các cổ đông khác viết ý kiến. 

Ông Nguyễn Hồ Nam: Loại bỏ người dám nói chính kiến ra khỏi HĐQT sẽ là một tiền lệ rất nguy hiểm

Phát biểu trước cổ đông, ông Nam cho biết mình bị bất ngờ trước đề xuất bãi nhiệm từ nhóm cổ đông nắm 5%  cổ phần.

"Khoảng 5 - 6 ngày trước đại hội, có nhóm cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần gửi đề xuất bãi nhiệm tôi. Thông tin là do tôi chỉ tham gia 36/38 cuộc họp. Sau đó tôi đã giải trình rất rõ với HĐQT là do hai cuộc họp thông báo tổ chức ít hơn 5 ngày và tôi ở nước ngoài nên không về kịp", ông nói.

"Sau đó, tôi đã có ủy quyền cho chị Tú tham gia biểu quyết và lấy ý kiến bằng văn bản. Cho nên, về việc dùng lý do 36/38 lần tham dự để bãi nhiệm tôi rất khiên cưỡng, vi phạm điều Luật TCTD", ông Nam cho hay.

Theo ông, HĐQT sau khi nghe giải trình cũng không có thẩm tra. Việc này sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Eximbank. Ngân hàng là một định chế tài chính, doanh nghiệp phục vụ lợi ích không chỉ cho cổ đông mà còn cho nền kinh tế, quốc gia, thể hiện sự minh bạch cho quốc gia.

"Do đó, việc sử dụng một nội dung, diễn giải không tuân thủ về pháp luật để trù dập, loại bỏ những người dám nói chính kiến ra khỏi HĐQT sẽ là một tiền lệ rất nguy hiểm, ông nhấn mạnh. "Trong quá trình làm việc ở Eximbank, tôi luôn nỗ lực, hợp tác trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật. Kính mong ĐHĐCĐ cân nhắc việc này trước khi bỏ phiếu". 

Bà Lương Thị Cẩm Tú: Việc bị xem xét miễn nhiệm ở đây liên quan đến nhóm lợi ích

Phát biểu trước cổ đông, bà Tú khẳng định xét theo Luật TCTD, bà không thuộc diện bị xem xét miễn nhiệm.

"Tôi tham gia đầy đủ, không vi phạm việc 'không tham gia họp liên tục 6 tháng'. Thông thường, khi nghỉ hoặc có 4 lần vắng mặt, là do tôi đi công tác nước ngoài, đã có báo cáo HĐQT và ủy quyền lại cho người giúp điều hành ngân hàng", bà nói.  

Ngoài ra, bà cho biết việc có ủy quyền hay không ủy quyền là do bà quyết định. Còn về vấn đề biểu quyết, có thể do đi nước ngoài sóng điện thoại không ổn định nên đã bỏ qua một số trường hợp. 

"Tôi vẫn tham gia rất thường xuyên với tỷ lệ trên 90%, không thể nói không tham gia được", bà Tú nhấn mạnh. 

Đồng thời, bà cho biết là cổ đông sở hữu cá nhân trên 1% và cũng đại diện cho nhóm cổ đông trên 10% tham gia Eximbank từ 2018 đến nay.

"Tôi từng tham dự hai nhiệm kỳ và duy nhất ở lại từ nhiệm kỳ VI. Trong năm 2022, tôi đã có những đóng góp, phát triển lại ngân hàng theo đúng định hướng hoạt động thanh toán quốc tế đúng nghĩa. Năm đó, chúng ta cũng có chia cổ tức, cho thấy sự khởi sắc của ngân hàng trong năm 2022. 

Hiện tại, bản thân tôi đang là vai trò Chủ tịch Ủy ban quản lý rủi ro Ngân hàng. Tuy nhiên, việc bị xem xét miễn nhiệm vấn đề ở đây liên quan đến nhóm lợi ích, trù dập những người sẵn sàng lên tiếng. 

Có dấu hiệu một số thành viên cố tình trì hoãn công tác quản lý rủi ro, dẫn đến thiếu minh bạch, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Do đó, những đề nghị này vi phạm luật nhưng vẫn được đưa ra xem xét tại Đại hội. Đề nghị quý cổ đông cân nhắc”, bà Tú nói.

Ông Ngo Tony: Eximbank đang đối mặt với ba vấn đề lớn

Ông Ngo Tony thông tin rằng trong quá trình làm việc, nhờ phát hiện rủi ro đã giúp tiết kiệm cho ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng.

“Tuy nhiên, trong thời gian giám sát 10 tháng đầu năm 2024, tôi thấy rằng bên cạnh các mặt đã đạt được, Eximbank vẫn phải đối mặt với ba vấn đề lớn. Thứ nhất, chất lượng tài sản giảm sút. Thứ hai là cấp tín dụng mới có một số việc cần phải bàn và cuối cùng gia tăng một số hoạt động có rủi ro cao.

Việc cấp tín dụng thể hiện qua một số vấn đề như nợ xấu, nợ quá hạn, nợ có khả năng mất vốn. Vấn đề này tôi đã nhiều lần đề cập với Ban Điều hành, HĐQT nhưng chưa nhận được hành động nghiêm túc khắc phục" ,ông cho biết.

"Do đó, cá nhân tôi đã có thư kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng với mong muốn, làm rõ dấu hiệu, rủi ro làm sao có giải pháp đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, tôi bất ngờ khi nhận được đề nghị của nhóm cổ đông 5% đề nghị miễn nhiệm tôi. Tôi muốn hỏi căn cứ nào xác minh tôi lạm dụng chức quyền gây ảnh hưởng nặng nề đến Eximbank? Căn cứ đó có kết luận của cơ quan chức năng trước khi đưa vào nội dung miễn nhiệm tôi hay không?", Trưởng Ban Kiểm soát Eximbank nhấn mạnh. 

Ngoài ra, ông Ngo Tony cho biết sau khi gửi thư đến cơ quan chức năng trong thời gian chờ đợi điều tra, kết luận thì không hiểu vô tình hay cố ý, HĐQT lại đồng ý đưa tờ trình miễn nhiệm ông vào nội dung họp.

Chủ tịch giải thích cơ sở miễn nhiệm Trưởng Ban Kiểm soát, thành viên HĐQT

Sau đó, Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh đã nêu cơ sở pháp lý đưa tờ trình miễn nhiệm thành viên HĐQT, Trưởng Ban Kiểm soát.

Theo ông, ngày Eximbank đã nhận được văn bản kiến nghị của nhóm cổ đông trên 5% đề nghị bổ sung tờ trình miễn nhiệm Trưởng Ban Kiểm soát Ngo Tony, đồng thời đề xuất miễn nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú khỏi vị trí thành viên HĐQT.

Căn cứ Luật TCTD, quy chế nội bộ Eximbank, cổ đông nắm trên 5% có quyền đưa kiến nghị vào chương trình họp trước ba ngày làm việc. Người triệu tập họp là HĐQT chỉ được từ chối khi vấn đề kiến nghị thuộc thẩm quyền.

Theo ông Anh, các kiến nghị đều được lập thành văn bản, gửi trước ít nhất ba ngày. Vấn đề cổ đông đưa ra là miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát hoặc HĐQT thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ, do đó HĐQT đã đưa nội dung  trên vào chương trình họp bất thường.

Việc thông qua nghị quyết HĐQT chỉ là chấp thuận đưa nội dung vào chương trình họp chứ không làm mất tư cách HĐQT hay Ban Kiểm soát của các thành viên.

“Nếu HĐQT không đưa kiến nghị đã đáp ứng điều kiện vào họp là vi phạm pháp luật. ĐHĐCĐ mới có thẩm quyền miễn nhiệm hay không các nhân sự có liên quan. Khi đã nghe chia sẻ, ý kiến từ các bên, đề nghị cổ đông cẩn trọng, đưa ra biểu quyết. Đề nghị cổ đông thông qua phiếu biểu quyết để thể hiện ý chí cổ đông”, ông nhấn mạnh. 

NỘI DUNG TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI

Chuyển trụ sở ra dự án của Gelex

Tại đại hội, Hội đồng quản trị (HĐQT) trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua việc chuyển đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ Tầng 8, Văn phòng số L8-01-11+16 Toà nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM sang địa chỉ mới là số 27 – 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. 

Được biết, địa chỉ trụ sở mới của Eximbank tại Hà Nội thuộc dự án phức hợp bao gồm văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ cho thuê và khách sạn sang trọng thuộc chuỗi Fairmont Hanoi Hotel, đang được Gelex đầu tư trên diện tích gần 1 ha với 241 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. 

Eximbank xác định, miền Bắc là thị trường còn nhiều dư địa để khai phá. Tại ngày 30/9/2024, mạng lưới hoạt động của ngân hàng gồm 215 chi nhánh, phòng giao dịch trải dài từ Bắc vào Nam.  

Tổ hợp khách sạn dịch vụ thương mại văn phòng cho thuê tại 27 – 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP HN, dự kiến đi vào hoạt động toàn bộ trong năm 2025. (Ảnh: Hoàng Huy).

“Việc chuyển trụ sở chính của Eximbank ra quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là bước đi chiến lược để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động và không ngừng vươn xa, nhằm đáp ứng với sự vận động thay đổi của thị trường cũng như giúp thực thi chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả”, Eximbank cho biết. 

Ngoài ra, HĐQT cũng sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua về việc chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng Trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, ngân hàng từng có kế hoạch chuyển trụ sở từ Tầng 8, tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM sang tòa nhà Văn phòng (Fideco Center) tại số 28 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM. Tuy nhiên, tờ trình này không được đại hội đồng cổ đông thông qua.  

Miễn nhiệm Trưởng Ban Kiểm soát và hai thành viên HĐQT

Hai nội dung quan trọng khác dự kiến được trình ĐHĐCĐ bất thường là việc miễn nhiệm Trưởng Ban Kiểm soát Ngo Tony cũng như hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú. 

Cụ thể, ngày 29/10, một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% tổng số cổ phần phổ thông của Eximbank kiến nghị HĐQT ngân hàng bổ sung nội dung miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát với ông Ngo Tony vào chương trình và nội dung cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024. 

Được biết, ông Ngô Tony được bu làm Trưởng Ban Kim soát Eximbank, thành viên chuyên trách vi s đồng thun tuyđối vào tháng 2/2022hiện ông không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu EIB nào. 

Tờ trình nêu rõ, ông Ngô Tony đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ ngân hàng Eximbank và quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát ngân hàng, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của cổ đông. 

Trước đó, trên các mạng xã hội có lan truyền hình ảnh được cho là của Ban Kiểm soát có ghi nội dung "Đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank" (chỉ có 1 trang đầu và không có chữ ký, không có con dấu).

Tuy nhiên, ngay sau đó ngân hàng khẳng định tài liệu lan truyền trên mạng xã hội nêu trên không phải là văn bản của Ban Kiểm soát Eximbank và không xuất phát từ ngân hàng. 

Sau khi HĐQT Eximbank đưa đề xuất này vào nội dung trình ĐHĐCĐ, một nhóm cổ đông khác cũng có kiến nghị loại bỏ nghị quyết và nội dung thảo luận miễn nhiệm ông Ngo Tony. Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo xử lý kiến nghị với nhóm cổ đông trên, HĐQT Eximbank cho rằng không có cơ sở để hủy những nghị quyết, nội dung trên ra khỏi chương trình họp.

Ngoài ra, nhóm cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần tại Eximbank cũng có kiến nghị miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam. Lý do được đưa ra là hai lãnh đạo này không tham dự đủ các cuộc họp của HĐQT và những lần lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản. 

H.T - Minh Quang