|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quyền TGĐ Eximbank: Đổi trụ sở vì suốt 10 năm không tăng lượng khách hàng, bỏ ngỏ câu trả lời về số tiền đã đầu tư vào phương án cũ

16:25 | 28/11/2024
Chia sẻ
Theo các lãnh đạo Eximbank, việc chuyển trụ sở ra miền Bắc là nhằm khai phá thị trường mới, tận dụng cơ hội, mở rộng lĩnh vực kinh doanh trong bối cảnh khu vực phía Nam đã bão hòa.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank. (Ảnh: H.T).

Chuyển trụ sở vì khách hàng 10 năm không tăng

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024, một nội dung được nhiều cổ đông quan tâm là vấn đề chuyển trụ sở chính. Một cổ đông đã đặt câu hỏi cho Ban Chủ tọa về lý do chuyển trụ sở chính và ảnh hưởng của quyết định đến lợi ích người lao động khu vực phía Nam.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông, ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng Giám đốc Eximbank, cho biết: “Năm nay là năm thứ 35 Eximbank hoạt động ở khu vực TP HCM và khu vực phía nam. Chúng ta có nền tảng 2,4 triệu khách hàng tối đa và không tăng lên trong 10 năm qua. Trong khi đó, các đối tác, các đơn vị xuất phát điểm thấp hơn Eximbank đã vượt xa rất nhiều”. 

“Nhìn lại, thì tất cả ngân hàng bạn đều cân bằng và phát triển trên mọi miền tổ quốc”, ông giải thích. 

Ngoài ra, Eximbank là Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam chứ không phải Ngân hàng Xuất Nhập khẩu của TP HCM hay của khu vực phía Nam. “Do đó, chúng tôi muốn đưa thương hiệu Eximbank phủ kín toàn quốc”, Quyền Tổng Giám đốc Eximbank khẳng định. 

Theo ông, ngoài việc muốn đưa thương hiệu ra miền Bắc, Eximbank cũng muốn phát triển những mảng sẽ phát triển rất mạnh ở khu vực này trong thời gian sắp tới, không chỉ là ngành tài chính mà còn logistics, vận tải, hạ tầng, dịch vụ khu công nghiệp ….

“Những công tác phát triển ở thị trường miền Nam trong 35 năm qua đã đến một giai đoạn bão hòa và chúng ta cố gắng duy trì”, Quyền Tổng Giám đốc Eximbank giải thích. Còn ở khu vực miền Bắc, đi kèm với chiến lược mở rộng, Eximbank mong muốn đuổi kịp ngân hàng bạn trong 3 - 5 năm tới “thay vì dừng lại ở con số 2,4 triệu khách hàng với một niềm tự hào là chúng ta mạnh, nhưng thực ra không phải thế”. 

Trả lời một cổ đông khác cũng về vấn đề đổi trụ sở, ông Hải thông tin rằng Eximbank đang có 215 đơn vị kinh doanh trên toàn quốc, chủ yếu ở khu vực phía Nam. Miền Bắc đang đóng góp 13,4% so với toàn hệ thống, là một tỷ trong hết sức thấp và hoàn toàn không xứng đáng với tiềm năng của khu vực này, ông nhấn mạnh. 

Ngoài ra, Ban Điều hành Eximbank cũng đã thực hiện đánh giá tiềm năng, khách hàng, hệ sinh thái ở khu vực miền bắc. Còn với việc lấy ý kiến cán bộ công viên về chuyển trụ sở, ông Hải khẳng định mọi quyết sách của ngân hàng đều nhằm lợi ích của người lao động. 

Bổ sung thêm, Chủ tịch HĐQT Trần Cảnh Anh cho biết Eximbank đã thực hiện đầy đủ quy định pháp luật, có những trao đổi với một số cơ quan chức năng. “Các cơ quan đề có sự tôn trọng quyền tự quyết của cổ đông, và đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ”, ông nói. 

Về vấn đề tác động đến nhân sự khi dời trụ sở, quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải thông tin rằng Eximbank đang có 6.300 nhân sự, trong đó 1.890 người làm ở Hội sở TP HCM. 

“Dời trụ sở chính ra Hà Nội là nhân đôi tất cả những khả năng nắm bắt cơ hội của Eximbank tại khu vực miền Bắc. Chúng tôi sẽ không có bất cứ quyết sách nào ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động”, ông nói. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định nhưng người “gây phương hại đến lợi ích của Eximbank” sẽ tự động bị ngân hàng loại bỏ. 

“Ngoài ra, thị trường có nhiều thông tin lan truyền vô cớ, gây tâm lý không tốt cho cán bộ Eximbank, tạo ra thiệt hại có thật đã được ghi nhận. Eximbank đang nhờ sự hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền xác định thiệt hại và ai gây ra để xử lý. Mong cổ đông tin tưởng cơ quan pháp luật”, Quyền Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Tổng mức đầu tư trụ sở số 7 Lê Thị Hồng Gấm là 3.000 - 4.000 tỷ đồng

Tại đại hội, một đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn của Eximbank đề nghị HĐQT thông tin chi tiết hơn về mức chi phí đã đầu tư vào trụ sở tạisố 7 Lê Thị Hồng Gấm và nếu bỏ phương án này thì các khoản đầu tư này sẽ được xử lý như thế nào. 

Tuy vậy, những vấn đề chi tiết để hình dung về lợi ích kinh tế mang lại đối với ngân hàng trong hai phương án này nhằm giúp cho cổ đông có cái nhìn rõ ràng hơn để đưa ra quyết định vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.

Trả lời câu hỏi này,Phó Chủ tịch Trần Tấn Lộc cho biết, chi phí liên quan xây dựng số 7 Lê Thị Hồng Gấm trước đây thuộc các nhiệm kỳ HĐQT trước. Nếu dời trụ sở và không tiếp tục xây dựng thì HĐQT sẽ rà soát hồ sơ với đối tác thời gian qua, nếu phát sinh chi phí sẽ thương lượng mức chi phí hợp lý nhất, tránh tổn thất cho ngân hàng.

“Trong quá trình triển khai HĐQT đảm bảo minh bạch, tuân thủ các quy định. Trường hợp có gây ra tổn thất sẽ tính toán, xác định kỹ nguyên nhân khách quan hay chủ quan, ai gây ra và xử lý theo quy định pháp luật”, ông Lộc nói.

Nói thêm về vấn đề này, Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho biết dự án Trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm có tổng mức đầu hơn 3.000 - 4.000 tỷ đồng.

“Cơ hội kinh doanh sẽ mất với 3.000 - 4.000 tỷ đồng đó và chúng tôi chọn phương án tốt hơn là đặt câu chuyện kinh doanh lên trước câu chuyện thương hiệu”, ông nói. 

Trả lời cho câu hỏi rằng liệu việc chuyển trụ sở có liên quan đến lợi ích của nhóm cổ đông lớn hay không, ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định điều này hoàn toàn không có cơ sở và việc chuyển trụ sở là vì lợi ích của ngân hàng. 

Theo ông, việc chọn trụ sở ở chỗ nào, vị trí nào trung tâm nhất, là nhằm tốt nhất cho quan hệ, phát triển của Eximbank với đối tác, đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước.

Minh Quang

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.