|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 vào trung tuần tháng 1/2024

08:06 | 19/12/2023
Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 28, chiều 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Kỳ họp bất thường xem xét 4 nội dung

Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các hoạt động tại Kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

Thành công của Kỳ họp tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng; sự quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của Kỳ họp; sự nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội; sự tham gia, đưa tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, khách quan diễn biến, kết quả Kỳ họp của các cơ quan thông tấn, báo chí ở cả Trung ương và địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị, tiến hành Kỳ họp.

Theo ông Bùi Văn Cường, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã “quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất” và “giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn...”.

Căn cứ quy định trên, Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đề xuất về thời điểm cụ thể để trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung trên (tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 hoặc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV).

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường phải đáp ứng tiêu chí về tính cấp thiết, phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan, hạn chế tối đa việc trình Kỳ họp bất thường những nội dung có nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đồng thời, cần tính toán để bảo đảm thời điểm tổ chức, quỹ thời gian hợp lý trong Kỳ họp cho các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện văn bản trình Quốc hội thông qua theo đúng quy trình, thủ tục quy định, nhất là những dự án, dự thảo lớn, nội dung phức tạp. Các đại biểu Quốc hội cũng cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến.

Do đó, trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng, sẽ đề nghị trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường các nội dung gồm: xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện; xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).

Về hình thức họp, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong 3 ngày, khai mạc vào ngày 15/1/2024 và chia thành 2 đợt (Quốc hội nghỉ 2 ngày làm việc giữa 2 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua).

Chuẩn bị kỹ lưỡng, vào cuộc quyết liệt

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 6 tiếp tục có nhiều tìm tòi, đổi mới để nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ họp. Quốc hội đã có những quyết sách linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, được cử tri, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Qua đó cho thấy, Quốc hội, Chính phủ đã bám sát vấn đề của cuộc sống, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Mỗi quyết sách, nghị quyết được ban hành tại kỳ họp tạo tiền đề, cơ sở, xung lực để hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ.

Về Kỳ họp bất thường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số nội dung còn phương án khác nhau. Nếu chỉ có vài ngày nghỉ giữa Kỳ họp bất thường để rà soát kỹ thuật với dự án Luật này sẽ gặp khó khăn. Do đó, nên trình thông qua tại Kỳ họp thứ 7 để tập trung nâng cao chất lượng dự án luật, đồng thời cơ quan của Chính phủ hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn phù hợp với chính sách của luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng phải quyết tâm làm cho được để trình Quốc hội xem xét, thông qua hai dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

“Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng và đồng thuận cao thì luật hóa. Cái gì chưa chín, chưa rõ, chưa đồng thuận thì để lại, nhưng không phải toàn bộ luật mà chỉ một vài vấn đề”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói và đề nghị các cơ quan vào cuộc quyết liệt.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã và đang trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện hai dự án luật trên với tinh thần là kịp trình Kỳ họp bất thường vào trung tuần tháng 1/2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nếu chưa xem xét thông qua 2 dự án luật trên, không cần kỳ họp bất thường. Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao yêu cầu: cơ bản hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm nay. Do đó, tinh thần là phải quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, phải có sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng và hết sức quyết liệt mới có thể đảm bảo vì thời gian không còn nhiều.