Đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần để tránh ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, theo báo Tiền Phong.
Theo quy định hiện hành, thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng. Việc tăng giá điện sẽ được thực hiện nếu cơ quan quản lý rà soát, kiểm tra và xác định các chi phí đầu vào khiến giá thành điện tăng từ 3% trở lên.
Trong dự thảo mới, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng/lần xuống 3 tháng/lần.
Đề xuất có thể đảm bảo chi phí không bị dồn tích nhiều, ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đồng thời đưa giá điện thích ứng với biến động các thông số đầu vào theo thị trường. Bộ Công Thương cho biết các bộ, ngành không phản đối khi được lấy ý kiến về điều này.
Trước đó, ngành điện đã có quy định về tăng giá nhưng việc thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ. Từ năm 2017 đến nay, giá điện mới được điều chỉnh 3 lần với mức tăng hơn 6% vào năm 2017; 8,36% vào năm 2019 và giữ nguyên trong suốt 4 năm, đến tháng 5 vừa qua mới tăng thêm 3%.
Bộ Công Thương cho biết việc điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua luôn thấp hơn so với phương án đề xuất của EVN và kết quả rà soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính hoặc chưa được tính đủ vào giá điện.
Liên quan đến đề xuất đề xuất thành lập Hội đồng năng lượng độc lập ngoài EVN nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch, tránh lạm quyền trong điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương cho rằng không cần thiết. Bởi trong những năm qua, việc điều chỉnh giá điện đã minh bạch hơn khi có sự tham gia của các bộ, cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.