Để hàng không Việt Nam sôi động trở lại
Ngành hàng không tê liệt, lượng khách vận chuyển chỉ bằng 1 - 2% trước khi COVID-19 ập đến
Sân bay vắng khách, tàu bay nằm phơi sương, hàng không Việt Nam, một trong lĩnh vực tăng trưởng ấn tượng nhất của nền kinh tế những năm vừa rồi đang trải qua những ngày ảm đạm vì đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu.
Từ cuối tháng 3, các hãng bay Việt đã phải dừng bay quốc tế; sau đó, chỉ thị cách li toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ khiến cho các tuyến bay nội địa cũng chỉ còn khai thác ở mức tối thiểu để kết nối ba thành phố trọng điểm Hà Nội - TP HCM - Đà Nẵng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), giai đoạn từ 1/4 đến nay, lượng hành khách vận chuyển hàng không chỉ bằng 1 - 2% thời điểm trước khi có dịch. Hầu hết đội bay của các hãng hàng không Việt Nam đang phải đậu lại tại các cảng hàng không, không được đưa vào khai thác.
Tác động của đại dịch diễn ra nhanh chóng và như cú đòn đánh trực tiếp vào hoạt động của các hãng hàng không. Doanh thu dần trở về không, trong khi nhiều khoản mục chi phí vẫn phải gánh, việc thua lỗ là điều khó tránh khỏi.
Thiệt hại lớn nhất trong số các doanh nghiệp Nhà nước, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết đã lỗ gần 2.400 tỉ đồng trong quí I, đánh dấu quí đầu tiên thua lỗ kể từ quí IV/2016. Thậm chí, giá trị tuyệt đối của khoản lỗ này còn tương đương với mức lãi cả một năm của hãng hàng không quốc gia.
Báo cáo cho biết Vietnam Airlines đã gặp phải tình trạng mất cân đối dòng tiền, lượng tiền dự trữ 3.500 tỉ đồng từ đầu năm đã cạn kiệt. Ngay từ tháng 3, công ty đã phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn, gia tăng vay ngắn hạn đáp ứng nhu cầu chi tiêu.
Và trong trường hợp dịch bệnh không được kiểm soát sớm, Vietnam Airlines dự kiến dòng tiền có thể thiếu hụt xấp xỉ 15.000 tỉ đồng. Hãng hàng không này cho biết cần sự hỗ trợ từ Nhà nước số tiền 12.000 tỉ đồng, bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.
Trong bức tâm thư gửi đến cán bộ, nhân viên, Tổng giám đốc Vietnam Airlines - ông Dương Trí Thành mô tả: “Cũng như các hãng hàng không khác, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”.
Điều bắt buộc với các hãng hàng không lúc này là làm sao để có thể kiếm được nguồn thu khác thay thế doanh thu vận tải hành khách sụt giảm, tiết chế được càng nhiều chi phí vận hành càng tốt, giữ đồng tiền bên mình để duy trì hoạt động kinh doanh và là nguồn lực phục hồi mạnh mẽ sau dịch.
Được biết, một số tàu bay hiện đại của Vietnam Airlines đã phải lần đầu tiên được tận dụng chở hàng, không có hành khách, không có tiếp viên; hay việc hơn 50% nhân sự hãng bay này cũng đã phải ngừng việc, toàn bộ người lao động giảm lương thậm chí cán bộ từ cấp Ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
Hay như CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) cũng cho biết phải thực hiện nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động kể cả cắt giảm lương phi công, tiếp viên, ban lãnh đạo. Hãng hàng không phân khúc Low Cost Carrier (LCC) đã thực hiện cơ cấu lại đội tàu bay, đàm phán lại điều khoản thương mại với các nhà cung cấp, và tìm cách gia tăng hiệu quả hoạt động...
Chờ giải pháp thiết thực giải cứu ngành hàng không
Trong lúc này, Chính phủ đang xắn tay hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là đối với những doanh nghiệp tuyến đầu chịu ảnh hưởng của COVID-19. Riêng với ngành hàng không, Bộ GTVT đã trình Chính phủ hỗ trợ giá cho các hãng bay.
Bước đầu của kiến nghị này là việc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã thực hiện miễn, giảm giá một số dịch vụ thuộc thẩm quyền cho các hãng hàng không (cả hãng quốc tế và nội địa) đang sử dụng dịch vụ tại cảng.
Theo đó, có 7 loại chi phí thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá gồm: dịch vụ dẫn tàu bay (giảm 50%); dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lí hành lí tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất (giảm 10%); dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng (đối với các hãng dừng bay sẽ miễn 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức độ tối đa theo qui định Nhà nước là 30%). Thời gian thực hiện miễn giảm giá dịch vụ từ 1/3/2020 đến hết tháng 8/2020.
Bộ cũng tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chở khách thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân bổ slot cho các hãng hàng không...
Tuy vậy với việc nhu cầu đi lại của người dân và khai thác các chuyến bay hết sức hạn chế thời điểm này, một số ý kiến cho rằng, chi phí thuê bãi đỗ nên được nghiên cứu cắt giảm cho phù hợp với tình cảnh của các hãng hàng không.
Trong văn bản mới nhất gửi lên Chính phủ, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 23/1/2020 đến 31/12/2020; hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, nếu thời điểm muộn hơn. Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn, thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Các loại thuế gián thu này hiện đang chiếm tỉ trọng lớn trên chi phí nhiên liệu, vốn cấu thành đáng kể trên tổng chi phí hoạt động của các hãng hàng không Việt; do đó nếu được miễn giảm sẽ mang tính hỗ trợ đáng kể giúp các doanh nghiệp này tiết kiệm nguồn lực.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho rằng, cần phải cấp phép cho doanh nghiệp hàng không được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản phải đóng góp ngân sách Nhà nước. Xem xét giảm, tạm hoãn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh cho các hãng hàng không trong cùng giai đoạn nói trên.
Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc; cơ cấu dứt điểm các khoản nợ; kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng. NHNN không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch; các hãng hàng không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; và tiếp tục được cho vay tăng vốn lưu động trong giai đoạn khó khăn này.
Đây được coi như biện pháp mang tính hỗ trợ về mặt dòng tiền, vấn đề mà mọi hãng hàng không đều khó cân đối ở thời điểm này.
Bộ GTVT cũng đề nghị áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay, đi đến với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng, dự kiến từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Một giải pháp khác được trình lên Thủ tướng Chính phủ là cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước qui định khung giá trong thời gian từ 1/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến dịch bệnh. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (ACV, VDO và các doanh nghiệp khác) thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/