|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBSCL chỉ còn trên mực nước biển 0,8m, nguy cơ di tản 12 triệu người

06:54 | 06/09/2019
Chia sẻ
Các nhà khoa học Hà Lan công bố phát hiện rằng ĐBSCL chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m (so với mức 2,6m theo công bố hiện tại), đồng nghĩa với nguy cơ 12 triệu dân vùng đồng bằng này sẽ phải di cư trong 50 năm tới.
 - Ảnh 1.

ĐBSCL có nguy cơ chìm dưới nước trong vài chục năm tới - Ảnh: Grey Line

Dữ liệu mới nhất về tốc độ chìm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Communications ngày 28-8 bởi nhóm nghiên cứu của ĐH Utrecht (Hà Lan), dẫn đầu bởi nhà địa chất Philip Minderhoud.

Sau quá trình nghiên cứu và đo đạc trên thực địa, học giả Minderhoud và các cộng sự phát hiện khu vực hạ nguồn sông Mekong - tức ĐBSCL - thực tế chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được trích dẫn (2,6m).

Với tốc độ chìm hiện nay, nước biển sẽ "xóa" khoảng cách 0,8m này trong 57 năm tới. Điều này đồng nghĩa số người dân chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó (nhóm khoa học Hà Lan ước tính 12 triệu người).

Ông Torbjörn E. Törnqvist, nhà địa chất thuộc ĐH Tulane (Mỹ), nhận xét với đà này, không chỉ khu vực Mekong, các vùng châu thổ trên khắp thế giới cũng có nguy cơ chịu chung số phận. "Tôi chỉ hi vọng phát hiện mới sẽ đánh động mọi người rằng những dữ liệu chúng ta đang có trong tay không đúng với tầm mức của nguy cơ", ông bình luận.

Theo tạp chí Scientific American, ở nhiều quốc gia đang phát triển, người ta đánh giá cao độ của địa hình dựa trên dữ liệu vệ tinh toàn cầu, thiếu các chỉ số đo đạc thực địa; nhưng dữ liệu vệ tinh lại không chính xác khi ước lượng cao độ thẳng của các khu vực trũng.

Vì lý do đó, nhà địa chất Törnqvist bổ sung thêm dữ liệu địa hình không chính xác sẽ dẫn đến dự báo sai về tốc độ chìm của các vùng châu thổ. Ngoài Mekong, hàng chục triệu người ở các vùng đồng bằng như sông Hằng (Bangladesh, Ấn Độ), Irrawaddy (Myanmar)... cũng chịu chung nguy cơ.

Khác với cấu tạo đá của các bờ biển lục địa, các vùng châu thổ được hình thành từ lớp phù sa mềm tích tụ qua hàng ngàn năm, dễ nén và dễ chìm. Tình trạng sụt lún có thể diễn ra nhanh hơn khi các con đập trên thượng nguồn chặn dòng phù sa, hoặc khi nước ngầm, khí đốt... bị rút khỏi lòng đất.

Việc xây dựng hạ tầng đô thị, đường sá... cũng làm giảm lượng nước thấm xuống lòng đất, khiến các túi nước nâng đỡ vùng đất không kịp phục hồi.

Tất cả các yếu tố trên là những gì đã và đang diễn ra ở ĐBSCL trong vài chục năm qua. Một vài khu vực đồng bằng thậm chí đang chìm với tốc độ gần 5cm/năm - thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Thực ra, các dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện từ khá lâu. Cách đây 10 năm, nhà hải dương học người Mỹ James Syvitski (ĐH Colorado) đã đăng tải một công trình nghiên cứu cảnh báo rằng nhiều vùng châu thổ của thế giới sẽ đối mặt với ngập lụt thảm họa trong thế kỷ 21.

Ông Syvitski dự báo dựa trên thông tin thu thập bởi tàu con thoi Endeavour trong một sứ mệnh do đạc địa hình (SRTM) kéo dài 11 ngày vào tháng 2-2000. Khảo sát toàn cầu này được Bộ Quốc phòng Mỹ dùng cho mục đích quân sự nhưng họ cũng chia sẻ cho các nghiên cứu dân sự.

Phúc Long