|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất thêm 45.000 tỉ cho các công trình cấp bách ở ĐBSCL

14:02 | 18/06/2019
Chia sẻ
45.000 tỉ đồng (tương đương 2 tỉ USD) là con số mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư đề xuất phân bổ thêm cho ĐBSCL trong 5 năm tới, nhằm đẩy nhanh các dự án cấp bách ở vùng ĐBSCL.
 - Ảnh 1.

Các đại biểu trong phiên thảo luận về nguồn vốn phát triển ĐBSCL- Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại phiên thảo luận sáng 18-9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu đề xuất và đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc tăng nguồn vốn phân bổ cho ĐBSCL.

Ông Dũng đánh giá thời gian qua, ngân sách trung ương cũng đã có sự quan tâm nhiều hơn cho ĐBSCL nhưng chưa đủ. Bằng chứng ĐBSCL vẫn chưa có cảng nước sâu, chưa có đường sắt, đường thủy phát triển còn manh mún và chủ yếu chỉ khai thác đường bộ.

Từ thực tế đó, ông Dũng cho biết Bộ Kế hoạch - đầu tư đang nghiên cứu đề nghị tăng thêm 45.000 tỉ đồng nữa trong 5 năm tới cho ĐBSCL. Con số này tương ứng khoảng 2 tỉ USD, trong đó 1 tỉ USD chi từ ngân sách và 1 tỉ USD từ nguồn huy động khác.

 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Chúng ta sẽ có cơ chế riêng cho nguồn vốn này để xử lý các dự án cấp bách, chẳng hạn các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cho vùng. Nếu chúng ta cứ đi từ từ như hiện nay, không có một bước đột phá thì rất khó cho ĐBSCL” - ông Dũng nêu ý tưởng.

Ông Dũng cho biết thêm 2 tỉ USD là con số nằm trong ngưỡng tính toán hết sức an toàn, khả thi trong khả năng. Quyền quyết định cao nhất là của Quốc hội. Nếu Thủ tướng và Quốc hội nhận thấy cần một quyết tâm cao hơn, mạnh hơn thì có thể quyết với mức cao hơn.

Theo ông Dũng, Hội đồng quản lý vùng sẽ xác định thứ tự ưu tiên của các dự án, dùng khoản tiền này để thực hiện ngay các dự án. Bên cạnh đó, các khoản vay, các khoản viện trợ không hoàn lại cũng sẽ hòa chung vào nguồn vốn này để tính toán cho các vấn đề của vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Đức Hải - chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội - ủng hộ quan điểm này của ông Dũng và nêu ý kiến: “Tôi cho rằng đây là chương trình trọng điểm quốc gia chứ không chỉ dừng lại ở mức độ công trình trọng điểm quốc gia. 

Vài chục ngàn tỉ không phải là lớn để phát triển cả một vùng có ý nghĩa quan trọng như ĐBSCL. Việc này phải được thúc đẩy ngay từ bây giờ”.

 - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Trần Xuân Hà - thứ trưởng Bộ Tài chính - cũng đồng tình cho rằng việc bố trí vốn hiện chưa đáp ứng nhu cầu của ĐBSCL. Cách thức bố trí vẫn thực hiện theo cơ chế cũ chưa có gì đột phá.

“Trước đây, có ý kiến còn quan ngại về nợ công, tuy nhiên, chúng ta đã có kết quả trong kiểm soát nợ công. Điều đó tạo không gian về tài khóa để có thể huy động nguồn lực nhiều hơn”  ông Hà nói.

Mai Hương