ĐBSCL đang bị chìm dần mỗi năm
Nguy cơ này vừa được các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo địa phương vùng ĐBSCL và cơ quan quản lý chuyên ngành đưa ra cảnh báo tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL.
Khai thác dưới đất quá mức
Các nhà khoa học cho rằng do sụt lún, vùng ĐBSCL sẽ đối mặt với nhiều hệ lụy như mất đất tự nhiên, suy thoái và ô nhiễm nguồn nước, công trình hạ tầng hư hỏng, xói mòn bờ biển, xâm nhập mặn sâu hơn vào đất liền...
Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng hiện nay thì tốc độ sụt lún ở ĐBSCL có thể cao hơn tốc độ nước biển dâng. ĐBSCL đang chìm là thách thức hiện hữu chứ không còn là nguy cơ.
Bộ TN&MT đánh giá khai thác nước dưới đất quá mức là một nguyên nhân gây sụt lún đất (tác động từ con người).
ĐBSCL là một trong các vùng có tiềm năng nước dưới đất lớn nhất Việt Nam, gồm bảy tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố từ vài chục mét đến 500-600 m.
Theo thống kê của Bộ TN&MT, nếu chỉ tính tốc độ lún trên 10 cm tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2005-2017 thì trung bình 1,85 cm/năm với 125 mốc lún, diện tích lún gần 3.2.000 km2, phân bổ ở nhiều tỉnh, thành.
Kết quả quan trắc mực nước dưới đất tại vùng lún trên 10 cm chiều sâu mực nước dưới đất khoảng 12,17 m, trong khi vùng lún 5-10 cm chiều sâu mực nước là 9,6 m.
Điều này thấy rõ nguyên nhân sụt lún và suy giảm nguồn nước dưới đất do hoạt động khai thác quá mức nguồn nước dưới đất của con người.
GS Nguyễn Kim Đan, Giám đốc điều hành GIS HED - một đơn vị nghiên cứu về vấn đề sụt lún ở ĐBSCL, nhận xét: “Có phải ĐBSCL đang có nguy cơ “chết dần” nếu chúng ta không chủ động thích ứng? Bởi nước biển dâng, biến đổi khí hậu ngày càng lớn, các đập thủy điện trên dòng chính… đang đe dọa sinh kế người dân và sự phát triển bền vững của vùng”.
Theo ông Đan, các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng tốc độ sụt lún tại ĐBSCL tăng sau khi chuyển đổi sang đất sử dụng có yêu cầu khai thác nước ngầm.
Cần có đánh giá tổng thể, tìm ra giải pháp để tăng chống chịu cho đồng bằng. Riêng nguyên nhân sụt lún do yếu tố tự nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học là đang có xu hướng giảm dần cho đến khi đồng bằng ổn định.
Một góc Cần Thơ, thành phố trung tâm ĐBSCL và là cửa ngõ hạ lưu sông Mekong. Ảnh: HỒNG HIẾU
Cần giải pháp căn cơ
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đề xuất: Trước mắt đề nghị trung ương sớm triển khai đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước ngọt vùng ĐBSCL để nhanh chóng thay thế nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức ở các đô thị trong vùng.
Khẩn trương quy hoạch và đầu tư hạ tầng cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt để đến năm 2020 chấm dứt khai thác nguồn nước ngầm theo chủ trương của Chính phủ.
Theo ông Hải, trước mắt cần đầu tư các hồ chứa nước mưa ở các vùng phù hợp như U Minh Thượng, U Minh Hạ; đầu tư mở rộng, nạo vét hệ thống kênh, rạch trong các vùng nội đồng để trữ nước mưa.
Ngoài ra cần có chương trình vận động và hỗ trợ nhân dân vùng ven biển chứa nước mưa quy mô hộ gia đình. Về lâu dài, cần triển khai hệ thống cung cấp nước ngọt cho các tỉnh ĐBSCL từ nguồn nước của sông Hậu…
Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT, cho biết có nhiều nguyên nhân gây sụt lún ở ĐBSCL như suy giảm phù sa, hoạt động xây dựng công trình tập trung, khai thác nước dưới đất quá mức.
Tuy nhiên, theo ông Bẩy, quy mô và tốc độ lún còn phụ thuộc vào đặc điểm của từng khu vực cụ thể.
Có khu vực khai thác nước dưới đất quá mức nhưng không bị lún hoặc lún ít hơn so với các khu vực khai thác với mật độ nhỏ hơn; có khu vực không khai thác vẫn bị lún, thậm chí lún cao hơn.
Do vậy, vấn đề sụt lún cần được tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện cho từng khu vực để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Cà Mau hiện sụt lún khoảng 30 cm/năm
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết nhu cầu khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất, sinh hoạt tại tỉnh trung bình trên 150.000 m3/ngày đêm, dự báo đến năm 2020 tăng lên mức 230.000 m3/ngày đêm.
Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm dẫn đến tình trạng sụt lún, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn tài nguyên nước dưới đất.
Ông Hải cũng cho biết theo đánh giá sơ bộ trong kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 về sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau do Viện Địa kỹ thuật Na Uy thực hiện, sự sụt lún đất ở tỉnh Cà Mau trong vòng 15 năm qua ở nhiều nơi có thể 30-70 cm, bình quân khoảng 1,9-2,8 cm/năm.
Trong đó, riêng TP Cà Mau sụt lún khoảng 30 cm trong 15 năm qua. Nếu tiếp tục gia tăng khai thác nước ngầm thì trong vòng 25 năm tới, dự báo sụt lún sẽ lên đến 90 cm. Do vậy, cùng với nước biển dâng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì tỉ lệ diện tích bị ngập của tỉnh Cà Mau càng lớn hơn.