|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ĐBQH: Tính minh bạch của Quỹ bình ổn giá xăng dầu gần như không có

08:54 | 08/11/2022
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội cho rằng việc vận hành và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang thiếu minh bạch, không phát huy được như kỳ vọng, nên bỏ và thay vào đó là các cơ chế điều chỉnh thông qua thuế, phí.

Bàn về Luật Giá sửa đổi chiều 7/11, một số Đại biểu Quốc hội cho rằng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đang thiếu minh bạch nhất hiện nay bởi đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành.

Theo Truyền hình Quốc hội, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho biết khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, giá xăng dầu tăng cao, chúng ta phải xả quỹ BOG ra để bình ổn thị trường xăng dầu trong nước. Tuy nhiên khi xả quỹ BOG, doanh nghiệp kêu lỗ, mà không xả thì đến cuối năm các doanh nghiệp lại báo lãi rất lớn.

"Quỹ này sử dụng như thế nào, tính minh bạch gần như không có", ông Khánh nói.

Đại biểu đặt ra vấn đề liệu có cần thiết phải có quỹ BOG không? Hay để cho xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường hoặc nếu có phải thêm một điều luật công khai minh bạch cụ thể quỹ BOG để nhân dân giám sát.

 Các Đại biểu Quốc hội cho rằng Quỹ BOG chưa phát huy hết tác dụng khi thị trường biến động. (Ảnh: Hoàng Anh)

Tương tự, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng góp ý nghiên cứu bỏ quỹ BOG vì không phản ánh tính chất bình ổn như các loại quỹ bình ổn thông thường. 

Ông An cho rằngxăng dầu là mặt hàng đặc biệt nên cần có chế định đặc biệt để quản lý, không phải can thiệp vào nó một cách phi thị trường mà có thể điều tiết thông qua cơ chế thuế, phí.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai) cho rằng vấn đề của Quỹ BOG hiện nay là cơ chế và cách tổ chức thực hiện.

“Giá xăng dầu phần lớn thuộc về điều hành của Chính phủ, trừ một số vấn đề thuế, phí nhưng phản ứng rất chậm. Nghị định nằm trong tay Chính phủ nhưng khi có vấn đề xảy ra mới trình Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến và kết luận trong vòng 1-2 ngày”, đại biểu Đinh Ngọc Quý nói.

Như vậy theo các đại biểu, việc duy trì Quỹ BOG nên có thời hạn và thời điểm, tiến tới phải vận hành theo thị trường. Cùng với đó, việc điều hành quỹ đòi hỏi linh hoạt, hiệu quả, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý; đề cao tính công khai, minh bạch trước người dân. 

Trước ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị bỏ Quỹ BOG, song Chính phủ đề nghị duy trì thêm một thời gian.

Ông cho hay so với tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu hàng ngày, quy mô quỹ này chỉ một hai ngày là hết. Do đó, việc bỏ quỹ BOG cũng không điều chỉnh được nhiều.

"Như trong thời gian qua, chúng ta đã sử dụng nhiều cách như tăng cường nhập khẩu, giảm các loại thuế (thuế môi trường). Uỷ ban Tài Chính cũng đang đề nghị để xem xét các loại thuế để có thể điều chỉnh giá trong thời gian tới . Trước mắt, sẽ tiếp tục giữ quỹBOG thêm một thời gian", ông Nguyễn Phú Cường nói.

Hoàng Anh