Đẩy mạnh cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu
Nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng
Chỉ thị yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất, mua lại; nhà đầu tư có đủ điều kiện tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, tăng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép thành lập Quỹ tín dụng nhân dân và mở rộng mạng lưới của các ngân hang thương mại; xây dựng và triển khai tiêu chí cấp phép mới đối với một số loại hình tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và các cam kết quốc tế.
Chị thị cũng yêu cầu tập trung triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước bắt buộc trong thời gian qua theo phương án được phê duyệt.
Tổ chức tín dụng không đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, tổ chức tín dụng không có phương án cơ cấu lại khả thi hoặc không thực hiện được phương án cơ cấu lại được phê duyệt sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp can thiệp xử lý của Nhà nước thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại và bằng một số biện pháp khác phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Chị thị nêu rõ, đẩy mạnh cơ cấu lại các ngân hàng thương mại Nhà nước nhằm mục tiêu duy trì vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo bảo đảm sự ổn định trên thị trường tiền tệ và an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Triển khai phương án nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại Nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tăng cường cải thiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động của tổ chức tín dụng; tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý vi phạm sở hữu vốn của cổ đông lớn, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong các ngân hàng thương mại cổ phần.
Quyết liệt xử lý nợ xấu
Tại Chỉ thị này, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng kết hợp triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu với các giải pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tịn dụng; kiên quyết xử lý những tổ chức tín dụng có nợ xấu lớn không tích cực xử lý nợ xấu, không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước không xem xét, chấp thuận mở mới chi nhánh, phòng giao dịch, máy rút tiền tự động, văn phòng đại diện, hạn chế tạm ứng, chia cổ tức, lợi nhuận cho các cổ đông, thành viên góp vốn và áp dụng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với tổ chức tín dụng chưa phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật, không thực hiện đúng kế hoạch xử lý nợ xấu.
Tổ chức triển khai các giải pháp mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời từng bước hình thành thị trường mua bán nợ trên cơ sở minh bạch, làm rõ cơ chế cho sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với quy mô, cơ cấu nguồn vốn và năng lực quản trị rủi ro của Tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng và hạn chế nợ xấu phát sinh; thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước thông báo, trong đó tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Ngoài ra, Chỉ thị cũng nêu rõ, các tổ chức tín dụng cần tập trung rà soát, đánh giá đầy đủ, chính xác thực trạng tình hình tín dụng trong lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao; nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và hạn chế rủi ro tập trung tín dụng; hạn chế tăng trưởng tín dụng trung, dài hạn và cấp tín dụng cho những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.
Cùng với đó, Thống đốc cũng yêu cầu các Tổ chức tín dụng nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về cấp tín dụng, bảo đảm tiền vay, đặc biệt là việc thực hiện các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn theo lộ trình qui định tại thông tư 36/2014/TT-NHNN và thông tư 06/2016/TT-NHNN; thực hiện phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật, bao gồm cả việc trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu đặc biệt.
Nghiêm cấm hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là trong huy động vốn; nghiêm cấm sử dụng các biện pháp vi phạm trần lãi suất, che giấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh.
Tăng cường năng lực thể chế
Tại Chỉ thị này, Thống đốc yêu cầu các đơn vị tham mưu Chính phủ trình Quốc hội hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hỗ trợ tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và tăng cường sự an toàn, ổn định trong hoạt động ngân hàng nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan để tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, bổ sung các quy định để tăng cường xử lý việc sở hữu chéo, ngăn ngừa lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của các Tổ chức tín dụng và các bất cập về pháp lý liên quan khác.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng và hoàn thiện căn bản, đồng bộ khung pháp lý về an toàn hoạt động ngân hàng, thanh tra, giám sát ngân hàng, quản trị và hoạt động của các Tổ chức tín dụng phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu mở cửa thị trường tài chính, quản lý, phát triển hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay; đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi, an toàn hơn cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.