Đầu tư hạ tầng sân bay (Bài 2): Kinh nghiệm thế giới theo phương thức PPP
Đây là bài viết số 2 trong loạt 5 bài viết về định hướng xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cảng hàng không tại Việt Nam mà chuyên gia hàng không, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống đã viết và gửi cho chúng tôi đăng tải.
Cho đến nay chỉ có số liệu nghiên cứu đầy đủ năm 2016 về đầu tư hạ tầng sân bay trên thế giới (theo ACI Inventory of Privatized Airports). Số liệu này cho thấy chỉ 14% sân bay trên thế giới thuộc loại hợp tác công - tư (PPP), nhưng những sân bay này phục vụ 41% lưu lượng hành khách vận chuyển toàn cầu.
Vốn tư nhân chủ yếu hướng đến lợi nhuận với chú trọng về chất lượng phục vụ hành khách nên thị trường thúc đẩy vốn tư nhân vào các sân bay có lưu lượng hành khách lớn và đương nhiên có lãi.
Trong tổng số 614 sân bay hợp tác công – tư trên thế giới, ở Châu Âu có nhiều nhất (266 sân bay, phục vụ 1,44 tỷ hành khách), kế đến là Châu Á - Thái Bình Dương (162 sân bay, phục vụ 1,1 tỷ hành khách), Mỹ Latin – Caribe (153 sân bay, phục vụ 344 triệu hành khách), Châu Phi (19 sân bay, phục vụ 27 triệu hành khách), Bắc Mỹ (9 sân bay, phục vụ 40 triệu hành khách) và Trung Đông (5 sân bay, phục vụ 74 triệu hành khách).
Việc hợp tác công - tư này chủ yếu diễn ra giữa chính quyền địa phương, vùng miền hay quốc gia với các hãng hàng không, các công ty sân bay, các công ty hạ tầng giao thông trong nước và quốc tế có kinh nghiệm về quản lý và điều hành hoạt động sân bay, chứ không phải đơn thuần là nhà đầu tư có vốn.
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy chỉ các sân bay quốc tế có quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh mới có khả năng thu hút đầu tư tư để phát triển, còn các sân bay nội địa qui mô nhỏ khó thu hút đầu tư tư để xây dựng và phát triển vì khả năng có lợi nhuận không cao, thậm chí bị lỗ.
Hình sau đây cho thấy tỷ lệ sân bay ở các khu vực trên thế giới thuộc quyền sở hữu công và sở hữu công – tư. Đa số áp đảo (86%) của 4.300 sân bay trên thế giới thuộc quyền sở hữu công.
Chỉ 14% sân bay trên thế giới thuộc loại hợp tác công - tư, nhưng hình dưới cho thấy những sân bay này phục vụ 41% lưu lượng hành khách vận chuyển toàn cầu. Vốn đầu tư tư nhân chủ yếu nhằm mục tiêu lợi nhuận với chú trọng về chất lượng phục vụ hành khách nên thị trường thúc đẩy vốn tư nhân vào các sân bay có lưu lượng hành khách lớn.
Các nghiên cứu trường hợp điển hình về hợp tác công - tư trong lĩnh vực sân bay đã được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thu thập cho các nước: Brazil, Trung Quốc, Congo, Pháp, Ấn Độ, Jamaica, Jordan, Saudi Arabia, Nam Phi, Mỹ. Riêng 4 nước Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil được nghiên cứu và từ đó có thể nhận xét về kinh nghiệm trên thế giới về đầu tư hạ tầng sân bay như sau:
Thứ nhất, Mỹ là một trong những nước phát triển nhất về giao thông hàng không nhưng lại có rất ít sân bay hợp tác công – tư, hầu hết các sân bay lớn là sở hữu công và không bị thiếu vốn công để phát triển.
Thứ hai, Trung Quốc cũng không có nhiều sân bay hợp tác công – tư và phần lớn vốn tư được huy động từ trong nước.
Thứ ba, Ấn Độ có khá nhiều sân bay hợp tác công - tư rất hiệu quả mà phần lớn vốn tư từ trong nước, chỉ một ít từ Nam Phi (South Africa), Singapore, Đức, Malaysia.
Thứ tư, Brazil có nhiều sân bay hợp tác công – tư với qui mô lớn và phần vốn tư từ nước ngoài rất đáng kể, có sân bay 100% vốn nước ngoài.
Thứ năm, các sân bay quốc tế có qui mô lớn và tốc độ phát triển nhanh mới có khả năng thu hút đầu tư tư để phát triển. Do đó 4 sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam mới có khả năng hợp tác công – tư theo phương thức PPP.
Thứ sáu, các sân bay nội địa qui mô nhỏ của Việt Nam khó thu hút đầu tư tư để xây dựng và phát triển vì khả năng có lợi nhuận không cao, thậm chí bị lỗ. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Ấn Độ về 3 sân bay nội địa Shimoga, Bijapur và Gulbarga dự kiến được xây dựng và hoạt động theo PPP.