|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phát triển sân bay nhỏ ở Việt Nam (Bài 1): Các tiêu chí phân loại

18:13 | 25/10/2022
Chia sẻ
Các sân bay nhỏ ở Việt Nam có sản lượng hàng năm từ dưới 300.000 đến 700.000 lượt hành khách, đường cất hạ cánh 1.200 – 1.600 m, có thể tiếp nhận các loại tàu bay từ 19 chỗ đến dưới 90 chỗ.

Cảng hàng không Cam Ranh. (Ảnh: Song Ngọc). 

Đây là bài viết đầu tiên trong loạt 5 bài viết về phát triển sân bay nhỏ ở Việt Nam mà chuyên gia hàng không, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống đã gửi cho chúng tôi đăng tải.

Sân bay có chiều dài đường cất hạ cánh khác nhau và diện tích khác nhau với quy mô sản lượng rất khác nhau để phù hợp với nhu cầu hàng không của vùng địa lý và dân cư mà sân bay đó phục vụ.

Hình dưới đây cho thấy số lượng sân bay theo chiều dài đường cất hạ cánh ở Mỹ và Châu Âu. Mỹ có gần 11.600 sân bay với đường cất hạ cánh 500 m, có trên 4.500 sân bay với đường cất hạ cánh dài 1000 m, nhưng chỉ có 700 sân bay có đường cất hạ cánh 2000 m.

 

Phân loại sân bay của Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) là theo sản lượng hành khách (HK), sân bay lớn có sản lượng trên 25 triệu HK/năm, sân bay vừa có sản lượng từ 5 triệu đến 25 triệu HK/năm, sân bay nhỏ có sản lượng dưới 5 triệu HK/năm.

Phân loại sân bay của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) là theo kích thước đường cất hạ cánh với số từ 1 đến 4 và theo kích thước máy bay lớn nhất có thể sử dụng sân bay đó với chữ từ A đến F. Sân bay loại 1A là có đường cất hạ cánh ngắn và sử dụng máy bay nhỏ, sân bay loại 4F có đường cất hạ cánh dài và sử dụng máy bay lớn.

Theo phân loại sân bay của ACI, căn cứ vào sản lượng năm 2019 Việt Nam có hai sân bay loại lớn là Tân Sơn Nhất (41,24 triệu HK), Nội Bài (29,31 triệu HK), và hai sân bay loại vừa là Đà Nẵng (15,54 triệu HK), Cam Ranh (9,75 triệu HK), còn lại tất cả 18 sân bay đang hoạt động là loại nhỏ với sản lượng rất khác nhau.

Sản lượng hành khách tập trung ở 4 sân bay lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.

Mặt khác, các sân bay của Việt Nam theo thời gian có khuynh hướng được tăng kích thước đường cất hạ cánh và tăng kích thước máy bay lớn nhất có thể sử dụng sân bay đó. Vì vậy, theo phân loại sân bay của ICAO thì nhiều sân bay nhỏ trở thành loại lớn 4C rất lãng phí vì không phù hợp và vượt quá nhu cầu sản lượng hàng không của các sân bay đó.

Chẳng hạn, sân bay Cà Mau vào năm 1995 có đường cất hạ cánh dài 1.050 m và rộng 30 m, năm 1999 được nâng cấp đường cất hạ cánh dài 1.500 m để đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay ATR 72 và tương đương.

Theo quy hoạch, sân bay Cà Mau đến năm 2020 là cấp 3C có đường cất hạ cánh dài đạt 2.300 m và rộng 35 m để đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay A220, E195 và tương đương với năng suất thiết kế 300.000 HK/năm, rồi đến năm 2030 là sân bay cấp 3C với năng suất thiết kế 1 triệu HK/năm, rồi đến năm 2050 là sân bay cấp 4C với năng suất thiết kế 5 triệu HK/năm.

Trong khi đó, sản lượng thực tế năm 2019 của sân bay Cà Mau chỉ là 37.337 HK, bình quân mỗi ngày có hai chuyến bay với tổng cộng 102 HK.

Tương tự như vậy, sân bay Rạch Giá năm 1979 có đường cất hạ cánh dài 1.170 m và rộng 30 m, năm 2007 được nâng cấp đường cất hạ cánh dài 1.500 m để đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay ATR 72 và tương đương để có năng suất thiết kế là 200.000 HK/năm.

Theo quy hoạch, sân bay Rạch Giá đến năm 2020 là cấp 3C có đường cất hạ cánh dài đạt 1.900 m và rộng 30 m để đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay ATR 72, Fokker 70 và tương đương với năng suất thiết kế 300.000 HK/năm, đến năm 2030 là sân bay cấp 3C với năng suất thiết kế 500.000 HK/năm, rồi đến năm 2050 là sân bay cấp 4C với năng suất thiết kế 2 triệu HK/năm.

Trong khi đó, sản lượng thực tế năm 2019 của sân bay Rạch Giá chỉ là 32.261 HK, bình quân mỗi ngày có 2 chuyến bay với tổng cộng 88 HK.

Phân loại sân bay Việt Nam theo sản lượng

Cách phân loại thực tế nhất và tránh lãng phí là theo nhu cầu sản lượng của vùng địa lý và dân cư mà sân bay đó phục vụ. Đối với Việt Nam, có thể dựa vào sản lượng năm 2019 để phân loại các sân bay toàn quốcnhư sau:

a) Loại 1 là các sân bay loại lớn, có sản lượng khoảng 10 triệu HK trở lên, đó là 4 sân bay quốc tế lớn nhất hiện có: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh .

b) Loại 2 là các sân bay loại vừa hay trung bình, có sản lượng khoảng 1 triệu HK đến 4 triệu HK, đó là 10 sân bay hiện có: Phú Quốc, Cát Bi, Vinh, Liên Khương, Phú Bài, Phù Cát, Cần Thơ, Thọ Xuân, Buôn Ma Thuột, Chu Lai.

c) Loại 3các sân bay loại nhỏ, có sản lượng khoảng 0,3 triệu HK đến 0,7 triệu HK, đó5 sân bay hiện có: Pleiku, Đồng Hới, Côn Đảo, Tuy Hòa, Vân Đồn.

d) Loại 4các sân bay loại rất nhỏ, có sản lượng rất cách biệt với loại 3, chỉ dưới 60 ngàn HK là Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá.

 Cảng hàng không Phú Quốc cuối năm 2021. (Ảnh: Song Ngọc). 

Trong giai đoạn từ nay đến 2030, các sân bay mới xây dựng, mới phục hồi, hay mới đưa vào quy hoạch đều là loại sân bay rất nhỏ có sản lượng thuộc loại rất nhỏ như loại 4, ngoại trừ sân bay Long Thành được thiết kế với sản lượng lớn của loại 1. Có thể dự báo rằng sản lượng tất cả các sân bay đều tăng nhưng khó có trường hợp đột biến, cho nên các sân bay tiếp tục duy trì trong từng nhóm theo 4 loại sân bay nói trên.   

Sân bay có sản lượng 100.000 HK/năm thì chỉ cần đường cất hạ cánh ngắn 1.200 m, tiếp nhận máy bay từ 19 chỗ trở xuống có sải cánh dưới 24 m như Dornier 228, Cessna Skycourier, Beechcraft 1900, Let L-140 Turbolet… với tần suất 16 chuyến/ngày.

Sản lượng có thể tăng lên 200.000 HK/năm khi tần suất là 32 chuyến/ngày. Tương tự như vậy, sản lượng có thể tăng lên 300.000 HK/năm khi tần suất là 48 chuyến/ngày. Sân bay này là loại 2B theo phân loại của ICAO và loại 4 theo sản lượng dưới 300.000 HK/năm.

Sân bay có sản lượng 500.000 HK/năm thì cần đường cất hạ cánh 1.600 m, tiếp nhận thêm máy bay 40–50 chỗ sãi cánh dưới 27 m như Fokker 70, ATR 42-300… với tần 50 chuyến/ngày. Sân bay này là loại 2B theo ICAO và loại 3 theo sản lượng 500.000 HK/năm.

Sản lượng có thể tăng lên 700.000 HK/năm khi tiếp nhận thêm máy bay 70-90 chỗ như máy bay ATR 72-500… với tần suất 50 chuyến/ngày. Sân bay này có chiều dài 1.600 m và tiếp nhận máy bay ATR 72 có sải cánh 27,1 m chỉ lớn hơn 27 m một chút nên tuy là loại 3C theo ICAO, nhưng là vẫn loại 3 theo sản lượng dưới 700.000 HK/năm.

Như vậy, sân bay rất nhỏ là sân bay có sản lượng dưới 700.000 HK/năm, phục vụ nhu cầu vận chuyển của các máy bay nhỏ dưới 90 chỗ. Có thể phân ra ba loại sân bay nhỏ:

- Loại có đường cất hạ cánh 1.200 m, tiếp nhận các máy bay nhỏ 19 chỗ hay ít chỗ hơn, có năng suất loại 4 dưới 300.000 HK/năm. Sân bay này là loại 2B theo ICAO.

- Loại có đường cất hạ cánh 1.600 m, tiếp nhận các loại máy bay dưới 50 chỗ, có năng suất loại 3 dưới 500.000 HK/năm. Sân bay này là loại 3B theo ICAO.

- Loại có đường cất hạ cánh 1.600 m, tiếp nhận các loại máy bay dưới 90 chỗ, có năng suất loại 3 dưới 700.000 HK/năm. Sân bay này là loại 3C theo ICAO.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống