|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dấu trừ thanh khoản

16:12 | 18/05/2018
Chia sẻ
Lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên kể từ năm 2011 đã lên mức 3,07% và nó đang tịnh tiến dần về 3,5% - ngưỡng mà giới tài chính quốc tế nhận định là dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ rời bỏ các thị trường mới nổi để trở về các thị trường phát triển. Đồng đô la Mỹ sẽ còn lên giá so với các đồng tiền chủ chốt của thế giới khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ họp vào tháng 6 tới đây.
dau tru thanh khoan Thị trường to ra, tiền chưa tăng tương ứng
dau tru thanh khoan Tăng trần với thanh khoản gấp chục lần, KSA tạm ngừng giao dịch từ 17/5

dau tru thanh khoan

Trong khi giá vàng đã mất mốc 1.300 đô la Mỹ/ounce, mốc quan trọng mà nó thiết lập kể từ đầu năm nay, thì giá dầu thô lại đang phục hồi về vùng cao nhất của bốn năm qua do những căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, khủng hoảng kinh tế ở Venezuela và OPEC tiếp tục duy trì việc cắt giảm sản lượng. Thị trường chứng khoán Mỹ sau cú rơi vào đầu tháng 2-2018, Dow Jones đã không thể vượt qua mốc 25.000 điểm cho đến nay. Tất cả những diễn biến đó từ thị trường tài chính bên ngoài đã ảnh hưởng không mấy tích cực đến VN-Index trong vòng một tháng rưỡi qua.

VN-Index đã nỗ lực phục hồi cuối tuần trước từ mốc 1.000 điểm với thanh khoản yếu nhờ các cổ phiếu trụ cột như GAS, VIC, PLX, BVH, SAB. VIC đang được giao dịch ở gần vùng giá đỉnh khi VN-Index đạt 1.200 điểm nhờ thông tin hỗ trợ của công ty con là Vinhomes (VHM) sẽ lên sàn ngày 17-5. VHM và VIC sẽ là hai trong số các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường. Khi mức vốn hóa của Vinamilk đang co lại vì lợi nhuận ròng quí 1 của công ty thấp hơn 9% so với cùng kỳ và lợi nhuận quí 2 vẫn còn là ẩn số, thì vai trò kéo lùi hay đẩy lên chỉ số đang phụ thuộc chủ yếu vào VIC và tới đây là VHM.

Thực ra trong những phiên chứng khoán “bình tĩnh lại” mới đây, dòng tiền đã không lan tỏa sang tất cả các nhóm cổ phiếu. Điều đáng lo ngại nhất là thanh khoản cả ba sàn sụt giảm rất mạnh, từ mức 250 triệu cổ phiếu khớp lệnh/ngày trên Hose (không tính giao dịch thỏa thuận), nay đã cận kề 110-120 triệu đơn vị khớp lệnh/ngày, tức chỉ còn phân nửa. Với thanh khoản này, dư nợ cho vay margin đã và đang trở về tỷ trọng hợp lý. Ở lúc cao điểm, dư nợ ký quỹ toàn thị trường đã từng xấp xỉ 40.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh đó có hai điểm không thể không lưu tâm khi quan sát biến động thị trường.

Thứ nhất cổ phiếu ngân hàng, cuối cùng, vẫn chưa thoát khỏi trào lưu giá xuống cho dù BID, CTG, VCB, VPB, MBB... đã giảm khoảng 20% so với giá đỉnh. Những cổ phiếu thị giá thấp như SHB, NVB, LPB thậm chí còn điều chỉnh tới 25%. Sự phục hồi trong một số phiên của nhóm này ngắn và thể hiện cơ hội bán ra hơn là giải ngân. Để hấp thụ hết lượng cổ phiếu ngân hàng còn tồn đọng ở vùng giá cao có lẽ cần thời gian tính bằng tháng chứ không phải tính bằng tuần. Một mức chiết khấu 30-40% của cổ phiếu ngân hàng mới tạo nên độ hấp dẫn đủ chín muồi nhằm thu hút dòng tiền lớn nhập cuộc. Chừng nào cổ phiếu ngân hàng chưa tham gia cuộc chơi trở lại, chừng đó sự phục hồi của VN-Index chỉ mang tính tạm thời và tiềm chứa rủi ro.

Thứ hai với sự xuất hiện của VHM và các nhà đầu tư tổ chức bắt buộc phải có mã này trong danh mục đầu tư do giá trị vốn hóa của nó, VN-Index có thể sẽ biến thiên thất thường và khi thị trường chịu sự chi phối của một số mã, nhà đầu tư sẽ phải kiên nhẫn, bám trụ đồng thời tỉnh táo, mua nhanh bán nhanh. Thị trường sẽ khó nhằn, sẽ lựa chọn nhà đầu tư, thay vì nhà đầu tư lựa chọn thị trường.

Khối ngoại đã có 10 phiên bán ròng liên tục (trừ một phiên họ mua giao dịch thỏa thuận cổ phiếu VIS) và dường như việc bán ra của nước ngoài chưa sớm chấm dứt. Nước ngoài chạy theo các mã vốn hóa lớn và họ còn cơ cấu danh mục đầu tư.

Từ đầu năm đến giữa tháng 5-2018, VN-Index tăng 9% - mức tăng trưởng vẫn còn vượt trội so với gửi tiết kiệm ngân hàng (tiết kiệm sáu tháng hồi đầu năm có lãi suất khoảng 7-7,5%/năm), nhưng không phải sở hữu cổ phiếu nào cũng đạt mức tăng trưởng như vậy. Cuối năm ngoái thị giá VNM ở mức 200.000 đồng/cổ phiếu, nay còn 176.000 đồng, giảm 12%; thị giá MWG tương tự 130.000 đồng và 106.800 đồng, giảm 17,8%; VCB là 55.000 đồng và 58.700 đồng, tăng 6,7% thấp hơn mức tăng của

VN-Index... Ngược lại cùng thời gian trên GAS tăng 18%; CTG tăng 19,4%; BID tăng 38,4%; MSN tăng 20%; HPG tăng 23%; VPB tăng 25%; BVH tăng 57% và nhất là VIC tăng 65%...

Sau sự kiện niêm yết của VHM, tháng 6 sẽ là thời điểm cơ cấu lại danh mục đầu tư của các quỹ ETFs và chốt giá trị tài sản ròng (NAV) nửa đầu năm của các tổ chức. Đây là thời điểm quan trọng, quyết định trong việc nhà đầu tư của các quỹ tăng thêm vốn hoặc rút bớt vốn. Trong trường hợp VN-Index đạt mức tăng trưởng hai con số, vốn ngoại sẽ vào thêm và ngược lại.

Xem thêm

Thành Nam