|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường to ra, tiền chưa tăng tương ứng

15:13 | 17/05/2018
Chia sẻ
Chỉ trong năm phiên giao dịch đầu tháng 5-2018 khối ngoại đã bán ròng 2.327 tỉ đồng trên sàn Hose, theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. Nếu tính cả dữ liệu của UpCom và Hnx, giá trị bán ròng còn lớn hơn nhiều. Nếu chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh (giao dịch thỏa thuận không tác động nhiều đến chỉ số cũng như biến động thị trường), con số bán ròng của nước ngoài trên Hose lên đến gần 3.000 tỉ đồng. Trước đó trong tháng 4 họ đã bán ròng theo giao dịch khớp lệnh hơn 3.000 tỉ đồng. Còn tính từ tháng 2-2018, khối ngoại bán ròng 8.400 tỉ đồng, cao hơn hẳn giá trị mua ròng trong tháng 1 và tháng 2 cộng lại là 5.300 tỉ đồng.
thi truong to ra tien chua tang tuong ung Thị trường chứng khoán 17/5: Nhóm trụ giảm mạnh, VN-Index 'bay' hơn 10 điểm
thi truong to ra tien chua tang tuong ung Thị trường 'đỏ máu', khối ngoại tiếp tục xả mạnh VNM
thi truong to ra tien chua tang tuong ung

Nước ngoài bán ròng khá đều tay. Những phiên thanh khoản thị trường cao, họ bán nhiều, thanh khoản thấp, họ bán chậm lại. Chậm lại thôi chứ không phải là bán ít đi xét về tỷ trọng bán ròng/thanh khoản chung. Tình trạng bán ròng của nước ngoài, rõ ràng, là một chỉ báo đáng e ngại cho VN-Index vì các cổ phiếu bị bán hầu hết nằm trong tốp 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường. Trừ VIC có lực mua đối ứng khá tốt từ phía nhà đầu tư trong nước, còn cầu từ khối nội cho các mã khác đều không thuận lợi. Giả sử VIC cũng giảm ở mức 20-25% kể từ đỉnh khi VN-Index chạm ngưỡng 1.200 điểm như các blue-chips thượng hạng, chỉ số có thể đã mất mốc 1.000 điểm và khó mà bật dậy như trong một số ngày gần đây.

Một trong những lý do khối ngoại bán ròng có thể là họ cơ cấu lại danh mục, chuẩn bị nguồn lực giải ngân cho “tân binh” sẽ lên sàn TPHCM là Công ty Vinhomes (VHM) - một công ty con của Vingroup. Quỹ GIC của Chính phủ Singapore đã mua hơn 5% cổ phần của Vinhomes và trở thành cổ đông lớn. Với giá trị vốn hóa ước tính 13-13,5 tỉ đô la Mỹ theo hãng tin Bloomberg, Vinhomes sẽ trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn thứ ba tại Hose, chỉ sau VIC và Vinamilk. Dù muốn hay không, các tổ chức đầu tư đều phải có cổ phiếu Vinhomes trong danh mục và trong khi chưa có nguồn vốn mới được huy động thêm, các quỹ buộc phải bán ra một phần danh mục hiện hành để có tiền giải ngân VHM.

Tuy nhiên ngoài yếu tố Vinhomes, việc bán ròng của khối ngoại bị chi phối bởi định giá mặt bằng cổ phiếu của Việt Nam quá cao so với một số quốc gia khu vực. Dù đã điều chỉnh, P/E toàn thị trường hiện vẫn đang xấp xỉ 19 lần, cao hơn của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và khi ở mức 1.200 điểm, nó thậm chí cao hơn cả Mỹ. Bên cạnh đó, thị giá cổ phiếu của các mã vốn hóa lớn so với giá trị sổ sách (P/B) cũng không hề thấp. Theo Bloomberg, thí dụ P/B của Vietcombank khoảng 3,5 lần, gần gấp đôi các cổ phiếu tương đương của khu vực. Đây sẽ là điểm khó cho Vietcombank khi đàm phán bán tiếp cổ phần cho nước ngoài. Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết quỹ GIC vẫn rất quan tâm đến việc trở thành cổ đông của Vietcombank song họ tiếp tục lần lữa bắt đầu lại các cuộc thương thảo. Sớm nhất việc đàm phán giữa hai bên có thể khởi động trong tháng 5 này.

Trong khi đó, việc thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp lớn có vẻ như đang không đáp ứng được mong mỏi của giới đầu tư. Việc thoái vốn nhà nước tại GAS đã được khẳng định sẽ không xảy ra trong năm nay. Việc giảm bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở Vinamilk cũng không được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đưa vào kế hoạch năm 2018. Thậm chí việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên và người lao động năm 2018-2019 của Vinamilk cũng chưa được phê duyệt (vì phát hành ESOP sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống dưới 36%). Sự ngưng trệ này khiến cho việc tiếp cận cổ phiếu vốn hóa lớn của nước ngoài bị hạn chế và nó không thể được xem là một tiêu chí thuận lợi cho quá trình nâng hạng thị trường lên mới nổi từ mức cận biên hiện tại.

Khác với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, các tổ chức đầu tư nước ngoài có một tầm nhìn thị trường bao quát, toàn diện và dài hơi hơn nên việc bán ròng của họ khó nhanh chóng chấm dứt một sớm một chiều. Với nhiều mã như VNM, SAB, BID, VCB, BVH, VIC, GAS... số lượng cổ phiếu có thể giao dịch đều nằm trong tay khối ngoại, do đó cần một thời gian nhất định để họ tiêu thụ hết lượng muốn tái cơ cấu.

Khi giải ngân vào các cổ phiếu mới IPO và niêm yết như Vinhomes, Techcombank, VPBank... các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thường nắm giữ một thời gian nhất định, sau đó mới giao dịch, tức một phần vốn của họ đã “ngủ quên”. Để có nguồn tiền giao dịch hàng ngày và đối phó với sự biến động thị trường, họ phải thêm một lần loại bỏ những cổ phiếu “yếu” ra khỏi danh mục. Quá trình sàng lọc này càng được đẩy mạnh một khi những doanh nghiệp tầm cỡ như HVN, ACV, BRS... chuyển từ UpCom về Hose. Thị trường đang ngày một to ra, điều đó là đáng mừng. VN-Index có giữ được sự tăng trưởng và giao dịch sôi động, mà cụ thể là thanh khoản cao, phụ thuộc nhiều vào sự to ra tương ứng của dòng tiền. Nếu thị trường không có tiền mới, kể cả tiền ngoại, VN-Index sẽ co mình lại để chờ và thanh khoản sẽ rút đi.

Hải Lý