Đâu là những ngân hàng sẽ được 'rộng tay' nới room tín dụng đợt cuối năm?
Kể từ khi các lệnh giãn cách dần được nới lỏng sau quý III, nền kinh tế đang cho thấy sự phục hồi, nhu cầu tín dụng bật tăng.
Theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt xấp xỉ 10 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tại thời điểm 7/10, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020.
Như vậy, chỉ trong vòng 3 tuần cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 1,3%, tương đương có khoảng 120.000 tỷ đồng được đẩy thêm ra thị trường.
Theo nhận định của giới phân tích, với kỳ vọng nhu cầu vốn trong nền kinh tế sẽ sớm hồi phục tương ứng với sự phục hồi ở lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng , cùng với tính chất mùa vụ trong những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo vẫn đạt từ 12 - 13%.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng cần được cấp thêm room tín dụng khi chỉ trong 9 tháng đầu năm, nhiều nhà băng đã tiệm cận với hạn mức tín dụng được cấp mới trong quý III.
Như trường hợp của HDBank, đến giữa tháng 9, tăng trưởng tín dụng đã đạt hơn 9%, gần chạm mức trần tín dụng là 10%. Ngân hàng đã xin NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên hơn 25%, sát với mục tiêu được đặt ra trong ĐHCĐ là 26%.
Tương tự, theo số liệu từ Chứng khoán KB (KBSV), tính tới 30/9/2021, một số ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng cho vay khách hàng tốt trong 9 tháng bao gồm Techcombank, TPBank, VIB, LienVietPostBank, MB và MSB. Thậm chí, có những ngân hàng như MB, BIDV và MSB đã vượt hạn mức được cấp thêm.
Trong đó, tăng trưởng mảng trái phiếu doanh nghiêp cũng đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng ở nhiều ngân hàng như Techcombank, VPBank, MB và TPBank.
Ngân hàng nào sẽ được "rộng tay" nới room tín dụng?
Với chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp hồi phục sau giai đoạn COVID-19, Phó Thống đốc Đào Minh Tú từng nhấn mạnh NHNN sẽ sẵn sàng nới room tín dụng để cấp vốn cho nền kinh tế.
Với hạn mức tín dụng đề ra đầu năm là 12% thì vẫn còn dư địa hơn 3% trong hai tháng cuối năm. Đồng thời, con số 12% là linh hoạt, có thể nới rộng hơn nếu lạm phát ổn định, Phó Thống đốc cho biết.
Tuy vậy, việc nới room tín dụng không thể cào bằng. Hai tiêu chí chính để các ngân hàng được xem xét nới room tín dụng đó là chất lượng tài sản và chỉ số an toàn vốn.
Ở đợt nới thêm quý III, Techcombank và TPBank là hai ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) Basel II ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro, đi kèm với đó là cam kết hỗ trợ lãi suất cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo đánh giá của Chứng khoán Yuanta, các ngân hàng có nguồn vốn dồi dào, có năng lực quản trị rủi ro vững chắc, và tuân thủ đúng theo chính sách của NHNN (như tái cơ cấu dư nợ cho vay, hay giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng) có thể sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn.
Những cái tên được Yuanta nhắc đến ở đây bao gồm Vietcombank, MB, Techcombank và MSB.
Với trường hợp của Techcombank, các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) từng nhận định rằng hệ số CAR cao là nền tảng cho tốc độ tăng trưởng mạnh và giúp nhà băng này được phân vào nhóm được nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng cao.
Trong báo cáo gần đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Vietcombank được dự báo có thể được cấp thêm hạn mức tín dụng 2 - 4% nếu cần thiết nhờ việc hỗ trợ nền kinh tế và tỷ lệ CAR trên 10%.
Dư địa hạn mức được nới thêm cũng sẽ ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch lợi nhuận chung trong cả năm, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng đã phải giảm lãi để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, kỳ vọng của các ngân hàng vào đợt nới room này cũng không nhỏ.
Tại buổi gặp gỡ với nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB kỳ vọng sẽ sớm được nâng “room” tín dụng và mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng đến 25% cho cả năm nay.