|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VDSC: Techcombank có khả năng tăng trưởng tín dụng cao sau đại dịch

09:51 | 12/10/2021
Chia sẻ
Chứng khoán Rồng Việt cho biết Techcombank có khả năng tăng trưởng tín dụng cao sau đại dịch nhờ bộ đệm vốn mạnh, chi phí huy động thấp và tỷ lệ nợ xấu thấp nhất ngành.

Theo báo cáo cập nhập Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank - Mã: TCB), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết với bộ đệm vốn mạnh và lãi suất cho vay cạnh tranh nhờ chi phí huy động thấp, Techcombank có khả năng tăng trưởng tín dụng cao. 

Trong các kịch bản xấu hơn của đại dịch có thể tác động lên nợ xấu toàn ngành, các chuyên gia cho rằng Techcombank vẫn có bộ đệm dự phòng tốt nhờ chính sách trích lập thận trọng.

Bên cạnh đó, nguồn thu nhập đa dạng và tập khách hàng cao cấp sẽ là động lực duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong ngắn hạn. 

Tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế năm 2021 ước tính lần lượt là 36.662 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kì) và 23.010 tỷ đồng (tăng 46%), xấp xỉ 1 tỷ USD và cao hơn 16% so với kế hoạch năm của ngân hàng.

Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 39% lên 26.100 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2021 đạt 5.600 tỷ đồng, tương đương tăng 34% và đóng góp 15% tổng thu nhập hoạt động.

Bộ đệm vốn mạnh, chi phí huy động thấp nhờ CASA

Theo VDSC, nhờ thương vụ IPO lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng và chính sách hạn chế chia cổ tức nhằm duy trì nguồn lực tăng trưởng, Techcombank đang sở hữu nền tảng vốn cao so với mức trung bình ngành. 

Cụ thể, nhóm ngân hàng TMCP tư nhân đã áp dụng Thông tư 41 của NHNN (tương đương Basel II) đạt tỉ lệ an toàn vốn bình quân 10,9% tại thời điểm cuối năm 2020. Tỷ lệ này đối với nhóm ngân hàng quốc doanh trên toàn hệ thống là 8,94%.

Trong khi đó, hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) của Techcombank là 16,1%, cao gấp hai lần so với yêu cầu tối thiểu của Trụ cột I Basel II là 8%.

VDSC: Techcombank có khả năng tăng trưởng tín dụng cao sau đại dịch - Ảnh 1.

Nguồn: Techcombank, VDSC.

Các chuyên gia nhận định hệ số an toàn vốn (CAR) cao là nền tảng cho tốc độ tăng trưởng mạnh và giúp Techcombank được phân vào nhóm ngân hàng nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng đầu.

Bên cạnh đó, Techcombank vẫn còn dư địa cải thiện hệ số CAR nhờ kiểm soát hệ số rủi ro bình quân (bằng tổng tài sản có rủi ro trên tổng tài sản). Trước giai đoạn dịch bệnh, hệ số này đã giảm từ mức 106% năm 2019 về gần 100% vào quý I năm 2020 nhờ phân khúc bán lẻ, gián tiếp đưa CAR tăng mạnh. 

Nhóm phân tích cho hay, dựa trên nền tảng vốn dồi dào, kết hợp với chỉ số hiệu quả hoạt động ROA ổn định, Techcombank sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng đầu trong giai đoạn sau đại dịch. 

Đồng thời, bộ đệm vốn cũng sẽ mang lại cho ngân hàng nguồn lực để hấp thụ các cú sốc đến từ thị trường tài sản bao gồm bất động sản trong giai đoạn phục hồi không chắc chắn của nền kinh tế.

Nguồn: Techcombank, VDSC.

Công ty chứng khoán cho biết tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Techcombank đang là 46% (cao nhất ngành), cùng với xu hướng tiền gửi dịch chuyển sang kỳ hạn ngắn (do lãi suất thấp) đang tạo lợi thế chi phí huy động vốn cho ngân hàng.

Báo cáo nhận định mục tiêu tỷ lệ CASA cao hơn 9% so với hiện tại sau 5 năm nữa là khả thi, có khả năng hoàn thành trước thời hạn 1-1,5 năm. Động lực vẫn sẽ đến từ mảng bán lẻ, được hỗ trợ bởi xu hướng gia tăng tỷ lệ CASA phân khúc khách hàng cá nhân của toàn ngành.

Ngoài ra, Techcombank vẫn có các phương án tăng cường bộ đệm thanh khoản bằng nguồn vốn trung và dài hạn. Năm 2020, ngân hàng đã huy động thành công 500 triệu USD nguồn vốn trung dài hạn từ thị trường quốc tế, giúp tối ưu hóa chi phí vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định.

Bộ phận phân tích cho rằng các bước huy động vốn chi phí thấp từ thị trường quốc tế không chỉ giúp Techcombank duy trì mục tiêu lợi nhuận mà còn cải thiện các tỉ lệ chủ lực về thanh khoản, góp phần giảm thiểu rủi ro.

Trong năm nay, VDSC kỳ vọng ngân hàng sẽ huy động thành công thêm 500 triệu USD từ khoản vay hợp vốn trên thị trường quốc tế nhằm tận dụng lãi suất thấp để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn.

Tỷ lệ nợ xấu thấp

VDSC cho biết Techcombank có tỷ lệ nợ xấu thấp, đạt mức 0,47% cuối năm 2020, và giảm còn 0,36% trong quý II/2021. Đây là kết quả của quá trình tăng cường trích lập và tích cực xử lý rủi ro nợ xấu kể từ sau khi tất toán trái phiếu VAMC.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng cũng được kiểm soát một phần nhờ chính sách cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Đồng thời chi phí tín dụng duy trì mức cao so với nợ xấu hình thành nhằm cũng giúp cải thiện bộ đệm dự phòng.

"Nhờ tăng cường trích lập và tích cực xử lý rủi ro nợ nhóm 5, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh đạt 259% vào cuối quý II," báo cáo viết.

VDSC: Techcombank có khả năng tăng trưởng tín dụng cao sau đại dịch - Ảnh 3.

Nguồn: Techcombank, VDSC.

Với việc Thông tư 03 đã được sửa đổi gần đây, các chuyên gia đánh giá nợ tái cơ cấu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm 2021 và 2022. Tuy vậy, áp lực lên trích lập dự phòng đối với Techcombank là không quá lớn khi xem xét phần trích lập tăng thêm (100 tỷ đồng) cho khoản nợ tái cơ cấu hiện nay là 2.700 tỷ đồng.

Nhóm phân tích dự báo tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có thể duy trì dưới 1%  trong những năm tới, dự báo ở mức 0,5% năm 2021 và 0,6% năm 2022. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu sẽ duy trì trên 150%. 

Phương Nga