|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đâu là nhóm cổ phiếu sẽ bứt phá và đón đầu thị trường khi nền kinh tế sớm mở cửa trở lại?

15:08 | 22/09/2021
Chia sẻ
Nền kinh tế có thể phục hồi tích cực nhờ vào các giải pháp liên quan đến vắc xin cũng như hoạt động đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong thời gian tới. Các nhóm ngành như đầu tư công, xuất khẩu, cảng biển... hay nhóm phòng thủ (dược phẩm, bảo hiểm) được cho là sẽ hút dòng tiền và phục hồi nhanh chóng.

Trước việc kiểm soát dịch bệnh ở nhiều địa phương đã có những chuyển biến tích cực, một số hoạt động kinh doanh và dịch vụ đã dần được mở cửa trở lại. Thông tin này đã tạo ra những kỳ vọng tích cực với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ sớm khôi phục hoạt động kinh doanh trở lại sau một thời gian bị ảnh hưởng.

Trên thị trường chứng khoán, các giao dịch vẫn sôi động và ở mức cao, tuy nhiên các nhà đầu tư đã có tâm lý thận trọng hơn. Theo các chuyên gia, về dài hạn GDP của Việt Nam sẽ vẫn là tăng trưởng dương tích cực.

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ vào khoảng 4,8% cho cả năm 2021. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 9 và từ quý IV chuyển sang trạng thái bình thường mới, dự báo tăng tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt từ 3,5 - 4%, nhờ vậy thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp nối đà tăng trưởng.

Nhóm cổ phiếu sẽ đón đầu và bứt phá tăng trưởng khi nền kinh tế mở cửa trở lại - Ảnh 1.

Talshow Phố Tài chính. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Một số doanh nghiệp, nhóm ngành có thể tăng trưởng âm trong quý III do ảnh hưởng của dịch bệnh

Chỉ số PMI tháng 8 xuống sát 40 điểm cho thấy lĩnh vực sản xuất bị suy giảm mạnh. Theo Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu Công ty chứng khoán MB (MBS), đợt bùng phát dịch thứ 4 đã gây tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, qua đó ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp, nhóm ngành sẽ có mức tăng trưởng âm trong quý III.

Doanh thu từ dịch vụ lữ hành trong tháng 8 đã giảm 97% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy ngành này vẫn chịu ảnh hưởng rất mạnh từ đợt dịch. Đối với ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu, đây có thể là quý khó khăn khi nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội. Ngành hàng tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng do lượng cầu trong nước suy giảm.

Đối với nhóm tài chính ngân hàng, cổ phiếu ngân hàng đang chịu sức ép lớn trong ngắn hạn do vừa phải giảm lãi suất cho vay, việc giải ngân cũng gặp khó khăn do doanh nghiệp gặp nhiều tác động của COVID-19 bên cạnh những lo ngại về nợ xấu tiềm ẩn.

Nhóm cổ phiếu sẽ đón đầu và bứt phá tăng trưởng khi nền kinh tế mở cửa trở lại - Ảnh 2.

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). (Nguồn: Vietstock).

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng cho rằng hầu hết nhóm ngành đều chịu tác động bất lợi, điển hình là hàng không và du lịch.

Đối với ngành bán lẻ, nhiều cửa hàng trong đợt giãn cách vừa qua đã phải đóng cửa. Điển hình như Thế giới Di động đã phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trực tiếp tại khoảng 70% điểm bán (tương đương 2.000 cửa hàng). Hay CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) cho biết đã phải tạm đóng cửa 80% tổng số cửa hàng trên toàn hệ thống tính đến cuối tháng 7.

Ngược lại, một số ngành trong được dự đoán vẫn duy trì mức tăng trưởng tích cực như cảng biến, nguyên vật liệu và chứng khoán.

Nền kinh tế quý IV sẽ phục hồi tích cực nếu sớm được mở cửa

Theo ông Sơn, tính chung 8 tháng năm, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng tích cực, ước đạt 221 tỷ USD và tăng 21% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 55,6 tỷ USD, tăng trưởng 10%. Do đó, nền kinh tế trong quý IV sẽ phục hồi tích cực nếu sớm được mở cửa.

Điều này có thể sẽ không nhanh do phụ thuộc vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc xin cũng như hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch sau giãn cách. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ và thúc đẩy tăng trưởng trong nước từ đầu tư công cũng là yếu tố hỗ trợ cần thiết.

Ông Ngô Thế Hiển cũng đồng ý rằng giải pháp liên quan đến vắc xin cũng như hoạt động đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ tác động tốt đến nền kinh tế. Kỳ vọng giải ngân đầu tư công đạt 90% sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế quý IV và cả năm 2021.

Ngoài ra, Chính phủ đề xuất gói hỗ trợ trị giá 21.300 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đối với ngành hàng không và du lịch cũng như dự kiến thí điểm cho khách quốc tế đến Phú Quốc từ tháng 10 tới đây.

Những nhóm ngành triển vọng sẽ bứt phá và dẫn đầu thị trường khi nền kinh tế phục hồi

Nhìn vào thống kê dòng tiền, nhóm thép, chứng khoán và các ngành liên quan đến hàng hóa được hưởng lợi từ tăng giá vẫn sẽ hút dòng tiền và duy trì đà tăng tốt. 

Ví dụ như các nhóm đầu tư công, xuất khẩu, thực phẩm, cảng biển hoặc nhóm phòng thủ như dược phẩm, bảo hiểm, sản xuất phân phối điện, nước sạch. Những doanh nghiệp nhóm thủy sản và dệt may cũng sẽ phục hồi nhanh nếu đón đầu sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ và Châu Âu.

Nhóm cổ phiếu sẽ đón đầu và bứt phá tăng trưởng khi nền kinh tế mở cửa trở lại - Ảnh 3.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu Chứng khoán MB (MBS). (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh đó, ông Sơn nhận định trong ngắn hạn sẽ là câu chuyện tích cực đến từ nhóm bất động sản nhà ở. Thị trường có thể xuất hiện những nhịp "bung" tác động tích cực đến các cổ phiếu đầu ngành trong nhóm này như DIG, NLG, KDH, PDR, VHM. Nhà đầu tư nên lựa chọn những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng dương, ít nhất trong 6 tháng đầu năm.

Theo quan điểm của ông Hiển, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được dự báo sẽ đẩy nhanh nên nhóm cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp sẽ được chú ý. Tiếp theo là nhóm ngành thuộc bất động sản khu công nghiệp khi dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn giữ ở mức tăng trưởng tốt và có các cơ hội đầu tư trong dài hạn. 

Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán đã tiến hành tăng vốn và thanh khoản thị trường dự báo tăng sẽ tác động tốt đến nhóm này. Cuối cùng nhóm ngành ngân hàng vẫn được đánh giá tốt trong thời gian tới.

Về hiện tượng một số nhóm cổ phiếu tăng giá đón đầu trước những thông tin tích cực thời gian qua như hàng không hay du lịch, hai vị chuyên gia đều có cái nhìn thận trọng.

Theo ông Sơn, đây là giai đoạn khó khăn với ngành hàng không và du lịch nói chung. Việc các cổ phiếu nhóm này tăng giá vẫn là quá sớm và đà tăng khó có thể kéo dài khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến tương đối phức tạp. Việc mở đường bay qua hộ chiếu vắc xin sớm nhất là vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán thường phản ứng trước từ 3 - 6 tháng nên những nhóm này sẽ vẫn hút dòng tiền trong ngắn hạn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hiển cũng cho rằng phản ứng trên thị trường chỉ mang tính tức thời. Đơn cử như Vietnam Airlines (Mã: HVN) ghi nhận lỗ lũy kế tại thời điểm 6 tháng 2021 lớn hơn tổng lợi nhuận sau thuế trong 13 năm trước cộng lại. Để doanh nghiệp này dần khắc phục được số lỗ nói trên sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, khi đầu tư vào các nhóm ngành như hàng không, dịch vụ hàng không trong giai đoạn này cần phải lưu ý những yếu tố nói trên.

Thảo Bùi