Dấu hiệu mở cửa nền kinh tế từ Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp diễn ra ở Trung Quốc năm 2018 - Ảnh: KCNA/SCMP. |
Sự xuất hiện của 4 quan chức Chính phủ Triều Tiên tại một hội nghị kinh tế ở thành phố Quảng Châu của Trung Quốc vào tuần trước là tín hiệu mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng đang bắt đầu mở cửa, dịch chuyển chính sách theo hướng tập trung phát triển kinh tế - tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay.
Tờ báo cho biết đoàn đại biểu Triều Tiên đã tới Quảng Châu để dự hội nghị thường niên lần thứ 15 của Diễn đàn Tài chính Quốc tế (IFF). Tại phiên họp diễn ra vào buổi chiều ngày Chủ nhật, đại biểu Triều Tiên đã có bài phát biểu về hợp tác kinh tế Trung-Triều.
Trong bài phát biểu này, đại biểu Triều Tiên đã nói về sự phát triển của các khu kinh tế, cơ hội đầu tư, nhu cầu thu hút vốn đầu tư, và mong muốn của Triều Tiên về học hỏi hệ thống tài chính tiên tiến của các quốc gia khác.
Sự xuất hiện của đại biểu Triều Tiên tại hội nghị này được xem như sự khởi đầu cho nỗ lực của Bình Nhưỡng trong việc tham gia vào đối thoại kinh tế quốc tế. Khi căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên dịu đi trong năm nay, nước này đã có những nỗ lực tương tác với thế giới bên ngoài để cải thiện nền kinh tế trong nước.
Trong một tuyên bố gây bất ngờ hồi tháng 4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói Bình Nhưỡng sẽ dịch chuyển chính sách theo hướng tập trung phát triển kinh tế thay vì tập trung phát triển vũ khí hạt nhân bởi Triều Tiên đã đạt mục tiêu về vũ khí. Tuyên bố này góp phần quan trọng vào sự xuống thang căng thẳng trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim Jong Un với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore hồi tháng 6.
"Chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội để hợp tác với cộng đồng quốc tế trong tương lai, bao gồm cả IFF, để chúng tôi có thể giới thiệu thêm với thế giới về sự phát triển kinh tế và các cơ hội đầu tư ở Triều Tiên", ông Ri Chol-suk, Vụ trưởng Vụ Phát triển kinh tế thuộc Bộ Các vấn đề kinh tế đối ngoại của Triều Tiên, phát biểu tại hội nghị ở Quảng Châu.
Tại phiên họp chiều Chủ nhật, nhóm quan chức Triều Tiên do ông Ri dẫn đầu nói rằng thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào các khu phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu của nước này.
Triều Tiên thông qua luật về khu phát triển kinh tế vào năm 2013 và đến cuối năm ngoái, nước này đã có 22 khu phát triển kinh tế trên toàn quốc. Mỗi khu đều có chức năng riêng, như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp hoặc thương mại, và có các cơ chế điều tiết nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
"Kể từ cuộc họp toàn thể lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra hồi tháng 4 năm nay, chúng tôi đã quyết định tập trung vào thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây là kế hoạch chiến lược mới của Triều Tiên", ông So Jong-chan, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Các vấn đề kinh tế đối ngoại Triều Tiên, cho hay.
"Chúng tôi cần nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy mở cửa với thế giới bên ngoài, đặc biệt là hợp tác và trao đổi kinh tế với Trung Quốc", ông So nói. "Chúng tôi đang phát triển một loạt khu du lịch và công nghệ cao để thu hút vốn đầu tư nước ngoài".
Ông So cũng cho hay Triều Tiên đang vạch ra các quy định chính sách tài chính mới để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Hwang Chung-gwon, quan chức cấp cao Vụ 18 Đoàn Chủ tịch Quốc hội Nhân dân tối cao Triều Tiên, nói rằng nền kinh tế nước này đang mở cửa để học hỏi từ các quốc gia có hệ thống tài chính phát triển.
"Tài chính không phải là vấn đề của một quốc gia, mà là một lĩnh vực của hợp tác quốc tế", ông Hwang nói. "Chúng tôi sẽ thúc đẩy liên lạc và hợp tác với các quốc gia khác trong lĩnh vực tài chính".
Ông Hwang cũng nói rằng thành công của Trung Quốc trong cải tổ và sáng kiến mở cửa sẽ là một mô hình cho Triều Tiên, nhất là khi Trung Quôc đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Là đồng minh duy nhất và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc từ lâu tuyên bố sẽ ủng hộ sự phát triển kinh tế để cải thiện mức sống cho người dân Triều Tiên. Hợp tác kinh tế là một trong những chủ đề chính được bàn thảo tại 3 cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm nay.
Tháng 10 vừa qua, thương mại Trung-Triều đạt kim ngạch hơn 245 triệu USD, so với mức gần 219 triệu USD trong tháng 9. Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đạt hơn 227 triệu USD, so với mức 200 triệu USD trong tháng 9 - theo dữ liệu hải quan.
Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm, thương mại Trung-Triều giảm 54,7% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 1,95 tỷ USD, một phần do lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc được tăng cường nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Hội nghị ở Quảng Châu đánh dấu lần đầu tiên IFF, một tổ chức nghiên cứu, mời đại biểu Triều Tiên dự cuộc họp thường niên. Ông Han Seung-soo, đồng Chủ tịch IFF, đồng thời là một cựu Thủ tướng Hàn Quốc, là người khởi xướng phiên họp đặc biệt có sự tham gia của các quan chức Triều Tiên tại hội nghị này.