|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dấu ấn của tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm 2018

15:47 | 31/12/2018
Chia sẻ
Đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có mức tăng khá cao với 3,76%.
dau an cua tang truong nganh nong nghiep trong nam 2018 [Phần 2] 5 sáng kiến thay đổi ngành nông nghiệp Đông Nam Á
dau an cua tang truong nganh nong nghiep trong nam 2018
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có mức tăng khá cao với 3,76%.

Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong bảy năm qua đã khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Tăng trưởng cả về tốc độ và chất lượng

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và người dân nên chúng ta đã đạt được một năm thắng lợi toàn diện.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 đạt kỷ lục với 40 tỷ USD. Xây dựng nông thôn mới đã đạt 42,4% số xã và 61 huyện, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành trong năm 2018. Bên cạnh đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%, là con số rất cao nếu so với mức binh quân thế giới chỉ đạt 29%.

Những kết quả trên đã khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân khúc sang quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị.

Sự chuyển đổi trong sản xuất không chỉ dựa vào lợi thế, tiềm năng mà theo sát nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó là tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Những giống lúa mới chất lượng cao đang dần thay thế giống lúa truyền thống, phát triển mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP cho giá trị kinh tế cao.

Những sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản, rau, hoa, quả nhiệt đới, đồ gỗ và lâm đặc sản được phát huy. Đồng thời, giảm các ngành hàng, sản phẩm đang có xu hướng tăng cung.

Chẳng hạn như sự chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản đã nâng cao giá trị sản xuất gấp 2,3 lần; trong đó riêng chuyển đổi 1ha đất canh tác lúa sang nuôi tôm nước lợ sẽ nâng cao giá trị gấp khoảng 5 lần.

dau an cua tang truong nganh nong nghiep trong nam 2018
Nuôi tôm theo hướng VietGap cho năng suất cao. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Năm 2018, thị trường thế giới cũng có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thị trường nông sản lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trên thị trường thế giới, nhất là tiêu, đường... sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục xác lập kỷ mục mới, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.

Thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Tuy đạt được kết quả cao và khá toàn diện, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng ngành có tăng trưởng nhưng chưa bền vững, quy mô hộ sản xuất nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, liên kết giữa vùng nguyên liệu của nông dân với doanh nghiệp, với hợp tác xã còn ít, thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Nếu khâu chế biến sâu hơn ở các ngành hàng thì lợi nhuận đem lại cao hơn, lợi nhuận phân phối lại cho bà con cũng cao hơn. Trong xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ đạt nông thôn mới nhanh nhưng chất lượng chưa đáp ứng theo mong muốn. Đó là thu nhập của bà con ở vùng miền như vùng núi, hải đảo... chưa cao; tỷ lệ nông thôn mới ở đó rất thấp so với đồng bằng và ven đô.

Năm 2019, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt khoảng 48-50% và 70 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

dau an cua tang truong nganh nong nghiep trong nam 2018
Trang trại nuôi lợn công nghệ cao tại xã Quỳ Hợp, Nghệ An. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Để đạt kết quả trên, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Cụ thể, các đơn vị địa phương tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành ba trục sản phẩm.

Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia sẽ được tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.

Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương. Có chính sách và giải pháp mở rộng quy mô, sức cạnh tranh để bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.

Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn như: rau màu, cây ăn trái, dược liệu… Trong sản xuất sẽ thực hiện các giải pháp quy trình kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa và phát triển mạnh công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Chăn nuôi sẽ tiếp tục chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát theo chuỗi. Thủy sản được khuyến khích nuôi thâm canh, công nghiệp và quảng canh tiên tiến; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và nuôi theo các tiêu chuẩn chứng nhận. Đặc biệt là thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EC; đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, ngành đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, nhất là các sản phẩm chủ lực như trái cây, cây công nghiệp, gỗ và lâm sản, thủy sản... và sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với những tiền đề của giai đoạn vừa qua cho thấy tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng, đúng trọng tâm. Trong tái cơ cấu sẽ phải đồng bộ các khâu, kể cả trong khâu sản xuất, chế biến và thương mại. Từ quy mô hộ cho đến cộng đồng là hợp tác xã, doanh nghiệp đều phải coi khoa học công nghệ là giải pháp then chốt.

“Luôn coi thị trường là mục tiêu, động lực để thúc đẩy sản xuất. Từ đó, chúng ta biết ứng dụng được công nghệ gì cho ngành hàng gì ở đâu để đáp ứng tốt thị trường. Thị trường trước hết là thị trường gần 100 triệu dân trong nước, rồi mới đến thị trường xuất khẩu,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Cùng với đó, việc hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đem lại sẽ là nhiệm vụ quan trọng của ngành nong nghiệp trong năm 2019./.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bích Hồng

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.