Đạo luật hơn 100 năm tuổi làm nhiên liệu tại Mỹ thêm đắt đỏ
Đạo luật Jones là gì?
Đạo luật Jones cấm các tàu nước ngoài vận chuyển hàng hóa giữa các cảng của Mỹ. Theo đạo luật này, những tàu vận chuyển hàng hóa giữa hai cảng của Mỹ phải là tàu thuộc sở hữu của Mỹ, do doanh nghiệp Mỹ đóng và đi cùng với đoàn thủy thủ người Mỹ.
Đạo luật Jones, được đặt theo tên Thượng nghị sỹ Wesley Jones, nhằm hỗ trợ ngành vận tải thương mại của Mỹ và Hải quân Mỹ trong chiến tranh.
Nhiều chủ tàu nước ngoài đã chỉ trích đạo luật này là một hình thức bảo hộ thương mại của Mỹ và khiến giá cao hơn. Trên thực tế, Mỹ không chuyên về các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng và sản phẩm dầu khí, do chi phí đóng loại tàu này tại thị trường nội địa khá đắt đỏ.
Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cho biết chỉ có 99 tàu đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Đạo luật Jones để giao hàng giữa các bang. Trong khi đó, có hơn 60.000 tàu thương mại chạy trên khắp các đại dương.
Theo tờ Washington Post, trong 102 năm qua, Đạo luật Jones đã hạn chế việc vận chuyển hàng hóa giữa các cảng của Mỹ.
Gánh nặng chi phí
Đạo luật Jones khiến chi phí vận chuyển hàng hóa giữa các cảng biển của Mỹ tăng gấp 10 lần so với các tuyến thông thường. Theo nghiên cứu công bố năm 2020 của Viện Grassroot của Hawaii, Đạo luật Jones khiến kinh tế bang Hawaii thiệt hại 1,2 tỷ USD/năm.
Viện Cato cho biết các chuyến hàng bằng tàu biển cung cấp 90% hàng hóa tiêu dùng tại Hawaii. Vì quy định của Đạo luật Jones, chỉ có hai công ty tàu biển đáp ứng tiêu chuẩn vận tải hàng hóa giữa quần đảo Hawaii và đất liền nước Mỹ. Do đó, mức độ cạnh tranh về giá rất thấp và người dân Hawaii phải trả chi phí cao hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tại Hawaii cũng gặp khó khăn cho phí vận chuyển. Viện Cato ước tính chi phí vận chuyển một container từ Hawaii đến Bờ Tây nước Mỹ với quãng đường hơn 4.000 km là 5.900 USD, trong khi chi phí vận chuyển từ Bờ Tây đến Sydney, Australia với quãng đường hơn 12.000 km chỉ là 1.900 USD.
Quyền miễn trừ
Bộ An ninh Nội địa Mỹ có quyền đưa ra những trường hợp miễn trừ áp dụng Đạo luật Jones và đạo luật này có thể được dỡ bỏ trong trường hợp khẩn cấp như xảy ra thảm hỏa tự nhiên.
Khi các hộ gia đình phía Đông Bắc nước Mỹ đối mặt với giá khí đốt và dầu mỏ ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm, thống đốc các bang này đã yêu cầu sự hỗ trợ từ chính phủ liên bang. Trong các yêu cầu có đề xuất tạm ngừng việc áp dụng Đạo luật Jones để nới lỏng hoạt động giao khí đốt tự nhiên từ các bang như Texas cho đến Massachusetts.
Sáu thống đốc bang tại khu vực New England, trong đó có bà Janet Mills của bang Maine, đã theo đuổi việc xin miễn trừ áp dụng Đạo luật Jones để kiềm chế đà tăng của giá năng lượng đối với người dân.
Khi nhận được miễn trừ, các tàu chở hàng nước ngoài có thể vận chuyển khí đốt tự nhiên sản xuất tại Mỹ cho các bang với mức giá rẻ hơn cả giá nhập khẩu. Tuy nhiên, đến nay, chính phủ liên bang vẫn chưa đưa ra quyết định về yêu cầu xin miễn trừ của New England.
Để đáp ứng nhu cầu gia tăng vào mùa Đông, một số bang đã chuyển sang nhập khẩu nhiên liệu vì chi phí vận tải rẻ hơn.
Năm ngoái, Chính phủ Mỹ đã miễn trừ áp dụng Đạo luật Jones cho khu vực Bờ Đông, sau khi công ty đường ống lớn nhất nước Mỹ Colonial Pipeline đóng cửa sau một vụ tấn công mạng.
Sau khi bão Fiona gây thiệt hại nặng nề cho đảo Puerto Rico vào tháng 9, các quan chức Mỹ cũng đưa ra quyết định miễn trừ vùng lãnh thổ này khỏi Đạo luật Jones, để tăng cường hoạt động vận chuyển nhiên liệu diesel nhằm khôi phục hệ thống cấp điện.
Hồi tháng 5, Hawaii đã yêu cầu quyền miễn trừ để tăng cường nguồn cung nhiên liệu, khi Nga cung cấp tới 33% nguồn dầu mỏ cho bang này trước khi bùng nổ xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, yêu cầu đã không được chấp thuận.
Sự hậu thuẫn từ lưỡng đảng
Đạo luật Jones nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Joe Biden. Những đề xuất gần đây tại Quốc hội nhằm điều chỉnh đạo luật này đã không nhận được sự ủng hộ. Hiệp hội Đối tác Hàng hải Mỹ cho biết Đạo luật Jones đã giúp tạo 650.000 việc làm và đóng góp 150 tỷ USD cho kinh tế Mỹ.
Hoạt động đóng tàu nội địa cũng được thúc đẩy trong thời gian gần đây. Tháng 11, Matson Navitgation Co, một trong những đơn vị điều hành tàu chính theo Đạo luật Jones, đã ký hợp đồng trị giá 1 tỷ USD với công ty Philly Shipyard để đóng thêm ba tàu chở hàng.