|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đào Chi Anh nhận định nguyên nhân khiến The KAfe thất bại

10:19 | 18/12/2017
Chia sẻ
"Vài người chỉ muốn thổi phồng giá trị công ty để kiếm lời nhanh. Về phương diện kinh doanh, tình hình trở nên rất khác so với tầm nhìn ban đầu của tôi", Đào Chi Anh tâm sự.

Chào đời tại Nga và là con của một nhà vật lý hạt nhân, Đào Chi Anh có cơ hội khám phá thế giới bên ngoài Việt Nam ngay từ khi còn nhỏ. Cô có khả năng nói lưu loát 4 ngoại ngữ. Sau Nga, cô tới Đức rồi Đài Loan trong suốt thời gian tiểu học. Sau khi ghi danh tại một đại học ở Singapore – Chi Anh làm việc ở đảo quốc sư tử một thời gian rồi trở lại Việt Nam vào năm 2010.

Không lâu sau khi hồi hương, cô thành lập một trong những thương hiệu ẩm thực và đồ uống độc đáo và có khả năng bành trướng tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù nhận vốn đầu tư khá lớn nhưng The KAfe vẫn phải ngừng hoạt động.

dao chi anh nhan dinh nguyen nhan khien the kafe that bai
Đào Chi Anh

Mới đây, Đào Chi Anh trao đổi với trang Vietcetera về kết cục bất ngờ của The KAfe và suy nghĩ của cô về tương lai của các thương hiệu đồ uống Việt Nam.

The KAfe là công ty phong cách sống đầu tiên ở Việt Nam? Chị có thể chia sẻ tầm nhìn ban đầu?

Lấy cảm hứng từ những thương hiệu cà phê ở Mỹ và châu Âu, The KAfe có nội thất tạo cảm giác gần gũi và thực phẩm ngon. Chúng tôi muốn tạo ra một thứ khác biệt so với phần còn lại của thị trường. Đối tượng mà chúng tôi hướng tới là những thanh niên đô thị muốn có trải nghiệm mới. Hồi ấy chúng ta chỉ thấy vài thương hiệu thực phẩm phương Tây ở Hà Nội như Pizza Hut, KFC. Tôi cảm thấy thị trường cần chất lượng và sự đa dạng. Đồng thời, tôi muốn tạo ra trải nghiệm bình dị, có thể tiếp cận nhiều người và phục vụ công chúng cả ngày. TP Hồ Chí Minh đã có L'Usine và một số nơi tương tự, song Hà Nội chưa có những thứ như thế.

The KAfe khởi đầu với thực đơn đơn giản, đa màu sắc, không giới hạn trong bất kỳ món đặc biệt nào. Chúng tôi có đủ loại hương vị - từ châu Á, Italy đến Pháp. Nó bao hàm một số cá tính của riêng tôi. Tôi từng tới nhiều nước trên thế giới nên thực đơn của The KAfe phản ánh rõ thực tế ấy. Chúng tôi không cố gắng trở thành thứ khác biệt.

May mắn thay, khách hàng trẻ tỏ ra thích thú với The KAfe. Tôi không kỳ vọng nó sẽ trở thành hiện tượng nổi bật. Lượng khách trong quán luôn lớn và thực tế đó cho thấy một khoảng trống lớn trong thị trường và chúng tôi khởi sự đúng hướng. Do vậy, tôi biết The KAfe có thể phát triển hơn nữa. Chúng tôi mở cửa hàng thứ hai và thu hút cả khách hàng trong nước và nước ngoài. Tôi hiểu rằng mọi người không thích những quán ăn đường phố mỗi ngày nữa và họ cũng không muốn dành tới 15 USD cho mỗi lần ăn hoặc uống. Họ chỉ cần một chỗ ngồi thoải mái.

Đến bây giờ, tôi vẫn không thấy được thương hiệu Việt Nam nào giống The KAfe tại Hà Nội. Bạn bè và gia đình tôi luôn nói rằng họ rất nhớ The KAfe. Tuy nhiên hiện tại, tôi đã tập trung vào công việc mới của mình với DCA Holdings – một công ty về marketing sáng tạo. Tuy nhiên, bất kỳ ai muốn xây dựng mô hình giống The KAfe, tôi đều sẵn sàng giúp đỡ.

Nguyên nhân nào khiến The KAfe phải đóng cửa?

Đương nhiên thất bại này không hề là trải nghiệm tích cực do quá nhiều bên liên quan tới nó. Một vài người chỉ muốn phóng đại giá trị công ty để kiếm tiền nhanh. Về mặt kinh doanh tổng thể, mọi thứ trở nên rất khác so với ý định ban đầu của tôi, khiến tôi cảm thấy căng thẳng. Bản thân tôi chỉ thích tạo dựng một thứ riêng – theo cách tự nhiên và phát triển dần. Tôi muốn tận hưởng trong suốt hành trình xây dựng sự nghiệp chứ không chỉ tạo ra lợi nhuận nhằm đáp ứng mục tiêu tài chính cho người khác.

Lĩnh vực nào đang trở thành xu hướng mới đáng chú ý tại Hà Nội hiện nay, theo chị?

Xu hướng nổi bật nhất hiện nay là trà sữa. Tuy nhiên, những thương hiệu lớn cũng đã bắt đầu nhóm ngó lĩnh vực này và đang có ý định tham gia thị trường. Bản thân tôi lớn lên tại Đài Loan và rất thích trà sữa nhưng thị trường ở đó hiện tại cũng đã trở nên bão hoà.

Bất chấp thực tế đó, mọi người vẫn muốn lao vào thị trường. Với những người mới nhập cuộc, đây là thử thách lớn. Các cửa hàng trà sữa đã chiếm tất cả những địa điểm vàng và góc phố nổi tiếng tại Hà Nội. Trong bối cảnh đó, rất nhiều thương hiệu Việt Nam khó tìm địa điểm đặt cửa hàng.

Mọi người nghĩ mở cửa hàng trà sữa chắc chắn có lãi. Sai đấy. Tôi nghĩ chẳng lâu nữa một số doanh nghiệp sẽ biến mất và thị trường chỉ còn vài tên tuổi. Tình huống ấy vừa tốt cho cả thị trường lẫn người tiêu dùng.

Tôi phải nói thêm rằng trà sữa cực kỳ có hại cho sức khỏe. Mọi người không biết nguồn gốc nguyên liệu. Ngay cả ở Đài Loan, người ta cũng không thấy nhiều cửa hàng chỉ bán trà sữa như ở Việt Nam.

Nếu kinh doanh trà sữa, chị sẽ làm gì để tạo ra khác biệt?

Mới đây chúng tôi thực hiện dự án mở một thương hiệu trà sữa phong cách Đài Loan tại Việt Nam. Chúng tôi không dùng bất kỳ phẩm màu hay đồ đi kèm nào như phô mai, chỉ dùng trà sữa nguyên chất. Thực đơn cũng bao gồm những thành phần truyền thống trong trà sữa của Đài Loan và món ăn.

Sau The KAfe, chị đang thực hiện những dự án mới nào?

Hiện tại tôi tập trung vào DCA Holdings - công ty chuyên hỗ trợ chủ sở hữu các thương hiệu trong ngành thực phẩm, đồ uống. Do từng kinh doanh trực tiếp trong lĩnh vực này, đội ngũ của tôi hiểu rằng doanh nghiệp đối diện rất nhiều rào cản gia nhập thị trường. Chẳng ai muốn học lại từ đầu khi mở một nhà hàng hay quán ăn và chúng tôi đến để giúp họ.

Hầu hết đối tác của tôi là những doanh nhân đến từ nhiều ngành khác nhau đang có vốn và muốn tìm cách thâm nhập thị trường. Nhiều người không biết bắt đầu từ đâu. DCA sẽ giúp những thương hiệu mới hoặc đã thành lập tại Việt Nam bằng chiến lược thâm nhập thị trường hiệu quả nhất – từ nội thất tới thiết kế. Phần lớn đối tác là doanh nghiệp trong nước, nhưng chúng tôi đang bắt đầu hợp tác cùng các chuỗi nhượng quyền nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Tôi cũng sở hữu T-pot Journal và Nep Magazine – tạp chí về thiết kế và đồ ăn.

Tương lai của ngành thực phẩm đồ uống sẽ thế nào, theo dự đoán của chị?

Từ khi lập công ty tư vấn, tôi và các cộng sự có cơ hội đại diện cho 90 thương hiệu nhượng quyền ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng công ty sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều thương hiệu ngoại hơn. Quả thực tôi cảm thấy, sau The KAfe và L’Usine, chưa thương hiệu đồ ăn và uống của Việt Nam nào phát triển tới mức trở thành hiện tượng của giới truyền thông.

Kim Cương