|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên cà phê, trà và nước ngọt: Doanh nghiệp, hiệp hội kêu khó

07:17 | 06/07/2018
Chia sẻ
Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt trong đó có cà phê, trà vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía hiệp hội đường và doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng Bộ Tài chính nên nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra đề xuất.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, giá nước ngọt có thể tăng thêm 12%

Hồi đầu năm, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước giải khát có đường, không quy định cụ thể nước ngọt có ga, không ga, hay nước tăng lực, thể thao, trà, cà phê (trừ các sản phẩm sữa).

danh thue tieu thu dac biet len ca phe tra va nuoc ngot doanh nghiep hiep hoi keu kho
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên cà phê, trà và nước ngọt: Doanh nghiệp, hiệp hội kêu khó. Ảnh: Internet

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án. Phương án một, áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% bắt đầu từ năm 2019. Phương án hai là áp mức thuế suất lên tới 20%. Lý do mà Bộ Tài chính đưa ra là nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, ngăn chặn tình trạng béo phì.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trường Vụ chính sách Thuế, Bộ Tài chính: “Do đây là nội dung mới nên đề nghị mức thuế suất dừng ở mức 10%”.

Nếu áp dụng mức thuế 10%, số thu đối với nước ngọt khoảng 4.550 tỉ đồng, thu thuế giá trị gia tăng tương ứng khoảng 455 tỉ đồng. Tổng số tăng thu khoảng 5.005 tỉ đồng.

Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất nước ngọt sẽ phải “cõng” trên lưng tới 3 thứ thuế: Thuế VAT 10%, thuế VAT đối với đường, phụ phẩm trong sản xuất đường 3% và thuế tiêu thụ đặc biệt 10%. Theo Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam (VBA) nếu áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt này, giá bán các sản phẩm nước giải khát trên thị trường có thể tăng thêm 12%.

Thậm chí trước đó, một số chuyên gia đề xuất tăng tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường lên tới 40% với lý do: “Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường, hiện sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%”.

Doanh nghiệp, hiệp hội kêu khó

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên BASICO chia sẻ với phóng viên, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với nước ngọt là không hợp lý vì tác động của đường đối với tình trạng béo phì của người Việt chưa rõ rệt. “Nếu chúng ta đánh thuế lên thuốc lá, rượu vì lí do sức khỏe thì còn có lý. Tuy nhiên, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên đường cũng vì lí do này thì không hợp lý chút nào, thậm chí điều này còn ảnh hưởng tới người nghèo”.

Mặc dù Bộ Tài chính dẫn chứng rằng tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì ở Việt Nam chiếm khoảng 25% dân số, tuy nhiên, trả lời phỏng vấn VTV, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-rượu- nước giải khát cho rằng chưa có số liệu cụ thể tác động của đồ uống có đường đối với tình trạng béo phì như thế nào.

Không chỉ tác động đến người nghèo, ngành mía đường cũng sẽ phải điêu đứng trong bối cảnh khủng hoảng giá đường và tồn kho cao như hiện nay.

Theo ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường (VSSA) quan điểm về đường mía có thể thể gây béo phì trên thế giới vẫn còn gây tranh cãi. Nhiều nước cho rằng chất tạo ngọt (syrup ngô) mới là nguyên nhân chính của bệnh béo phì chứ không phải đường mía. “Chỉ cần một lượng nhỏ có thể thay thế hàng trăm cân đường”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cho biết thêm trong bối cảnh giá đường đang ở mức đáy trong nhiều năm như hiện nay trong khi tồn kho ngày một tăng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt sẽ càng gây áp lực lên ngành. Theo VSSA, tồn kho đường tại các nhà máy tính đến ngày 15/6 đã tăng lên tới 707.177 tấn.

Trao đổi với phóng viên ông Đoàn Anh Tuân, giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới (Trà Cozy) cho rằng đánh thuế tiêu thụ vào trà và cà phê là không hợp lý. “Trà và cà phê là các sản phẩm người dân tiêu thụ hàng chục năm nay và có lợi cho sức khỏe. Việc cho thêm chút đường chỉ để dễ uống hơn chứ không gây béo phì, vì vậy, không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Tuân nhận định.

Bên cạnh đó, trà và cà phê là những nông sản gắn liền với kế sinh nhai của nhiều nông dân; việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của họ, nhất là những hộ nghèo, ông Tuân nói. Ngoài ra, ông Tuân bày tỏ lo lắng: “Nhà nước đang khuyến khích việc nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản nói chung và trà, cà phê nói riêng thông qua khâu đóng gói dạng uống liền. Đáng lẽ Nhà nước nên khuyến khích thay vì đánh thuế. Nếu đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt được thông qua, tốc độ bán hàng của doanh nghiệp sẽ chậm lại”.

Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký VPSF, nguyên Trưởng cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO nhận định: “Đề xuất của Bộ Tài chính một phần thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chưa có bước đi chiến lược, chưa thuyết phục được cộng đồng, vì vậy mỗi khi đưa ra đề xuất mới, Bộ vấp phải phản ứng dữ dội từ phía cộng đồng”

Đức Quỳnh