|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đằng sau động thái điều chỉnh chiến lược của ngành công nghiệp xe điện toàn cầu

09:30 | 09/03/2024
Chia sẻ
Cấu trúc ngành công nghiệp xe điện thế giới đang có sự dịch chuyển, khi ngày càng nhiều các doanh nghiệp lớn giảm đầu tư, các chính phủ thay đổi chính sách công nghiệp và nhu cầu bị thu hẹp.

 

Những năm gần đây, được hỗ trợ bởi việc các chính phủ nỗ lực theo đuổi chính sách kinh tế xanh, đi kèm với nhu cầu về phương tiện sử dụng năng lượng mới ngày càng tăng, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã chứng kiến quá trình chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng điện khí hóa.

Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất xe điện (EV) của Trung Quốc đã nổi lên như môt “ngôi sao đang lên” trong cuộc đua giành thị trường, nhanh chóng trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu xe điện lớn nhất thế giới.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu ô tô của nước này đạt 5,221 triệu chiếc vào năm 2023, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng lượng xe xuất khẩu của Nhật Bản, quốc gia có truyền thống chiếm lĩnh vị trí số một trên thị trường xe ô tô thế giới, vào năm 2023 chỉ đạt xấp xỉ 4,3 triệu chiếc.

Điều này dẫn tới việc Trung Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản, để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới vào năm ngoái.

So sánh về loại xe, bảng xếp hạng xuất khẩu các thương hiệu xe ô tô trên thế giới năm 2023 cho thấy, trong tổng doanh số xuất khẩu đạt 3,83 triệu chiếc vào năm 2023, lượng xuất khẩu xe năng lượng mới đạt 1,04 triệu chiếc, tăng 430.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Xét riêng từng thương hiệu trong tổng số xuất khẩu xe năng lượng mới của năm ngoái, Tesla đứng đầu với 3.440.780 chiếc, tiếp theo là BYD và MG, đều của Trung Quốc, với lượng xuất khẩu vượt quá 200.000 chiếc cho mỗi hãng.

Những con số này khẳng định sự trỗi dậy của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc trải rộng trên toàn bộ chuỗi công nghiệp xe năng lượng mới, từ mỏ lithium, pin điện và cung cấp linh kiện cho đến sản xuất xe. So với xe điện nước ngoài, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng duy trì lợi thế truyền thống mạnh mẽ là giá thấp.

Từ xu hướng phát triển của năm trước, có thể thấy rằng các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang bắt đầu thiết lập được một hệ thống lợi thế nhất định trên thị trường quốc tế. Trên thị trường xe điện rộng lớn hơn, cấu trúc của toàn ngành đã có một sự thay đổi đáng kể.

Các doanh nghiệp xe điện phương Tây điều chỉnh chiến lược

Tại các thị trường sôi động trước đây như Mỹ và châu Âu, nơi từng thúc đẩy mạnh mẽ các phương tiện sử dụng năng lượng mới, ngành công nghiệp xe điện đang chứng kiến sự suy thoái nghiêm trọng. Ở cấp độ doanh nghiệp, nhà sản xuất ô tô Đức Mercedes-Benz mới đây nhất đã tuyên bố từ bỏ mục tiêu bán độc quyền xe điện vào năm 2030 và trì hoãn thời gian thực hiện dự kiến đối với kế hoạch bán xe điện và xe hybrid (xe lai giữa xe chạy bằng điện và xăng).
Ford Motor (Mỹ) cũng đã thực hiện những điều chỉnh toàn diện đối với chiến lược điện khí hóa của công ty, hoãn kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD cho xe điện mới, giảm khối lượng sản xuất xe điện đồng thời hạ thấp mục tiêu tỷ suất lợi nhuận.

Rivian Automotive, một công ty khởi nghiệp về xe điện của Mỹ từng được mệnh danh là “đối thủ của Tesla”, đã tuyên bố cắt giảm 10% lực lượng lao động do thua lỗ liên tục và tạm dừng sản xuất trong vài tuần để điều chỉnh chiến lược sản xuất.

Renault (Pháp) đã chấm dứt việc niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) doanh nghiệp xe điện Ampere của mình do thị trường vốn trì trệ. Một diễn biến đáng chú ý khác là việc Apple gần đây đã chấm dứt dự án xe điện, báo hiệu sự thất bại của kế hoạch sau 10 năm và khoản đầu tư 10 tỷ USD. Ngoài ra, Waymo, dự án xe tự lái của Google, đã ngừng sản xuất mẫu xe điện nội bộ Firefly do chi phí sản xuất cao và khả năng sản xuất yếu kém.

Các quốc gia chuyển đổi chính sách công nghiệp

Đằng sau việc điều chỉnh chiến lược của các doanh nghiệp lớn là sự chuyển dịch chính sách công nghiệp của các chính phủ liên quan, cũng như xu hướng nhu cầu về xe điện suy yếu. Chính sách trợ cấp cho xe điện ở nhiều nước đã chấm dứt. Ví dụ, Đức đã ngừng trợ cấp cho xe điện bắt đầu từ giữa tháng 12/2023, trong khi Anh và Thụy Điển chấm dứt chính sách trợ cấp vào năm 2022.

Hơn nữa, nhu cầu thị trường trì trệ cũng cản trở quá trình điện khí hóa. Và các yếu tố địa chính trị cũng gây trở ngại cho việc xuất khẩu xe điện của Trung Quốc nói riêng.

Khi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc vừa mới củng cố vị thế của mình trên thị trường toàn cầu, các chính phủ và ngành công nghiệp ô tô ở châu Âu và Mỹ đã quyết định rút lui, đây là một đòn giáng mạnh vào các nhà sản xuất Trung Quốc.

Giải pháp ổn định xu hướng

Trong bối cảnh hiện nay, để duy trì vị thế về xe điện, các công ty Trung Quốc đã đầu tư đáng kể và thiết lập chuỗi công nghiệp trong lĩnh vực này, cần xem xét các điều kiện sau những thay đổi đáng kể của tình hình quốc tế và môi trường kinh doanh cũng như những tác động tiếp theo.
Thứ nhất, điều quan trọng là các công ty này phải theo dõi chặt chẽ những thay đổi trong tình hình và hiểu bản chất cũng như mức độ rút lui của các ngành công nghiệp châu Âu và Mỹ khỏi lĩnh vực xe điện.

Ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đã có sự hiện diện đông đảo. Liệu việc rút lui của các nước châu Âu và Mỹ chỉ làm trì hoãn quá trình chuyển đổi sang điện khí hóa hay đánh dấu sự rút lui hoàn toàn khỏi lĩnh vực xe điện, quay trở lại con đường của phương tiện sử dụng nhiên liệu, vẫn còn phải được theo dõi và quan sát.

Mối quan tâm thực sự của các quốc gia về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đối với các chính sách công nghiệp là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện của ngành công nghiệp ô tô. Nếu châu Âu và Mỹ không còn ưu tiên sự đúng đắn về mặt chính trị và chọn không theo đuổi ngành công nghiệp xe điện trong tương lai, điều đó sẽ có tác động lâu dài đến ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc.

Thứ hai, việc châu Âu và Mỹ rút lui sẽ thúc đẩy việc xem xét lại các chính sách của Trung Quốc liên quan đến ngành công nghiệp xe năng lượng mới. Trước đây, xe điện được coi là ưu tiên tuyệt đối về lộ trình công nghệ ở Trung Quốc, với các khoản trợ cấp tài chính tập trung vào nó. Giờ đây, có vẻ như khi ngành công nghiệp xe điện ngày càng phát triển, việc cân nhắc chính sách không còn đơn giản như trước nữa.

Thứ ba, tốc độ tăng trưởng cao, ổn định của xe điện khó có thể tiếp tục. Nhà sáng lập công ty tham vấn Anbound Consulting (Anbound) có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ANBOUND, Kung Chan, đã dự đoán từ nửa cuối năm 2023 rằng xe điện sẽ bước vào thời kỳ suy thoái bắt đầu từ năm 2024. Tại Hội nghị chuyên đề về xu hướng ANBOUND 2024, ông Chan đã nhắc lại nhận định của mình về xu hướng phát triển xe điện đi xuống.

Hiện nay, trên các khía cạnh thị trường và xã hội, những vấn đề cố hữu trong lĩnh vực xe điện ngày càng bộc lộ. Có một số vấn đề thực tế trong hướng công nghệ này. Ví dụ, pin năng lượng hiện tại chủ yếu dựa vào lithium, tuy nhiên pin lithium tồn tại vấn đề nghiêm trọng về sự an toàn.

Ngoài ra, mặc dù xe điện không có lượng khí thải carbon trong quá trình sử dụng nhưng chúng không phải là lựa chọn tốt nhất cho xe có lượng khí thải carbon thấp khi xem xét toàn bộ chu kỳ tồn tại của xe. Hơn nữa, việc sử dụng rộng rãi xe điện cũng sẽ gây áp lực rất lớn cho việc tái chế pin, dẫn đến các vấn đề ô nhiễm dự kiến sẽ sớm phát sinh.

 

Hằng Linh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.