|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dân Trung Quốc thắt chặt hầu bao khi nền kinh tế khó khăn

20:15 | 24/08/2018
Chia sẻ
Nhiều người dân Trung Quốc đang thắt lưng buộc bụng bằng cách tìm mua các sản phẩm rẻ tiền, hạn chế đến các khu mua sắm cao cấp, trì hoãn hôn nhân và sinh con khi nền kinh tế của đất nước chững lại, đồng nhân dân tệ mất giá, cộng thêm với việc Bắc Kinh phải ứng phó cuộc chiến thương mại đầy gian nan với Mỹ.
dan trung quoc that chat hau bao khi nen kinh te kho khan
Nhiều người dân Trung Quốc cân nhắc kỹ hơn trước các quyết định mua sắm. Ảnh: AFP

Người dân kêu gọi cắt giảm chi tiêu

Theo tờ New York Times, trong nhiều năm qua, các cuộc thảo luận ở Trung Quốc thường xoay quay chủ đề “nâng cấp” tiêu dùng, tức hướng đến các sản phẩm và dịch vụ cao cấp hơn. Khi nền kinh tế cất cánh, tầng lớp trung lưu Trung Quốc mà giờ đây đã hơn 400 triệu người, quyết định chi tiêu lớn hơn. Họ chuyển sang mua các thương hiệu giày nổi tiếng như Nike thay vì các thương hiệu trong nước, dùng Iphone thay vì những điện thoại rẻ tiền và uống cà phê latte thay vì trà.

Ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, kéo theo hoạt động mua sắm tăng trưởng chậm. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trong suy thoái, còn đồng nhân dân tệ tì mất mất giá. Giữa bối cảnh đó, cuộc chiến tranh thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động càng khiến người dân Trung Quốc cảm thấy bi quan hơn.

Trên trên đường phố và trên Internet, các cuộc thảo luận nói bắt đầu xoay quanh các kế hoạch “hạ cấp” tiêu dùng. Nhiều người dân khuyên nhau hãy đi xe đạp thay vì đi taxi và uống bia thay cho cocktail. Khi vào các quán cà phê, họ chỉ gọi ly trà sữa bình thường thay vì ly lớn. Họ cân nhắc bỏ tập gym và tham gia các buổi tập nhảy ở quảng trường cùng với các cụ bà. Một số người còn nói đùa rằng hãy ăn thịt thay vì tàu hũ vì thuế trả đũa của Trung Quốc đang khiến giá đậu nành nhập khẩu từ Mỹ đắt hơn.

Một bài việt trên mạng xã hội WeChat có tựa đề: “Thế hệ trẻ Trung Quốc hãy chuẩn bị đón nhận những ngày khắc nghiệt phía trước” của blogger Ming Na đã nhận được hơn 300.000 lượt xem. Trong bài viết, cô khuyên giới trẻ thôi đến các khu mua sắm và các hộp đêm.

Chen Siqi, nữ kế toán ở Bắc Kinh, đã nghe theo lời khuyên. Gần đây, cô mua một thùng đựng rác trên ứng dụng Pinduoduo, chuyên bán hàng cho nhóm mua với giá rẻ. Cô kiếm được thu nhập 1.400 đô la Mỹ sau thuế nhưng phải phải chi phân nửa số này để trả tiền thuê căn hộ một phòng ngủ.

Cô cho biết cô đã đến độ tuổi mà cô muốn sống trong căn hộ riêng thay vì chia sẻ với người khác. Để tiết kiệm tiền, giờ đây cô tự nấu ăn ở nhà vài lần trong tuần và mua phần lớn áo quần từ các công ty bán thời trang giá rẻ trực tuyến.

“Tôi muốn có một cuộc sống tốt hơn nhưng không biết làm cách nào có đủ tiền để sống như vậy”, cô nói.

Trì hoãn hôn nhân và kế hoạch sinh con

dan trung quoc that chat hau bao khi nen kinh te kho khan
Nhiều đôi vợ chồng trẻ ở Trung Quốc quyết định hoãn kế hoạch sinh con để lo trả nợ tiền mua căn hộ. Ảnh: AFP

Nhiều người trẻ ở Trung Quốc đang trì hoãn kế hoạch kết hôn và sinh con chỉ vì phải lo xoay sở trả các khoản nợ vay khi mua nhà. Giá nhà đắt đỏ đến nỗi Wang Jiazhi, kỹ sư bán dẫn 34 tuổi ở thành phố Thâm Quyến, dọn ra khỏi căn hộ của mình. Anh mua căn hộ một phòng ngủ này vào năm 2016. Ngoài khoản trả góp hơn 700 đô la mỗi tháng, anh cần phải trả cho những người bà con số tiền mà anh đã mượn để đóng khoản tiền đặt cọc ban đầu. Vậy nên anh quyết định cho thuê căn hộ của mình và dọn đến sống ở một căn hộ bốn phòng ngủ với chín người khác. Bằng cách này, Wang, người có thu nhập 2.000 đô la/tháng sau thuế, tiết kiệm được 160 đô la/tháng

Giống như nhiều nam giới Trung Quốc khác, Wang tin rằng anh cần phải sở hữu căn hộ trước khi tìm vợ. Song anh đang chịu áp lực quá lớn với khoản tiền trả góp và tiền nợ của những người bà con. Bên cạnh đó, anh còn phải gửi tiền chăm sóc bố mẹ già yếu ở quê, vậy nên, anh quyết định hoãn kế hoạch hôn nhân. Để tiết kiệm tiền, anh quyết định ngưng hẹn hò.

Những người như Wang lý giải phần nào hiện tượng hạ cấp tiêu dùng ở Trung Quốc. Ngay cả khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm, cổ phiếu của một số công ty sản xuất thực phẩm giá rẻ như erguotou (một loại rượu trắng mạnh và có giá rẻ) và dưa chua đi ngược lại xu hướng.

“Hãy uống erguotou và nhắm dưa chua. Hãy thuê xe đạp của công ty xe đạp dùng chung Mobike”, blogger Ming Na, kêu gọi.

Ngay cả những người con duy nhất của các gia đình trung lưu được xem là nhóm có tài chính ổn định nhất, cũng cảm thấy lo lắng về tương lai của họ. Wu Xiaoqiong, 28 tuổi, là con một của một công chức và một bác sĩ ở tỉnh Hà Bắc. Cô làm việc cho một công ty Internet lớn ở Bắc Kinh với mức thu nhập 1.500 đô la Mỹ/tháng sau thuế.

Khi cô kết hôn vào năm ngoái, bố mẹ cô và bố mẹ chồng cô cùng chung tay góp mỗi bên 50% khoản đặt cọc ban đầu để mua căn hộ một phòng ngủ cho vợ chồng cô. Gần 2/3 thu nhập hàng tháng của vợ chồng cô được sử dụng để trả tiền góp hàng tháng mua căn hộ và tiền thuê một căn hộ nhỏ ở Thượng Hải, nơi chồng cô đang làm việc cho một ngân hàng nhà nước. Cách để cô giảm chi tiêu là trì hoãn kế hoạch sinh con.

“Chúng tôi gần như không có khoản tiết kiệm nào và cũng chẳng có khoản dự phòng cho tuổi nghỉ hưu. Cha mẹ tôi đang hỗ trợ tài chính cho tôi, làm sao tôi có thể đủ chi phí để nuôi con?”, cô phân trần.

Nhiều người khác cho biết họ không muốn sinh thêm con. Li Keli, nhân viên kế toán của một hãng sản xuất hàng điện tử ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, cho biết cô không định sinh thêm con thứ hai. Hồi tháng 6, nhà máy nơi cô làm việc đã sa thải 2/3 số công nhân khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Khoản lương hàng tháng 500 đô la của cô đã bị cắt giảm 10%. Cô từng đưa đứa con trai 7 tuổi đi chơi ở các thành phố lân cận vào dịp cuối tuần nhưng giờ đây, cô chọn cách đưa cậu bé đến chơi ở những sân chơi công cộng của các khu chung cư bởi vì được phục vụ miễn phí.

Những vết nứt trong nền kinh tế

Nếu nhìn qua các số liệu, nền kinh tế Trung Quốc dường như đang còn vững vàng, nhưng nếu nhìn kỹ hơn, mọi người sẽ thấy những vết nứt. Doanh thu bán lẻ ở Trung Quốc trong năm nay đang tăng trưởng ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Lương của người lao động ở khu vực tư nhân tăng với tốc độ chậm nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2009. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 20%.

Tuần trước, công ty thương mại điện tử JD.com (Trung Quốc) công bố báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 đáng thất vọng với mức lỗ ròng 334 triệu đô la, cao hơn gấp đôi mức dự báo. Chiến lược kinh doanh của JD.com là nhắm vào phân khúc khách hành trung lưu bằng cách bán những sản phẩm có chất lượng cao nhưng nhiều người có thu nhập cao cũng đang hạn chế mua sắm.

Nữ kiến trúc sư Chen Ying, 33 tuổi ở Thượng Hải, cho biết kế hoạch cắt giảm chi tiêu của cô sẽ bao gồm cắt các chuyến đi mua sắm ở các cửa hàng bách hóa cao cấp. Cô từng được tăng lương 15-20% mỗi năm trong suốt một thập kỷ qua nhưng giờ đây, cô chỉ hy vọng lương tăng 5% mỗi năm.

Người tiêu dùng Trung Quốc là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của nước họ trong những năm gần đây. Họ cũng đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng toàn cầu. Người tiêu dùng Trung Quốc đã hỗ trợ cho sự phát triển của các công ty toàn cầu như Alibaba, General Motors, Volkswagen... nên khi họ cắt giảm chi tiêu, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác, đang bán hàng hóa cho thị trường Trung Quốc, cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, “sự hạ cấp” tiêu dùng ở Trung Quốc có thể khiến ông Trump tự tin và thách thức hơn trong cuộc đấu thương mại khi ông đặt cược rằng Bắc Kinh không thể chịu đựng thêm nhiều tổn thương kinh tế hơn nữa.

Xem thêm

Lê Linh